Vụ tài xế cụt chân phải gây tai nạn: Người khuyết tật có được cấp bằng lái?
(Dân trí) - Nếu một người chỉ bị cụt hoặc mất chức năng một bàn tay hoặc một bàn chân, các chân và tay còn lại vẫn hoàn toàn bình thường cả về giải phẫu và chức năng thì đủ điều kiện để lái xe hạng A1 hoặc B1.
Ngày 12/12, mạng xã hội lan truyền clip quay lại cảnh một vụ tai nạn giao thông tại TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Theo nội dung clip, một chiếc ô tô 5 chỗ màu đỏ hư hỏng nặng sau khi va chạm với một ô tô khác. Người điều khiển chiếc xe được người dân yêu cầu ra khỏi xe. Điều bất ngờ là tài xế này bị cụt toàn bộ chân phải.
Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, chiếc ô tô gây tai nạn thuộc sở hữu của ông N.V.C. (68 tuổi, ở TP Bắc Ninh). Ông N.V.C cũng chính là người lái xe gây tai nạn.
Sự việc đã tạo một cuộc tranh luận sôi nổi về chủ đề: người khuyết tật - cụ thể trong trường hợp này là mất 1 chân có được phép lái xe? Người khuyết tật có được cấp bằng lái xe hay không?, trong đó cũng đặt ra nghi vấn, ngoài việc xác định ông C. chính là chủ phương tiện thì cơ quan chức năng cần xác định xem có đúng ông C. là người lái xe khi xảy ra tai nạn hay không?
"Có sao đâu nhỉ. Nếu chân không cụt là chân thuận, người này đi xe số tự động thì cũng vẫn chỉ cần dùng 1 chân để điều khiển. Trường hợp người đàn ông này thuận chân trái và cải biên lại chân phanh và chân ga cho phù hợp với vị trí chân thì cũng chẳng hề gì, đầy trường hợp người có đủ 2 chân nhưng thuận chân trái khi chạy xe cũng nguy hiểm gấp cả trăm lần người chân thuận", một độc giả Dân trí nêu quan điểm.
Người khuyết tật, khiếm khuyết có được cấp bằng lái xe?
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tình trạng người khuyết tật điều khiển phương tiện giao thông không hiếm. Pháp luật vẫn cho phép người khuyết tật điều khiển phương tiện giao thông khi đáp ứng đủ điều kiện của người điều khiển xe (về độ tuổi, sức khỏe, có Giấy phép lái xe…).
Tại Thông tư số 12/2017/TT - BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ đối với một số trường hợp đặc thù (trong đó có người khuyết tật), quy định rõ việc học lý thuyết, thực hành và sát hạch lái xe đối với người khuyết tật để điều khiển xe máy hạng A1 và ô tô hạng B1 (số tự động).
Về đào tạo lái xe, thông tư này đã quy định rõ: đào tạo đối với người khuyết tật điều khiển xe mô tô 3 bánh dùng cho người khuyết tật để cấp giấy phép lái xe hạng A1; đào tạo để cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cho người khuyết tật có đủ điều kiện điều khiển xe tập lái hạng B1 số tự động của cơ sở đào tạo…
Bên cạnh đó, theo phụ lục số 1 Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe quy định, thì người bị cụt hoặc mất chức năng 01 bàn tay hoặc 01 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng) không đủ điều kiện để lái xe hạng A1 hoặc hạng B1.
Trường hợp nếu một người chỉ bị cụt hoặc mất chức năng một bàn tay hoặc một bàn chân, các chân và tay còn lại vẫn hoàn toàn bình thường cả về giải phẫu và chức năng thì người đó đủ điều kiện (về cơ - xương - khớp) để lái xe hạng A1 hoặc hạng B1.
Luật sư Tiền liên hệ với sự việc người đàn ông bị cụt toàn bộ chân phải gây tai nạn ở Bắc Ninh ngày 12/12 vừa qua và cho biết: Nếu đáp ứng đủ điều kiện về sức khỏe, hồ sơ theo quy định sau đó đăng ký học tại cơ sở đào tạo được phép đào tạo, học đủ thời gian, nội dung chương trình đào tạo theo quy định; cơ sở đào tạo sử dụng xe hạng B1 số tự động có đủ điều kiện của cơ sở đào tạo làm xe tập lái thì ông này có thể được cấp bằng B1 đối với ô tô.
Nếu không đủ điều kiện điều khiển có thể sử dụng ô tô của người khuyết tật để làm xe sát hạch. Ô tô của người khuyết tật phải có kết cấu phù hợp với việc điều khiển của người khuyết tật, bảo đảm các điều kiện theo quy định của Nghị định số 65/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 138/2018/NĐ- CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.
Như vậy, có thể thấy, nhà nước luôn tạo điều kiện cho người khuyết tật học và thi bằng lái xe. Nhưng trên thực tế rất ít hoặc thậm chí không có tỉnh nào triển khai việc cấp GPLX vì để đào tạo, sát hạch lái xe cho người khuyết tật, các cơ sở phải tốn chi phí trang bị loại xe riêng hoặc hoán cải một số chức năng, bộ phận kỹ thuật của xe, sau đó đi đăng kiểm, đồng thời phải có những giáo viên chuyên đào tạo người khuyết tật… trong khi số lượng người khuyết tật học lái ô tô rất ít nên các cơ sở chưa tiếp nhận học viên khuyết tật.