Vụ sập nhà 43 Cửa Bắc: Hàng xóm xây nhà đối mặt với án phạt cao nhất 20 năm tù?

(Dân trí) - Luật sư nhận định, với hậu quả nghiêm trọng gây ra trong vụ sập nhà 43 Cửa Bắc chủ đầu tư của ngôi nhà số 41 Cửa Bắc sẽ phải đối diện với án phạt cao nhất lên tới 20 năm tù cùng khoảng bồi thường lớn.

Như Dân trí đã đưa tin trước đó về vụ sập nhà tại số 43 Cửa Bắc. Ngày 7/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Kết luận điều tra ban đầu của cơ quan công an nhận định nguyên nhân của vụ sập nhà số 43 là do hoạt động thi công, đào móng của ngôi nhà số 41 (sát vách liền kề) gây ra. Vụ sập nhà nghiêm trọng này đã làm 2 người chết, 3 người bị thương, gây hậu quả nghiêm trọng.


Vụ sập ngôi nhà số 43, phố Cửa Bắc sáng nay đã làm 2 người tử vong.

Vụ sập ngôi nhà số 43, phố Cửa Bắc sáng nay đã làm 2 người tử vong.

Nhận định về vụ việc, Luật sư Nguyễn An, Hãng Luật Cộng Đồng cho rằng: Để làm rõ vấn đề ai sẽ chịu trách nhiệm trong vụ việc này cần phải điều tra làm rõ một số vấn đề sau:

Thứ nhất, về giấy phép xây dựng

Cần xác định chủ đầu tư (chủ hộ) được cấp giấy phép xây dựng mới hay là giấy phép sửa chữa, cải tạo. Theo các thông tin đã đưa trước đây của Dân trí, gia đình bà Vân (chủ thuê căn nhà số 41) đã làm hồ sơ xin cấp Giấy phép xây dựng, sửa chữa nhà và được UBND quận Ba Đình đồng ý cho sửa chữa xây dựng lại nhà cũ trên diện tích 33m2 với một tầng và một gác lửng. Như vậy là sửa chữa, cải tạo hay là xây dựng mới. Nếu sửa chữa thì tại sao lại liên quan tới đào móng nhà? Cần xác định loại giấy phép xây dựng được cấp để làm rõ việc có hay không có việc xây dựng không đúng giấy phép được cấp.

Trường hợp 1: Giấy phép được cấp là giấy phép sửa chữa, cải tạo: Hoạt động đào móng nhà 32m2 là xây dựng mới chứ không phải là sửa chữa nữa. Việc UBND quận cấp giấy phép cho sửa chữa, cải tạo (không xây mới) mà lại tiến hành xây mới theo kiểu “cấp một đằng làm một nẻo” thì lỗi ở đây không chỉ dừng lại ở chủ thầu mà còn có lỗi của cơ quan giám sát (ban quản lý xây dựng). Việc thi công phải nằm trong phạm vi của giấy phép xây dựng đã được cấp, ban quản lý xây dựng có nhiệm vụ giám sát việc thi công công trình, Bà Vân xây dựng trái phép mà không bị phát hiện xử lý kịp thời chính là sự thiếu trách nhiệm buông lỏng trong quản lý.

Trường hợp 2: Giấy phép được cấp là xây dựng mới: Cần kiểm tra xem việc cấp giấy phép có đầy đủ hồ sơ chưa? (Bản thiết kế xây dựng, bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề), đúng quy trình theo quy định của Luật xây dựng 2014 hay không? Nếu việc cấp phép xây dựng đúng theo quy trình thì lỗi hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư và đơn vị thi công. Trong trường hợp việc cấp phép không đúng quy định thì có phần lỗi của đơn vị cấp phép là UBND quận Ba Đình, cần phải xử lý đơn vị cấp phép xây dựng sai quy định.

Đối với việc làm thiếu trách nhiệm, sai quy định, quy trình gây hậu quả nghiêm trọng của cơ quan cấp giấy phép xây dựng và cơ quan giám sát (ban quản lý xây dựng của Quận) nếu có, người có thẩm quyền của các cơ quan này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285 Bộ luật hình sự, phạt tù từ 3 năm đến 12 năm)

Thứ hai, về lỗi của chủ đầu tư

Bà Vân (chủ đầu tư) tự ý thỏa thuận thuê Trần Tiến Tuân xây dựng lại nhà số 41. Ở đây cần làm rõ vấn đề bên thi công có chức năng, điều kiện về việc thi công công trình hay không. Theo quy định tại Điều 148 Luật xây dựng 2014: “Những chức danh, cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng độc lập phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định gồm an toàn lao động”. Không được cấp phép, không có chức năng về thi công xây dựng mà vẫn tiến hành thi công gây ra hậu quả thì phải liên đới chịu trách nhiệm với chủ đầu tư.

