Vụ lật xe chết 4 người Trung Quốc: Xe mất phanh có được miễn xử lý hình sự?

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, yếu tố mấu chốt trong vụ tai nạn là việc xe mất phanh có phải sự kiện bất khả kháng hay không. Đây sẽ là căn cứ xác định trách nhiệm pháp lý của tài xế và những người liên quan.

Như Dân trí đã thông tin, chiều 18/7, ô tô chở đoàn khách Trung Quốc đi du lịch từ Đà Lạt về Nha Trang (Khánh Hòa) thì gặp tai nạn trên đèo Khánh Lê thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa. Thời điểm tai nạn, trên xe có 23 người gồm tài xế, 2 hướng dẫn viên Việt Nam và 20 khách Trung Quốc.

Sự việc khiến 4 người tử vong, 15 người bị thương nặng, đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Tài xế xe khách là ông H.N.H. (58 tuổi, ở TP.HCM). Khai với cơ quan chức năng, lái xe cho biết nguyên nhân vụ tai nạn là do xe mất phanh, tông vào lan can rồi lật ngang trên đèo.

Vụ lật xe chết 4 người Trung Quốc: Xe mất phanh có được miễn xử lý hình sự? - 1

Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: Phú Khánh).

Theo dõi sự việc, độc giả Dân trí đặt câu hỏi, việc xe mất phanh trong tình huống này có phải là căn cứ miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tài xế hay không?

Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong những vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, người điều khiển phương tiện chỉ được miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp nguyên nhân vụ tai nạn do sự kiện bất khả kháng hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại. Đối với vụ việc này, để xác định trách nhiệm pháp lý của tài xế H., vấn đề mấu chốt cần làm sáng tỏ là việc xe mất phanh dẫn tới tai nạn có phải sự kiện bất khả kháng hay không.

Trích dẫn Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Như vậy, có 2 yếu tố cần làm rõ. Đó là việc chiếc xe bất ngờ mất phanh có phải sự kiện khách quan, không thể lường trước được hay không và ông H. đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép đã khắc phục tối đa hậu quả, tránh để tai nạn xảy ra hay chưa.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ tiến hành giám định, kiểm tra chất lượng phương tiện, đồng thời lấy lời khai chủ phương tiện và tài xế để làm rõ về thời hạn đăng kiểm, chất lượng phương tiện cũng như việc bảo dưỡng, chăm sóc, đảm bảo an toàn của chiếc xe ra sao.

Từ những vấn đề trên, sự việc có thể đi theo các chiều hướng như sau:

Thứ nhất, nếu xác định nguyên nhân vụ tai nạn xảy ra do sự kiện bất khả kháng, dưới góc độ hình sự, tài xế có thể xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

Về trách nhiệm dân sự, các Điều 584 và 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định các phương tiện giao thông vận tải cơ giới (ô tô, xe máy…) được liệt kê trong nhóm nguồn nguy hiểm cao độ. Trường hợp thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng phải bồi thường thiệt hại kể cả khi không có lỗi, trừ trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại hoặc tình huống dẫn đến thiệt hại thuộc trường hợp bất khả kháng.

Như vậy, dưới góc độ pháp luật, nếu tình huống này thuộc trường hợp bất khả kháng, ông H. có thể được miễn trách nhiệm hình sự và không phải bồi thường thiệt hại xảy ra do vụ tai nạn.

Thứ hai, nếu xác định nguyên nhân mất phanh không phải sự kiện bất khả kháng và có yếu tố lỗi trong việc điều khiển phương tiện của tài xế (VD: Không đảm bảo tốc độ an toàn khi đổ đèo, xử lý chủ quan khi gặp sự cố hoặc cẩu thả vì quá tự tin…), người này có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

Thứ ba, nếu tài xế đã đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc an toàn khi vận hành phương tiện và xử lý sự cố, song việc mất phanh có nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan, thiếu đề phòng của lái xe cũng như chủ phương tiện khi đã không bảo dưỡng, kiểm tra độ an toàn của phương tiện kỹ lưỡng trước khi đưa vào khai thác, sử dụng, cơ quan chức năng sẽ tiến hành lấy lời khai, củng cố chứng cứ liên quan tới những người này.

Trường hợp có đủ cơ sở cho thấy mối quan hệ nhân quả giữa việc xe mất phanh gây tai nạn nghiêm trọng với việc lái xe và chủ xe đã chủ quan khi không bảo dưỡng thường xuyên, kiểm tra tính an toàn của phương tiện, họ có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn theo Điều 262 Bộ luật Hình sự 2015.

Hoàng Diệu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm