Thanh Hóa:

Vụ “hô biến” đất lâu năm thành đất ở: Bản đồ do tỉnh đo đạc, điều chỉnh là sai (!?)

(Dân trí) - Dù bản đồ mới do UBND tỉnh Thanh Hóa đo đạc, chỉnh sửa thay thế cho bản đồ cũ thể hiện đất trồng cây lâu năm của Hợp tác xã thế nhưng khi cấp trích lục lại được UBND huyện cấp thành đất ở lên đến cả nghìn m2. Điều này, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa cho rằng huyện làm đúng còn bản đồ của UBND tỉnh là sai lệch, không chính xác.

Huyện cấp đúng, bản đồ sai!?

Trước đó, báo Dân trí có bài phản ánh về việc gia đình bà Hoàng Thị Vậu (thôn Thạch Bắc) ở thửa đất số 9 và 13 đang ở có một phần là đất trồng cây lâu năm thuộc quản lý của HTX lại được cấp trích lục với số đất ở lên đến cả nghìn m2.

Đáng nói, rất nhiều vấn đề bất thường xung quanh việc cấp trích lục này và có dấu hiệu "phù phép" để trục lợi. Cụ thể, tại bản đồ 299, diện tích của gia đình bà Vậu chỉ có 800m2, thế nhưng tại bản đồ 1994 (bản đồ thay thế bản đồ 299), diện tích của bà Vậu đã tăng lên hơn 3000m2.

Trước thông tin báo nêu, Thường trực Huyện ủy Quảng Xương đã yêu cầu UBKT Huyện ủy khảo sát đơn thư tố cáo đồng thời yêu cầu Ban thường vụ Đảng ủy xã Quảng Thạch báo cáo nội dung trên.

Thanh Tra kết luận bản đồ 1994 là sai lệch nhiều so với bản đồ 299 trước đó.
Thanh Tra kết luận bản đồ 1994 là sai lệch nhiều so với bản đồ 299 trước đó.

Tại báo cáo của UBND xã Quảng Thạch cho thấy, việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình bà Hoàng Thị Vậu cùng với 12 hộ dân trong đó các thửa đất số 9, 13, tờ bản đồ số 3, bản đồ địa chính năm 1994 xã Quảng Thạch là đất trồng cây lâm nghiệp thuộc quản lý của HTX nhưng lại cấp cho các hộ là đất ở nông thôn sử dụng trước ngày 18/12/1980.

Được biết, sau khi xem xét sự việc, thấy có dấu hiệu vi phạm và người trực tiếp liên quan và chịu trách nhiệm là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nên Ban thường vụ Huyện ủy Quảng Xương đã báo cáo và đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, UBKT Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo giải quyết theo quy định của Đảng, pháp luật.

Thế nhưng, mới đây Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc và kết luận việc UBND huyện Quảng Xương cấp trích lục đất ở cho bà Hoàng Thị Vậu là đúng, đất được ký hiệu CLN trên bản đồ năm 1994 là do bản đồ sai lệch.

Kết luận nêu: “Khu vực 13 hộ dân (trong đó có gia đình bà Vậu – PV) là đất ở thuộc làng chài ven biển, khu vực này đều là xã viên Hợp tác xã đánh cá giải thể trước năm 1990. Đây là khu dân cư ở ổn định trước năm 1980, không có đất nông nghiệp, chỉ có đất ở và đất vườn, các hộ tự cây phi lao chắn cát. Không có hồ sơ nào thể hiện UBND xã Quảng Thạch giao đất cho HTX quản lý hoặc giao cho các hộ dân để trồng cây lâu năm.

Việc đo vẽ bản đồ địa chính năm 1994 có nhiều sai lệch so với hồ sơ địa chính năm 299, đo vẽ năm 1985 và không phù hợp với thực tế hiện trạng sử dụng đất… Hồ sơ địa chính năm 1994 ghi đất CLN và chủ sử dụng là Hợp tác xã là không đúng, toàn bộ cây lâu năm chủ yếu là cây phi lao do các hộ tự trồng trên thửa đất gắn liền với nhà ở của họ, để chắn sóng, chắn cát…”.

Kết luận cũng cho rằng, cái sai của UBND huyện Quảng Xương mà trách nhiệm chính là của ông Trần Văn Công, Phó Chủ tịch UBND huyện lúc bấy giờ (hiện là chủ tịch) cùng ông Nguyễn Hữu Tín, Phó trưởng phòng TNMT cùng các lãnh đạo xã Quảng Thạch là khi cấp GCNQSDĐ cho các hộ không có biên bản kiểm tra hiện trạng là chưa đảm bảo quy định của Luật đất đai năm 20003.

Vì sao bản đồ 1994 là sai?

Đáng nói, bản đồ năm 1994 là bản đồ được UBND tỉnh Thanh Hóa đo đạc, chỉnh sửa để thay thế bản đồ 299 nhưng Thanh tra tỉnh Thanh Hóa lại căn cứ vào bản đồ 299 trước đó để kết luận. Và dù căn cứ vào bản đồ 299 để kết luận nhưng lại không làm rõ vì sao ở bản đồ 299 gia đình bà Vậu chỉ có gần 1000m2 mà ở bản đồ 1994, diện tích của gia đình bà này tăng lên hơn 3000m2?

Bản đồ địa chính có chức năng thống kê, kiểm kê diện tích đất đai; xác lập quyền sở hữu hoặc sử dụng đất trên từng lô đất cụ thể; là công cụ giúp nhà nước thực thi các nhiệm vụ liên quan; cung cấp các thông tin về đất đai và cơ sở pháp lý cho các hoạt động dân sự. Như vậy, nếu chiếu theo kết luận của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa thì bản đồ 1994 sai lệch và không còn chức năng trên.

Bà Vậu không biết chữ, không làm đơn xin cấp GCNQSD đất nhưng vẫn có hồ sơ mang tên bà.
Bà Vậu không biết chữ, không làm đơn xin cấp GCNQSD đất nhưng vẫn có hồ sơ mang tên bà.

Ngoài ra, theo Thông tư 25/2014 của Bộ TNMT thì ký hiệu cây lâu năm lúc đó mới được ký hiệu tắt là CLN còn trước thời điểm này không sử dụng ký hiệu CLN để chỉ cây lâu năm mà theo Quyết định 499/QĐ/ĐC/1995 của tổng cục địa chính thì đất trồng cây lâu năm ký hiệu trên bản đổ là LN. Như vậy kết luận của Thanh tra dựa trên cơ sở bản đồ 299 cho rằng không phải đất trồng cây lâu năm liệu có chính xác?

Tại hồ sơ xin cấp trích lục đất đứng tên bà Vậu nhưng bà này khẳng định mình không đứng tên bất cứ trích lục đất nào vì bà cho các con đất nên con bà đứng tên, bà cũng cho biết mình không biết chữ và không làm đơn xin cấp trích lục lần nào nhưng thanh tra không làm rõ.

Bên cạnh đó, Thanh tra cũng không làm rõ việc nhân chứng trong việc xác định nguồn gốc đất cho gia đình bà Vậu khi một trong số đó khẳng định bản thân bị mạo chứ ký.

Dư luận vẫn đang đặt ra câu hỏi có hay không việc lãnh đạo UBND huyện Quảng Xương “làm xiếc” trên đất hợp tác xã để trục lợi và bản kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã thực sự trả lời khách quan những vấn đề mà báo chí và dư luận hay chưa?

Bình Minh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm