Vụ Phương Mỹ Chi nghi bị ghép clip nhạy cảm: Chia sẻ clip có thể bị xử lý

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, tùy thuộc các tình tiết như dung lượng clip hay số lượng người tiếp cận, những người cắt ghép hoặc chia sẻ clip nghi giả mạo Mỹ Chi có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Những ngày qua, trên nhiều diễn đàn xuất hiện đoạn clip nhạy cảm với nhân vật nữ có ngoại hình giống ca sĩ Phương Mỹ Chi cùng nhiều đồn đoán. Từ khóa "Phương Mỹ Chi" cũng có lượt tìm kiếm tăng vọt trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, đính chính trên trang cá nhân ngày 13/12, Phương Mỹ Chi khẳng định những thông tin lan truyền là sai lệch, vô căn cứ, xúc phạm tới hình ảnh và danh dự bản thân cô. Nữ ca sĩ nhờ chuyên gia an ninh mạng vào cuộc và gửi đơn trình báo tới cơ quan công an.

Bước đầu, các chuyên gia nhận định đoạn clip có sự can thiệp của công nghệ ghép khuôn mặt deepfake còn nhân vật nữ trong clip không phải Phương Mỹ Chi.

Theo dõi sự việc, độc giả Dân trí đặt câu hỏi, nếu clip là sản phẩm được tạo dựng bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo, gây tổn hại tới danh dự và nhân phẩm của Phương Mỹ Chi, những người cắt ghép, lan truyền clip có thể bị xử lý ra sao?

Vụ Phương Mỹ Chi nghi bị ghép clip nhạy cảm: Chia sẻ clip có thể bị xử lý - 1

Ca sĩ Phương Mỹ Chi (Ảnh: Facebook nhân vật).

Chia sẻ lại clip nhạy cảm cũng là vi phạm pháp luật

Nhìn nhận sự việc, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) cho biết, việc phát tán những hình ảnh, clip nhạy cảm lên mạng, dù là chia sẻ lại từ người khác, đều là hành vi vi phạm pháp luật và có dấu hiệu của việc cung cấp, chia sẻ thông tin dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Viện dẫn quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, ông Giáp cho biết chế tài áp dụng đối với người vi phạm là xử phạt 10-20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xác minh, làm rõ nhiều vấn đề như dung lượng clip bị phát tán, phương thức thực hiện hành vi hay số lượng người tiếp cận clip. Trong trường hợp đáp ứng một trong các tình tiết như dung lượng clip từ 1 GB trở lên, số lượt người tiếp cận từ 10 người trở lên hay người vi phạm đã từng bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tái phạm…, cơ quan chức năng có thể xem xét khởi tố vụ án Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015. Tùy thuộc các tình tiết định khung, mức phạt cao nhất đối với tội danh này có thể lên tới 15 năm tù.

"Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người có các hành vi gồm: làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến văn hóa phẩm đồi trụy và thuộc các tình tiết định khung theo quy định pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Việc xử lý không chỉ đối với người làm ra, trực tiếp phát tán mà còn áp dụng với hành vi lan truyền, chia sẻ lại clip đồi trụy, kể cả trong trường hợp có biết thông tin là chính xác hay không. Bởi vậy, trong trường hợp cơ quan chức năng xác minh và tìm ra những người đã phát tán hay chia sẻ clip, tùy thuộc các tình tiết định khung, họ sẽ bị áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự theo quy định pháp luật", luật sư Giáp phân tích.

Ngoài ra, còn một khách thể khác bị xâm phạm trong vụ việc này là nhân phẩm, danh dự của ca sĩ Phương Mỹ Chi. Do đó, cơ quan chức năng cần đồng thời xem xét yếu tố hình sự, dấu hiệu cấu thành tội danh Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015. Với tình tiết định khung sử dụng mạng máy tính hoặc phương tiện điện tử theo khoản 2 Điều này, người vi phạm có thể đối diện mức phạt cao nhất lên tới 2 năm tù.

Đối với hành vi sử dụng trí tuệ nhân tạo để ghép mặt người khác vào clip nhạy cảm, theo quy định tại Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân bị phạt tiền 40-60 triệu đồng. Đối với cá nhân vi phạm, mức phạt tiền sẽ bằng ½ mức phạt trên, tức 20-30 triệu đồng.

Trong trường hợp sử dụng hình ảnh, video của người khác để cắt, ghép thành hình ảnh, thông tin sai sự thật hoặc có nội dung đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, tùy thuộc các yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị xem xét xử lý về một trong các tội danh gồm Làm nhục người khác (Điều 155), Vu khống (Điều 156) hoặc Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (Điều 326) tại Bộ luật Hình sự 2015.

Hoàng Diệu