Nghệ An:

Vụ “giao đất công ích xã.. không làm văn bản”: Hợp đồng trên trời rơi xuống!

(Dân trí) - Báo điện tử Dân trí ngày 19/6/2014 phản ánh về việc UBND xã Nam Anh (huyện Nam Đàn, Nghệ An) “Giao đất công ích xã.. không làm văn bản” đã nhận được sự quan tâm của dư luận người dân tại xã này.

Hợp đồng khoán thầu.
Hợp đồng khoán thầu.

Tháng 6/2014, báo Dân trí đã thông tin sự việc "Giao đất công ích xã… không làm văn bản" xảy ra tại xã Nam Anh - Nam Đàn (Nghệ An). Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi khẳng định đến thời điểm báo lên bài, việc UBND xã Nam Anh giao đất cho doanh nghiệp Đức Mạnh trên diện tích đất công ích của xã gần 10 héc-ta hoàn toàn không có hợp đồng văn bản nào. Tưởng chừng sau việc làm không đúng nguyên tắc thì UBND xã này sẽ rút kinh nghiệm và có việc làm sửa sai. Nhưng bất ngờ, đến tháng 12/2014, chúng tôi nhận được thông tin từ người dân là có một văn bản hợp đồng “bỗng nhiên xuất hiện” về việc giao đất cho doanh nghiệp từ đầu năm 2014, chính xác văn bản hợp đồng lập thành đề ngày mồng 10 tháng 1!?

Một hợp đồng sai nguyên tắc

Hợp đồng khoán thầu đất công ích giữa một bên là UBND xã Nam Anh với bên thuê khoán thầu là ông Bùi Văn Hòa, giám đốc Công ty Đức Mạnh, trú xóm 4, xã Nam Anh được ghi ngày lập thành là 10/1/2014. Trong hợp đồng này, ở phần đầu sự tréo nghoe dễ nhận thấy ở chỗ: “Căn cứ chủ trương của Đảng ủy, kế hoạch của UBND xã ngày 19/2/2014 về việc hợp đồng khoán thầu đất công ích”. Vậy là, theo ngày tháng được ghi nhận, thì hợp đồng lập ra được căn cứ vào chủ trương và kế hoạch ở.. thì “tương lai”.

Thành phần ban bệ phía bên UBND xã Nam Anh ghi trong hợp đồng, gồm: Chủ tịch xã Trần Văn Sinh, phó chủ tịch xã Hồ Viết Sỹ, và các cán bộ trưởng công an xã, trưởng ban nông nghiệp, địa chính, và tài chính - kế toán của xã này.

Hợp đồng khoán thầu.
Hợp đồng khoán thầu.

Điều kỳ lạ, hợp đồng có từ tháng 1/2014, nhưng cuối tháng 5/2014, khi phóng viên lần đầu tiếp xúc đã có hỏi ông chủ tịch xã Trần Văn Sinh và bà phó chủ tịch HĐND xã Nguyễn Thị Hà thì cả hai vị này đều thừa nhận là chưa có một văn bản hợp đồng nào như thế cả. Bà Hà khi đó chỉ đưa ra được Nghị quyết của HĐND xã Nam Anh, ký ngày 25/12/2013, về phê duyệt đất sâu trũng vùng Bàu Hải Dương, trong đó “không trực tiếp giao cho bất cứ doanh nghiệp, cá nhân cụ thể nào” - nguyên văn lời bà Hà.

Giao đất không có văn bản hợp đồng, nguyên chủ tịch xã Trần Văn Sinh lúc ấy còn chống chế: “Chưa có văn bản với không có văn bản là hoàn toàn khác nhau”, và rồi: “Sau này sẽ có văn bản”. Ông Trần Văn Sinh hiện giờ đã không còn giữ chức chủ tịch xã, và công an huyện Nam Đàn đang điều tra những bê bối trong sự việc UBND xã này chia lô bán đất vượt quá thẩm quyền.

Đơn đề nghị phát thầu bàu Hải Dương của người dân làm năm 2014.
Đơn đề nghị phát thầu bàu Hải Dương của người dân làm năm 2014.

