Hàng chục ô tô đỗ trên vỉa hè ở Hà Nội bị rạch lốp trong đêm
(Dân trí) - Khoảng hơn 20 chiếc ô tô đỗ trên vỉa hè phố Nguyễn Phan Chánh (khu đô thị bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) bị rạch lốp trong đêm.
Sáng 10/4, trao đổi với PV Dân trí, anh T.V.H. (trú tại phường Hoàng Liệt) cho biết, anh vừa làm đơn gửi tới Công an phường Hoàng Liệt về việc ô tô của mình bị kẻ gian rạch lốp, khi đỗ trên vỉa hè phố Nguyễn Phan Chánh.
Theo anh H., ngoài xe của anh thì còn khoảng hơn 20 trường hợp ô tô khác cũng bị rạch lốp.
"Sáng nay khoảng 7h15 tôi ra lấy xe để đi làm thì bất ngờ phát hiện ô tô của mình bị thủng lốp. Qua kiểm tra tôi phát hiện một vết rạch nhỏ, ngoài xe của tôi thì còn khoảng 20 ô tô khác đỗ trên vỉa hè cũng bị rạch", anh H. nói.
Cũng theo anh H., trước khi xảy ra sự việc rạch lốp trên, một số xe đỗ tại đường Nguyễn Phan Chánh còn từng bị các đối tượng xấu phá thủng cửa kính ô tô.
Liên quan tới việc này, cùng ngày, trao đổi với PV Dân trí, đại diện UBND phường Hoàng Liệt xác nhận thông tin trên và cho biết, sau khi nắm được sự việc, phía chính quyền đã giao Công an phường xuống hiện trường để xác minh.
"Qua báo cáo, có khoảng 20 ô tô nghi bị rạch lốp. Tuy nhiên, đây đều là các phương tiện đỗ trên vỉa hè phố Nguyễn Phan Chánh sai quy định", vị đại diện nói.
Cũng theo vị này, khu vực vỉa hè là khu vực cấm dừng đỗ xe. Tuy nhiên hàng loạt các phương tiện ô tô đã dừng, đỗ trên vỉa hè phố Nguyễn Phan Chánh, lấn chiếm đường đi bộ của người dân. Về việc này, phía phường và phía Công an quận đã đi dẹp và xử phạt nhiều, tuy nhiên hiện nay tình trạng đỗ xe trái quy định vẫn xảy ra.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật cho biết, tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nếu thuộc các trường hợp dưới đây thì giá trị tài sản dưới 2 triệu vẫn xử lý, cụ thể: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; Tài sản là di vật, cổ vật.
Ngoài ra, theo luật sư, nếu người phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm; Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.