Vụ mở cửa xe làm chết người: Có bị xử lý hình sự ?

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, dù hành vi mở cửa xe không trực tiếp dẫn tới hậu quả chết người song đây là nguyên nhân chính gây ra hậu quả đáng tiếc. Do đó, người vi phạm vẫn có thể bị xử lý hình sự.

Như Dân trí thông tin, sáng 9/3, một vụ tai nạn giao thông xảy ra tại khu vực trước Cửa khẩu quốc tế Lào Cai (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) khiến 2 người thương vong. Theo đó, một người ngồi trong ô tô con đang dừng đỗ đã mở cửa xe, cùng lúc có một xe máy chở 2 mẹ con đi qua khiến cả 2 người ngã xuống đường. Sau đó, người mẹ bị ô tô khách từ phía sau đi tới cán tử vong.

Bước đầu, cơ quan chức năng TP Lào Cai xác định hành vi mở cửa ô tô gây tai nạn là hành vi sai. Vụ việc đang tiếp tục được xác minh, làm rõ.

Vụ mở cửa xe làm chết người: Có bị xử lý hình sự ? - 1

Người ngồi ô tô bất cẩn khi mở cửa gây tai nạn thương tâm.

Vụ mở cửa xe làm chết người: Có bị xử lý hình sự ? - 2

CSGT có mặt tại hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: Hoàng Tuấn).

Bình luận dưới bài đăng của Dân trí, nhiều độc giả bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi cẩu thả của người ngồi trong xe. Độc giả Quybi Trần chia sẻ: "Người ít đi ô tô thường mắc lỗi mở cửa xe không quan sát phía sau, vậy tốt nhất là khóa cửa sau phía lái lại. Dừng xe thì lái xe chịu khó xuống mở cửa cho an toàn".

"Cần khởi tố người mở cửa để răn đe. Nhiều người trên ô tô rất ẩu khi mở cửa", chủ tài khoản Công nghệ xử lý nước nêu ý kiến.

"Camera hành trình của một xe phía sau quay lại rất rõ nét. Người trong xe đã vi phạm rất nghiêm trọng Luật Giao thông đường bộ, không thể chối cãi nữa", người dùng có nickname Tăng Giác Ngộ bình luận.

Vậy theo quy định của pháp luật, trường hợp này, người mở cửa xe gây tai nạn có thể bị xử lý ra sao? Tài xế xe khách cán trúng người có phải chịu trách nhiệm pháp lý trong trường hợp này hay không?

Theo luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), khi ngồi trên ô tô tham gia giao thông, không chỉ tài xế mà bất cứ người nào cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc về an toàn giao thông bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể phải trả giá bằng số phận pháp lý của bản thân cũng như tài sản, sức khỏe hay thậm chí tính mạng của người khác.

Về vấn đề mở cửa xe, khoản 3, Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người điều khiển phương tiện khi dừng, đỗ xe chỉ được rời phương tiện khi đã thực hiện các biện pháp an toàn và không được mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn. Trong trường hợp không tuân thủ các nguyên tắc về an toàn giao thông khi mở cửa xe, người vi phạm có thể chịu trách nhiệm về hành chính hoặc hình sự, tùy thuộc mức độ hậu quả mà hành vi gây ra.

"Căn cứ thông tin hiện có, có thể thấy hành vi mở cửa của người ngồi trên xe thể hiện sự bất cẩn, cẩu thả, vi phạm các quy tắc về đảm bảo an toàn giao thông đường bộ và gây hậu quả nghiêm trọng khi khiến một người tử vong. Dù đây là hành vi vô ý, đồng thời việc va chạm làm 2 người ngã ra đường không trực tiếp dẫn tới cái chết của nạn nhân nhưng xét tổng thể vụ việc, đây vẫn là tác nhân chính dẫn tới tai nạn gây chết người. Bởi vậy, có cơ sở để xem xét trách nhiệm của người này về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015", ông Thắng phân tích.

Ngoài ra, với kinh nghiệm từng tham gia nhiều vụ án hình sự dưới vai trò kiểm sát viên, vị luật sư chỉ ra trên thực tế, không ít vụ việc có tính chất tương tự đã xảy ra khi người ngồi trong xe do bất cẩn, cẩu thả đã mở cửa xe gây tai nạn cho người khác. Dù không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn tới chết người nhưng hành vi là tác nhân chính khiến hậu quả đáng tiếc xảy ra nên người vi phạm trong các vụ việc này vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với những vụ việc như trên, trách nhiệm pháp lý chỉ được miễn trừ khi phương tiện đã được dừng đỗ đúng quy định, người mở cửa xe tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc về an toàn và lỗi hoàn toàn thuộc về người đi xe máy như vượt quá tốc độ cho phép hay không đúng làn đường. Nếu không thuộc trường hợp này, người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với phần lỗi do mình gây ra.

Ngoài ra, trong vụ việc trên, trách nhiệm của tài xế xe khách cũng là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Theo ông Thắng, để đánh giá số phận pháp lý của người này, vấn đề mấu chốt cần làm rõ là người này đã tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ về tốc độ, làn đường và cách xử lý khi gặp sự cố hay chưa.

Nếu tài xế đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật, còn va chạm xảy ra trong một khoảnh khắc rất ngắn, người bị hại ngã xuống đường một cách đột ngột khiến tài xế không thể kiểm soát tay lái dẫn tới chết người, đây có thể được đánh giá là sự kiện bất ngờ theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Hình sự 2015.

"Theo Điều 20 Bộ luật Hình sự, người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, nếu kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy tài xế xe khách hoàn toàn không có lỗi và đã tìm cách hạn chế tối đa hậu quả, song do sự kiện bất ngờ nên thiệt hại vẫn xảy ra, người này sẽ được miễn trách nhiệm hình sự và cũng không phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự", luật sư bình luận.

Ngược lại, nếu kết quả xác minh cho thấy người này chưa tuân thủ các quy định pháp luật về giao thông đường bộ như không đi đúng tốc độ cho phép, thiếu chú ý quan sát, gây ra va chạm với người bị hại dẫn đến hậu quả chết người thì người này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

Liên quan tới vấn đề mở cửa xe, theo Vụ 2 Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, trước khi xuống xe ô tô, người điều khiển phương tiện ngoài việc chấp hành các quy định về mở cửa thì phải thông báo cho những người ngồi trong xe về việc không được mở cửa khi chưa đảm bảo an toàn. Trường hợp người ngồi phía sau vẫn thực hiện gây tai nạn, đây là sự kiện nằm ngoài kiểm soát của người điều khiển phương tiện. Khi đó, người lái xe sẽ được xác định là không có lỗi, được miễn trách nhiệm hình sự.

Hoàng Linh