Bài 10:

Vụ “ngâm” hồ sơ cấp sổ đỏ nhà 119 Bà Triệu: “Số phận” bộ hồ sơ khốn khổ giờ ra sao?

(Dân trí) - Sau khi ký văn bản “lạ” trì hoãn cấp sổ đỏ bất thường cho số nhà 119 Bà Triệu, ông Lâm Anh Tuấn - Phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng lại ký văn bản cho rằng lỗi thuộc về bộ phận tham mưu và đề nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Trong khi đó “số phận” hồ sơ xét duyệt cấp sổ đỏ cho số nhà 119 Bà Triệu được Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du cho biết đã chuyển toàn bộ lên các phòng chuyên môn của UBND quận Hai Bà Trưng.

Hồ sơ pháp lý xin cấp sổ đỏ của gia đình 119 Bà Triệu hợp pháp và “rõ như ban ngày”. Sự việc không có gì đáng nói nếu các cơ quan công quyền quận Hai Bà Trưng công tâm, minh bạch, đúng trách nhiệm khi thực hiện nghĩa vụ ký quyết định cấp sổ đỏ theo đề nghị của công dân. Thế nhưng, điều trái khoáy là bộ hồ sơ này bị “đá đi đẩy lại” suốt một thời gian dài giữa UBND phường Nguyễn Du và UBND quận Hai Bà Trưng để cuối cùng phải nằm “án binh bất động” bởi một Quyết định 4575/QĐ-UBND của UBND quận Hai Bà Trưng do ông Lâm Anh Tuấn - Phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng ký.

Tuy nhiên, sau khi sự việc bất thường này bị Thanh tra TP Hà Nội “tuýt còi”, ông Lâm Anh Tuấn lại tiếp tục ký Công văn số 1056/UBND-VP của UBND quận Hai Bà Trưng gửi Thanh tra quận Hai Bà Trưng; Phòng Tài nguyên và môi trường; Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội chi nhánh Hai Bà Trưng; UBND phường Nguyễn Du, ngoài nội dung yêu cầu tiếp tục quá trình cấp sổ đỏ cho nhà 119 Bà Triệu còn quyết liệt chỉ đạo: “Kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tập thể và cá nhân có liên quan trong việc tham mưu cho UBND quận Hai Bà Trưng ban hành Quyết định số 4575/QĐ-UBND ngày 30/12/2014”.

Vụ “ngâm” hồ sơ cấp sổ đỏ nhà 119 Bà Triệu: “Số phận” bộ hồ sơ khốn khổ giờ ra sao? - 1

Ông Lâm Anh Tuấn ký tiếp Công văn số 1056/UBND-VP chỉ đạo kỷ luật bộ phận tham mưu.

Ông Lâm Anh Tuấn ký tiếp Công văn số 1056/UBND-VP chỉ đạo kỷ luật bộ phận tham mưu.

Văn bản còn chỉ rõ: “Thanh tra quận tham mưu cho UBND quận điều chỉnh Quyết định số 4575/QĐ-UBND ngày 30/12/2014 của UBND quận kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tập thể và cá nhân có liên quan trong việc tham mưu…UBND quận Hai Bà Trưng yêu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện”.

Điều đáng nói là trong văn bản “lạ” mà ông Lâm Anh Tuấn từng ký chỉ đạo dừng cấp sổ đỏ cho nhà 119 Bà Triệu, UBND quận Hai Bà Trưng còn yêu cầu Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du (hiện là bà Trần Thị Tuyết Lan), cán bộ địa chính phường Nguyễn Du nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tiếp nhận, phân loại, xét đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất cho gia đình bà Đặng Thị Gái.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Dân trí về “số phận” bộ hồ sơ duyệt cấp sổ đỏ khốn khổ của nhà 119 Bà Triệu hiện tại, bà Trần Thị Tuyết Lan - Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du cho biết bộ hồ sơ hoàn chỉnh này hiện đã được UBND phường Nguyễn Du chuyển lên các phòng chuyên môn của UBND quận Hai Bà Trưng. Trách nhiệm của UBND phường Nguyễn Du đã hoàn thành, việc còn lại thuộc về các cơ quan có thẩm quyền cấp quận.