Người phụ trách UBND xã Nam Anh thời điểm này là ông phó chủ tịch Hồ Viết Sỹ, qua tiếp xúc, phóng viên đã hỏi ông Sỹ về những điều không ăn khớp trong bản hợp đồng đó. Về ngày lập thành văn bản, ngày 10/1/2014, ông Sỹ nói: “Ủy ban xã đã làm hợp đồng đó, nhưng ngày thì họ điền như thế chứ có vấn đề chi”. 

Văn bản lập 1 ngày lại ký ra 1 ngày khác. “Vậy ra là hợp thức hóa?” ông Sỹ giải thích: “Bên tham mưu người ta đề thế, điền ngày mô mà không được chứ”. Khi PV hỏi trong quy định lập thành văn bản hợp đồng có cho phép điều đó hay không, ông Sỹ không trả lời thẳng mà chỉ nói: “Cái này văn phòng ủy ban họ lập nên điền ngày điền số thế nào cũng được. Tôi cũng có thành phần trong đó, tôi nhất trí điền ngày như thế”. Nói rồi nhưng ông Sỹ cũng không nhớ rõ ngày cụ thể mà mình đã ký vào hợp đồng trên: “Hình như tháng 4, tháng 5 gì đó. Nếu không phải thì có lẽ là tháng 6” - phó chủ tịch phụ trách xã Nam Anh trả lời.

Thông tin từ người dân, và một số cán bộ từng công tác tại xã này cho hay bản hợp đồng trên xuất hiện trong gian đoạn tháng 10-11/ 2014, là một cách hợp thức hóa cho việc làm sai của UBND xã Nam Anh, tạo điều kiện cho đơn vị thuê khoán thầu là ông Bùi Văn Hòa khi bước vào giai đoạn làm vụ mùa mới.

Ưu ái đến mức... nghi ngờ

Trong hợp đồng có ghi: Bên cho khoán thầu cho bên nhận khoán thầu: “Tổng diện tích 92.861m2. Trừ diện tích không thu 5.000m2 để làm ao hồ trang trại tại vùng bàu Hải Dương xóm 1,2,3 để sử dụng vào mục đích khoán thầu phát triển trang trại chăn nuôi”. Nhiều người dân tiếp xúc với PV, đều bức xúc không hiểu lý do vì sao UBND xã lại không thu tiền khoán thầu trên phần diện tích 5.000m2 đó. Một người dân ý kiến: “Liệu người dân mà làm trên đất đó, ủy ban có không thu của dân không? Tôi dám chắc là không có chuyện đó”. Phó chủ tịch xã Hồ Viết Sỹ cũng không đưa ra được lời giải thích, chỉ phân trần: “Cái phần 5.000m2 đất này là ao nước. Có thể là do ghi sai, trừ sai”. Con số nó rõ ràng đến hàng đơn vị như thế mà nói ghi sai, trừ sai rồi viết cả vào hợp đồng thì đúng là chuyện khó hiểu.

Đơn khiếu nại của người dân.

Đơn khiếu nại của người dân.
Đơn khiếu nại của người dân.

Tiền thu giao thông nội đồng, theo Nghị quyết năm 2013 của HĐND xã Nam Anh, là thu 260 ngàn/1 sào và nộp 1 lần vào năm đầu của hợp đồng. Thế nhưng, trong hợp đồng này không ghi cụ thể là sẽ thu của bên khoán thầu là bao nhiêu, và vào thời điểm nào. Ông Sỹ biện bạch: “Vì hợp đồng chỉ làm có 2 năm nên xã không thu của bên khoán thầu!”. Trên bản hợp đồng có ghi căn cứ vào nghị quyết của HĐND về quy định mức thu đất công ích, nhưng thực tế thì không thu, một người dân nói hiểm hóc: “Có lẽ khi làm hợp đồng, ủy ban xã đặt đất này ra ngoài diện tích đất công ích thì phải đấy các chú phóng viên”.

