Vụ hàng chục ô tô ở Hà Nội bị rạch lốp: Khó xử lý hành vi đỗ trên vỉa hè?

Khả Vân

(Dân trí) - Luật sư cho rằng, trong vụ việc này lực lượng chức năng không có căn cứ xử phạt ô tô đỗ trên vỉa hè vì phố Nguyễn Phan Chánh không có biển báo cấm dừng đỗ.

Liên quan đến việc hơn 20 ô tô đỗ trên vỉa hè phố Nguyễn Phan Chánh (khu đô thị bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) bị rạch lốp trong đêm, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh việc truy tìm thủ phạm thì cơ quan chức năng cũng cần xử phạt hành vi đỗ xe trên vỉa hè.

Gửi bình luận về Báo Dân trí, độc giả Chien Hoang cho rằng, "Nhà không có chỗ đỗ xe mà vẫn đua nhau mua xe, phải để xe ngoài đường qua đêm rất rủi ro như bị chọc phá thế này chẳng hạn; còn chưa kể lấn chiếm vỉa hè. Đường vỉa hè là nơi để đi chứ không phải nơi để ô tô mỗi khi đêm về. Tại sao ô tô lại được đỗ ở đó, thế tôi cũng cắm trại qua đêm ở đó có được không? Ai cũng đỗ ô tô, cũng cắm trại ở đó lấy đâu đường, vỉa hè nữa mà đi".

"Có xe không tự trông được thì phải gửi mới an toàn. Nếu không có chỗ gửi thì bán xe đi xe máy hoặc xe buýt, phần đông người dân Hà Nội đều đi làm bằng xe máy hoặc xe buýt đều được mà. Còn việc này sớm muộn sẽ xảy ra thôi, đỗ xe thì sai quy định, tiếc rẻ tiền gửi xe thì chịu thôi. Trung bình giá đỗ xe cũng rơi tầm 1tr2-1tr5/ô tô/tháng mà tại sao không bỏ ra mà đỗ cho đàng hoàng", độc giả Bùi Thị Trúc Ly.

Vụ hàng chục ô tô ở Hà Nội bị rạch lốp: Khó xử lý hành vi đỗ trên vỉa hè? - 1

Khoảng hơn 20 chiếc ô tô đỗ trên vỉa hè phố Nguyễn Phan Chánh nghi bị kẻ xấu rạch lốp trong đêm (Ảnh: T.H).

Độc giả Trần Ngọc Ninh nêu thực trạng chung: "Rất nhiều đường ở Hà Nội chỉ có 2 làn xe vậy mà hàng trăm xe đỗ qua đêm, điển hình các đường dọc sông Tô Lịch. Sáng ra đi làm cứ có xe ngược chiều là ùn ứ hoặc tắc hẳn. Có lợi cho ai không biết nhưng ảnh hưởng đến cả chục nghìn người hàng ngày phải đi qua các đường này".

Không đồng tình với những ý kiến trên, độc giả Kien Cuong cho rằng: "Nhìn ở trong ảnh thì thấy đoạn vỉa hè mà các xe này đậu không liên quan đến nhà dân nào cả, nên loại bỏ khả năng do đậu gần nhà dân mà gây nên bức xúc. Về cơ bản phía trong vẫn rất rộng, dân đi bộ, tập thể dục vẫn thoải mái, cá nhân tôi nghĩ rằng đây là do các chủ phương tiện không chịu nộp tiền trông xe nên bị vậy.

Những ý kiến chỉ trích các chủ phương tiện đỗ sai là không hợp lý, cái gì ra cái đó, sai thì có chính quyền xử lý nhưng cũng không thể không điều tra và xử lý kẻ phá phách. Xung quanh đó nhà dân đầy camera, và tôi nghĩ kể cả không có camera thì các anh công an phường nếu điều tra thì chắc cũng không khó".

Độc giả Thanh Tòng đồng quan điểm: "Ô tô chỉ là phương tiện, nhưng nó thể hiện sự phát triển của nền kinh tế; còn chỗ đỗ là trách nhiệm của nhà nước, vấn đề này liên quan đến quy hoạch đô thị. Pháp luật không bắt buộc mua xe phải có chỗ để và được để những chỗ không có biển cấm!".

Vậy có phải cứ chỗ nào không có biển cấm là được thoải mái đỗ xe? Khi nào được phép đỗ xe trên vỉa hè?

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật Đồng Đội - Đoàn luật sư TP Hà Nội, để xác định việc người dân đỗ ô tô tràn lan trên vỉa hè phố Nguyễn Phan Chánh có phải là hành vi vi phạm pháp luật hay không cần căn cứ vào quy định của luật Giao thông đường bộ và các văn bản có liên quan.

Theo Thông tư 04/2008/TT-BXD, hè (hay vỉa hè, hè phố) là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến.

Như vậy, theo thông tư này, vỉa hè phục vụ chủ yếu cho người đi bộ chứ không quy định chỉ dành riêng cho người đi bộ và không cấm đỗ xe.

Vụ hàng chục ô tô ở Hà Nội bị rạch lốp: Khó xử lý hành vi đỗ trên vỉa hè? - 2

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật Đồng Đội - Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Theo điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định 100, phạt tiền từ 800.000 - 01 triệu đồng đối với người điều khiển xe đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật…

Dẫu quy định là vậy nhưng đến thời điểm này, việc xử lý hành vi đỗ xe trên hè, phố trái quy định còn gặp rất nhiều khó khăn, khi "trái quy định" và "trái quy định của pháp luật" còn chưa được quy định rõ, các văn bản được ban hành khiến người tham gia giao thông còn mơ hồ về lỗi này.

Chẳng hạn, tại Hà Nội, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định 2053/QĐ-UBND ngày 27/5/2008 về phê duyệt 56 tuyến phố cấm để xe đạp, xe máy, ô tô trên địa bàn. Với Quyết định này, người tham gia giao thông có thể hiểu ngoài 56 tuyến phố này thì các tuyến phố khác đều được đỗ xe trên hè, phố miễn tuân thủ các quy định về dừng, đỗ xe hay không?

Bên cạnh đó, trong Quy chuẩn quốc gia mới về báo hiệu đường bộ năm 2019 (QCVN 41:2019/BGTVT) có biển mang kí hiệu I.408a, là biển chỉ dẫn cho phép đỗ một phần xe trên vỉa hè. Điều kiện là ô tô phải đỗ từ 1/2 thân xe trở lên trên hè phố. Khoảng cách, chiều dài nơi đỗ xe có thể được xác định giới hạn bằng vạch kẻ trên đường. 

Luật sư Tiền cho biết thêm, Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng có quy định như sau: Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.

Tuy nhiên, thế nào là đỗ xe trên hè phố trái quy định thì luật chỉ quy định 11 vị trí không được dừng xe, đỗ xe (không có vỉa hè) và yêu cầu người điều khiển phương tiện dừng xe, đỗ xe phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông…

"Từ quy định trên có thể thấy, người dân hoàn toàn có quyền dừng, đỗ xe ở những nơi không có biển cấm, và không vi phạm quy định về nguyên tắc đỗ xe theo luật Giao thông đường bộ", luật sư Tiền nói và cho biết, trong trường hợp này, lực lượng chức năng không có căn cứ xử phạt ô tô đỗ trên vỉa hè vì phố Nguyễn Phan Chánh (khu đô thị bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) không có biển báo cấm dừng đỗ.