Vụ thanh niên đạp vào người phụ nữ đi xe máy: Có thể xử lý hình sự?

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, hành vi đạp vào xe máy đang lưu thông là rất nguy hiểm, đủ khả năng tước đoạt tính mạng người khác và có thể bị xem xét về hành vi giết người.

Gần đây, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh 2 thanh niên đi xe máy lạng lách, cố vượt một chiếc ô tô và suýt đâm vào một phụ nữ chạy xe cùng chiều. Sau đó, 2 thanh niên này lăng mạ người phụ nữ, nam thanh niên điều khiển xe thậm chí còn dùng chân đạp vào xe máy khiến người này loạng choạng.

Tiếp nhận thông tin, Công an quận Long Biên, Hà Nội, xác minh và đang truy xét danh tính 2 nam thanh niên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bình luận dưới bài đăng của Dân trí, nhiều độc giả không giấu nổi sự bất bình trước hành vi thể hiện sự coi thường pháp luật của 2 thanh niên này. Chủ tài khoản Hoàng Hiệp viết: "Với hành vi này, cần cách ly chúng khỏi xã hội một thời gian dài".

Vụ thanh niên đạp vào người phụ nữ đi xe máy: Có thể xử lý hình sự? - 1

Hành động của nam thanh niên đi xe máy (Ảnh: Cắt từ clip).

"Tôi cũng từng chứng kiến một nhóm thanh niên bốc đầu, lạng lách, đánh võng rồi tự quệt vào người đi phía trước. Sau đó, cả nhóm xúm vào chửi, đánh người kia, tôi chứng kiến mà tức nổ mắt cho cậu ấy. Ngày ấy tiếc là chưa có mạng xã hội", độc giả Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.

Còn với độc giả Phongle, người này đánh giá dựa trên bối cảnh tình huống, nếu hành vi đạp vào xe khiến người phụ nữ ngã ra đường, người này hoàn toàn có thể bị chấn thương nghiêm trọng. Bởi vậy, hành vi này cần bị xử lý nghiêm. "May mà người phụ nữ không ngã, không thì bị nặng rồi. Một bộ phận bây giờ chẳng biết đúng sai là gì, làm sai mà cứ đòi đánh người. Mong pháp luật nghiêm minh, trừng trị những tên này cho hiểu luật", người này viết.

Đồng quan điểm, các độc giả Tuyetle Tinh Nguyen Van cũng bày tỏ sự lo ngại khi cho rằng nếu hành vi dẫn đến việc người phụ nữ bị ngã và đập đầu xuống đường, tính mạng của người này hoàn toàn có thể bị xâm phạm. Do đó, hành vi này cần bị trừng trị thật nặng nhằm tạo tính răn đe.

Vậy dưới góc độ pháp lý, hành vi của 2 thanh niên có thể bị xử lý ra sao?

Luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá, hành vi trên của 2 thanh niên thể hiện sự côn đồ, ngông nghênh, coi thường pháp luật cũng như sức khỏe, tính mạng người khác. Dù chưa để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng với hành vi trên, những người này vẫn có thể bị áp dụng chế tài xử lý theo quy định của pháp luật.

Vụ thanh niên đạp vào người phụ nữ đi xe máy: Có thể xử lý hình sự? - 2

Luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư Trang cho rằng trước tiên, cơ quan chức năng cần truy xét và triệu tập 2 thanh niên lên làm việc, lấy lời khai. Quá trình lấy lời khai, công an sẽ làm rõ nhiều vấn đề như thời gian, không gian, địa điểm, bối cảnh xảy ra va chạm; ý chí chủ quan, động cơ, mục đích của những người này khi thực hiện hành vi là gì. Từ đó, sự việc có thể xảy ra theo một số trường hợp như sau:

Thứ nhất, nếu hành vi đạp vào xe xuất phát từ sự bực tức, với mục đích nhằm "xả giận" và dằn mặt, đe dọa người phụ nữ, cú đạp thực hiện với lực không lớn, chưa đủ mức độ nguy hiểm để khiến người phụ nữ gặp tai nạn nghiêm trọng, hành vi được thực hiện khi 2 xe đều di chuyển ở tốc độ vừa phải, cơ quan chức năng sẽ xem xét dấu hiệu của hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng theo quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó tập trung vào 2 nhóm hành vi chính là gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích.

Thứ hai, trong trường hợp hành vi có tính chất nghiêm trọng, được thực hiện khi các xe di chuyển tốc độ cao, cú đạp ở khoảng cách đủ gần, thực hiện với lực mạnh thể hiện sự dứt khoát, quyết liệt trong hành vi; ý chí khi thực hiện nhằm tước đoạt tính mạng của người khác hoặc không nhằm tước đoạt tính mạng nhưng ý thức được có thể gây nguy hiểm về sức khỏe, tính mạng của người khác, cơ quan chức năng có thể xem xét dấu hiệu về hành vi giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.

Nếu tình huống pháp lý này xảy ra, việc người phụ nữ không gặp nạn là sự kiện khách quan, nằm ngoài ý chí chủ quan của người thực hiện hành vi và sẽ không phải căn cứ để xem xét miễn trách nhiệm hình sự.

"Trên thực tế, những sự việc có tính chất tương tự đã từng xảy ra và gây ra hậu quả chết người, đơn cử như sự việc Nguyễn Thanh Huy (26 tuổi, quê An Giang) đạp vào xe máy chở 2 người tại khu vực quận Bình Tân (TPHCM) khiến 2 người thương vong. Đối tượng sau đó bị cơ quan công an điều tra về hành vi giết người.

Bởi vậy, có thể thấy hành vi đạp vào xe máy của người khác khi lưu thông là hết sức nguy hiểm, đủ khả năng tước đoạt mạng sống người khác. Do đó, đối với trường hợp này, dù hậu quả nghiêm trọng chưa xảy ra nhưng vẫn cần có những chế tài nghiêm khắc để răn đe, ngăn chặn những hành vi có tính chất tương tự, dựa trên kết quả truy xét, xác minh của cơ quan công an", luật sư Trang phân tích.

Hoàng Linh