Nhớ lại trước đây, khi tiếp xúc với nguyên chủ tịch xã Trần Văn Sinh, ông này có nói: không muốn dân vào làm vì người dân không đủ tiền mà nạp như những đơn vị doanh nghiệp. Vậy nay, vì lý gì mà UBND xã Nam Anh lại “ưu đãi” không thu của doanh nghiệp ông Bùi Văn Hòa đến thế?.

Phó chủ tịch xã Nam Anh - Hồ Viết Sỹ làm việc với người dân.
Phó chủ tịch xã Nam Anh - Hồ Viết Sỹ làm việc với người dân.

Tiếp theo nữa, giá tiền khoán thầu đất công ích quy định mức thu 50kg thóc/sào/năm nhân với giá thực tế thị trường tại thời điểm thu, phương thức nộp tiền khoán thầu được ghi rõ: Nộp bằng tiền mặt thu trước 2 năm 1 lần vào thời gian ngày 20/6/2014. Tuy nhiên, ông Sỹ thừa nhận là tiền chưa được nộp vào ngân sách xã, chứng từ thu chi chưa có. “Chưa tiến hành thu khoản tiền này, đợi kết thúc năm 2014 mới thu”. Đọc hợp đồng rồi nghe trả lời của ông phó chủ tịch xã, người dân nói với PV: “Chúng tôi nhận thấy ủy ban xã Nam Anh là bên bị thiệt, còn phần lợi đều thuộc về bên khoán thầu Bùi Văn Hòa”.

Cần phải được làm rõ

Sau đợt chia lại ruộng đất năm 2013, khá nhiều người dân xã Nam An có đơn đấu thầu xin nhận thêm đất công ích 5% để sản xuất. Nhưng diện tích trên lại được ủy ban xã giao cho cá nhân ông Bùi Văn Hòa là chủ doanh nghiệp Đức Mạnh đóng trên địa bàn xã. Việc bàn giao này không thông qua đấu thầu, không có văn bản bàn giao. Đối ngược lại, đơn xin đấu thầu của người dân thì không được ủy ban xã trả lời, chưa nói đến chuyện trả lời thỏa đáng.

Nay, ủy ban xã Nam Anh đã hợp thức hóa việc bàn giao đó bằng một hợp đồng có “vấn đề” làm thiệt hại cho ngân sách, gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân. Chưa kể, với việc giao gần 10 hec-ta đất cho một cá nhân là hoàn toàn sai theo Luật Đất đai 2013. Hạn mức cho phép trong Luật này chỉ rõ ủy ban nhân dân xã chỉ có quyền giao từ 1 hec-ta trở xuống. Điều này được ông Hồ Viết Sỹ thừa nhận: “Xã làm sai nhưng lỡ làm hợp đồng rồi nên không thanh lý được. Chờ hết năm 2015 mới làm lại khoán cho dân được”.

Phó chủ tịch xã Nam Anh - Hồ Viết Sỹ làm việc với người dân.
Ông phó chủ tịch xã Nam Anh - Hồ Viết Sỹ, qua tiếp xúc, phóng viên cho biết: “Ủy ban xã đã làm hợp đồng đó, nhưng ngày thì họ điền như thế chứ có vấn đề chi”.

Quá trình tìm hiểu thông tin, chúng tôi nhận thấy, doanh nghiệp Đức Mạnh nơi ông Bùi Văn Hòa làm giám đốc, chỉ là doanh nghiệp hành nghề vận tải. Không đáp ứng các yêu cầu nguồn lực, kỹ thuật để đảm bảo hoàn thành việc sản xuất lớn trên diện tích gần 10 hec-ta đất bàu Hải Dương. Và thực tế là hiện nay, họ phải cho người dân khoán lại mới lấp kín được diện tích trên.

Được biết, ông Bùi Văn Hòa đã bị công an Nghệ An bắt có liên quan đến một vụ việc. Như vậy, có thể thấy rằng bên nhận thầu khoán đã vướng vào vòng lao lý, không tiến hành đóng góp vào ngân sách xã, và nhất là không đủ khả năng để sản xuất lớn. 

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Danh Thắng - Nguyễn Duy