“Nếu chủ đầu tư thuê người không có đủ điều kiện về hành nghề xây dựng là thuộc về lỗi của chủ đầu tư. Trong vụ việc này, UBND quận Ba Đình đã đồng ý cho sửa chữa xây dựng lại nhà cũ với điều kiện phải lập hồ sơ khảo sát hiện trạng các công trình liền kề. Tuy nhiên bà Vân đã không thực hiện theo quy định” – Luật sư An cho biết.


Hơn 3h, ngày 4/8, căn nhà 4 tầng số 43 Cửa Bắc bất ngờ bị sập (Ảnh Nguyễn Dương)

Hơn 3h, ngày 4/8, căn nhà 4 tầng số 43 Cửa Bắc bất ngờ bị sập (Ảnh Nguyễn Dương)

Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 93 Luật xây dựng 2014, điều kiện để được cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ có điều kiện về bảo đảm an toàn cho công trình lân cận. Việc đảm bảo an toàn phải được thực hiện bằng việc khảo sát xây dựng. Khảo sát là công việc đầu tiên phải làm trước khi tiến hành xây dựng. Khảo sát xây dựng phải được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 10/2014/TT-BXD quy định một số nội dung về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ:

“1. Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng bằng hoặc nhỏ hơn 250m2, từ 2 tầng trở xuống, chủ nhà tự thực hiện khảo sát xây dựng nếu có kinh nghiệm thực hiện công việc tương tự và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng khảo sát nhằm đảm bảo an toàn công trình nhà ở và các công trình lân cận.

2. Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250m2, từ 3 tầng trở lên, chủ nhà phải thuê nhà thầu khảo sát xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện khảo sát địa chất công trình.”

Luật sư cũng đưa ra nhận định, với hậu quả của của vụ việc gây sập nhà làm cho 2 người chết, 3 người bị thương và hư hỏng toàn bộ căn nhà cũng như toàn bộ tài sản nằm trong nhà.

Chủ đầu tư sẽ bị truy cứu hành vi vi phạm quy định trong xây dựng đã dẫn đến hậu quả làm thiệt hại cho tính mạng và tài sản đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự: “Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.”

Theo đó, chủ đầu tư bà Nguyễn Thị Vân là người chịu trách nhiệm chính trong vụ sập nhà gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của công dân. Các cá nhân liên quan sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm tùy thuộc vào mức độ lỗi của hành vi do mình gây ra.


Luật sư nhận định, chủ đầu tư được xác định gây sập nhà 43 Cửa Bắc sẽ phải đối mặt án phạt lên tới 20 năm tù giam.

Luật sư nhận định, chủ đầu tư được xác định gây sập nhà 43 Cửa Bắc sẽ phải đối mặt án phạt lên tới 20 năm tù giam.

“Trong quá trình xét xử cơ quan điều tra cần xác định tài sản bị thiệt hại và mức độ thương tật của các nạn nhân để xác định chính xác hơn về mức độ nghiêm trọng của hành vi. Áp dụng điểm 3, mục I của Thông tư liên tịch số 02/2001 có thể thấy ở đây, hậu quả làm chết 2 người là trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu 3 người bị thương có tỉ lệ thương tích hoặc tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61 % trở lên và giá trị tài sản trên 500 triệu thì hậu quả sẽ là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Trong trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng thì sẽ bị truy tố theo khoản 2 Điều 229 BLHS với mức phạt tù từ ba năm đến mười năm. Nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ bị truy tố theo khoản 3 Điều 229 với mức xử phạt tù từ tám năm đến hai mươi năm” –Luật sư An nhận định.

Ngoài việc xử lý hình sự, người vi phạm còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự theo quy định của bộ luật hình sự và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ Luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Cụ thể sẽ phải bồi thường về thiệt hại tính mạng của 02 người tử vong; bồi thường thiệt hại sức khỏe bị xâm phạm của 03 người; bồi thường thiệt hại đối với giá trị tài sản bị hư hại bao gồm căn nhà và tài sản bên trong căn nhà.

Thanh Trầm (ghi)