Đồng thời, bà Lan cũng khẳng định mọi quy trình liên quan đến hồ sơ xét duyệt cấp sổ đỏ nhà 119 Bà Triệu, UBND phường Nguyễn Du đều làm đúng.

Nguồn cơn sự việc đã được báo Dân trí thông tin trong gần 10 bài báo với nội dung sáng tỏ như sau: Bà Đặng Thị Gái, trú tại 119 Bà Triệu - Nguyễn Du - Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết năm 1954, bố mẹ bà Gái là ông bà Đặng Văn Mộc và Triệu Thị Xe, Triệu Thị Doãn cùng 2 con là Đặng Thị Gái và Đặng Văn Phan từ quê lên Hà Nội sinh sống và thuê căn nhà 119 Bà Triệu của bà Nguyễn Thị Triệu.


Thanh tra quận Hai Bà Trưng được xác định bị kỷ luật do tham mưu sai dẫn đến việc để cho ông Lâm Anh Tuấn - Phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng ký văn bản lạ.

Thanh tra quận Hai Bà Trưng được xác định bị kỷ luật do tham mưu sai dẫn đến việc để cho ông Lâm Anh Tuấn - Phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng ký văn bản "lạ".

Năm 1960, ông Mộc qua đời. Năm 1962, bà Triệu làm đơn giao đất cho nhà nước quản lý. Năm 1963, Sở quản lý nhà đất đồng ý giao khu đất cho bà Triệu Thị Xe sử dụng. Đồng thời, nhà cửa dột nát xuống cấp, bà Xe đã làm đơn xin phép thành phố cho xây dựng và được sở xây dựng cấp phép.

Ngày 16/6/1983, bà Xe và bà Doãn cùng viết di chúc để tại toàn bộ tài sản nhà đất 119 Bà Triệu cho bà Đặng Thị Gái thừa kế. Bản di chúc đã được UBND phường Nguyễn Du xác nhận.

Với nguồn gốc đất như vậy, ngày 13/1/2014, UBND phường Nguyễn Du đã có tờ trình do bà Trần Thị Tuyết Lan - Chủ tịch UBND phường ký đề nghị xem xét, giải quyết cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho bà Đặng Thị Gái.

Thế nhưng, chỉ căn cứ vào đơn thư của những người không hề liên quan đòi cùng hưởng thừa kế phần tài sản, dù ngày 13/1/2014, UBND phường Nguyễn Du đã ban hành văn bản trả lời: "Căn cứ tài liệu do Sở Tài nguyên và môi trường, tài liệu do hai bên cung cấp hiện nay không có tài liệu nào xác định ông Đặng Văn Mộc có quyền quản lý và sở hữu nhà đất tại số 119 phố Bà Triệu", ông Lâm Anh Tuấn - Phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng vẫn ký Quyết định 4575/QĐ-UBND yêu cầu tạm dừng việc cấp sỏ đỏ nhà 119 Bà Triệu.

Sau khi gia đình 119 Bà Triệu gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng kêu cầu về sự việc, UBND TP Hà Nội đã giao Thanh tra thành phố vào cuộc và sự việc bất thường mới phát lộ. Ngày 19/11/2015, UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành văn bản số 1056/UBND-VP do ông Lâm Anh Tuấn ký yêu cầu: Điều chỉnh lại văn bản số 4575/UBND; Tiếp tục thực hiện quy trình cấp giấy chứng nhận cho gia đình bà Đặng Thị Gái tại 119 Bà Triệu theo quy định pháp luật.

Như vậy, sau nhiều kỳ báo của Dân trí, hồ sơ xin cấp sổ đỏ của gia đình 119 Bà Triệu đã tiếp tục được xét duyệt theo đúng quy định của pháp luật sau một thời gian dài “đóng băng” tại quận Hai Bà Trưng. Vụ việc nhận được sự thu hút đặc biệt của dư luận bởi hành trình xin cấp sổ đỏ luôn là vấn đề nhức nhối với người dân.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế