Vụ team building hở bạo: Nếu diễn ra 2 năm trước, có còn thời hiệu xử lý?
(Dân trí) - Sau khi video về nhóm nữ du khách "hở bạo" khi chơi team building ở bãi biển được lan truyền trên mạng xã hội, có ý kiến thắc mắc về hướng xử lý nếu sự việc đã xảy ra từ 2 năm trước.
Ngày 13/9, trên các trang mạng xã hội xuất hiện hình ảnh, clip một nhóm người tổ chức chương trình team building trên bãi biển (theo thông tin đăng tải, chương trình được tổ chức tại bãi biển công viên Đại Dương thuộc phường Bãi Cháy, TP Hạ Long). Đáng chú ý là có một nhóm phụ nữ khi tham gia trò chơi đã mặc trang phục hở hang, không phù hợp với nơi công cộng.
Hiện các cơ quan chức năng đang vào cuộc làm rõ vụ việc. Tuy nhiên, sau khi phân tích kỹ hình ảnh video, nhiều ý kiến cho rằng video này được quay từ hơn hai năm trước. Từ đó, một câu hỏi được bạn đọc Dân trí đặt ra là, nếu thực sự vụ việc này diễn ra 2 năm trước, thời hiệu xử lý có còn không?
Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng, cơ quan chức năng cũng cần xác minh ai là người phát tán video này lên mạng xã hội và phát tán với mục đích gì?
Không thể xử phạt nhóm phụ nữ "hở bạo" nếu sự việc diễn ra từ 2020!
Theo Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, hiện nay định nghĩa cũng như các tiêu chí xác định hành vi "phản cảm" trong luật vẫn còn chưa rõ ràng. Hơn nữa, chế tài xử phạt đối với các hành vi không phù hợp với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, hiện nay mới chỉ áp dụng trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, căn cứ vào Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Còn đối với những hành vi ăn mặc phản cảm tại nơi công cộng nói chung, hiện vẫn chưa có quy định chi tiết về chế tài xử phạt.
Tuy nhiên, nếu có căn cứ cho thấy hành vi này vi phạm quy định về trật tự công cộng, gây mất trật tự công cộng thì căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, những người này có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Trong trường hợp hành vi này có dấu hiệu "khiêu dâm" tại nơi công cộng, căn cứ điểm e khoản 5 Điều 7 Nghị định này, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 8 triệu đồng.
Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong vụ việc này, theo Luật sư Tiền, Điều 5 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội là 01 năm và được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
Đồng thời, căn cứ Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi 2020, nếu hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì không thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó.
Đối chiếu với quy định trên, nếu xác định được hành vi phản cảm của nhóm du khách tại bãi biển được thực hiện từ hơn 2 năm trước thì đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với nhóm người này. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả không áp dụng đối với hành vi vi phạm trên nên cũng không đặt ra với người vi phạm trong trường hợp hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
Người đăng tải, phát tán video cũng cần phải xử lý!
Theo quan điểm của Luật sư Trần Xuân Tiền, cơ quan chức năng cũng cần xác minh, làm rõ đoạn clip trên do ai đăng tải, phán tán lên mạng và với mục đích gì, từ đó làm căn cứ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính.
Làm rõ quan điểm này, luật sư cho rằng hành vi nêu trên của một số cá nhân trong nhóm du khách, dù vì lý do gì cũng bị coi là hành vi phản cảm, lệch chuẩn về suy nghĩ và nhận thức, phản ánh văn hóa bên trong một con người. Tuy nhiên, việc đăng tải, phát tán video đăng lên mạng xã hội còn đáng chê trách hơn, bởi việc đăng tải hình ảnh, clip có nội dung nhạy cảm, xấu độc không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng xấu tới tâm lý người tiếp nhận, tác động tiêu cực đến môi trường mạng và nhiều hệ lụy khác.
Để xảy ra những ồn ào không đáng có xung quanh vụ việc nêu trên, trách nhiệm không chỉ đặt ra đối với nhóm du khách du lịch tại bãi biển mà còn thuộc về người đăng tải, phát tán video. Vì vậy, luật sư cho rằng, cần có các giải pháp quyết liệt, triệt để trong việc giải quyết hai vấn đề này.
Trong đó, ngoài việc mỗi người dân tự nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tạo ra môi trường tham quan văn minh, lịch sự, phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Mặt khác, người dùng mạng xã hội cũng cần có ý thức sử dụng mạng một cách lành mạnh, biết chắt lọc nội dung khi đăng tải, trao đổi, truyền bá hình ảnh, clip để xây dựng môi trường mạng văn minh, thể hiện được nét văn hóa và giá trị con người Việt Nam.
Đối với những trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ và nghiêm khắc, đủ để cảnh tỉnh, có tính răn đe các đối tượng có ý định vi phạm.
Về hình thức xử lý, theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số, vô tuyến điện, hành vi cung cấp, truyền đưa, thông tin có nội dung trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc có thể bị phạt tiền từ 30 triệu - 50 triệu đồng, đồng thời buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được, buộc thu hồi đầu số, kho số viễn thông do thực hiện hành vi vi phạm.
Nếu việc đăng tải nhằm mục đích xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm dân sự như: chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.