Bình Dương:
Vụ gần 4.000m2 đất “bốc hơi”: Trách nhiệm thuộc về ai?
(Dân trí) - Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bàu Bàng cho rằng mọi thủ tục sang nhượng đất tại thời điểm đó đều do UBND xã thực hiện, trong khi đó đại diện UBND xã khẳng định toàn bộ hồ sơ sang nhượng, cấp sổ đỏ là làm theo chỉ đạo của UBND huyện.
Liên quan đến vụ bà Châu Lan (ngụ phường 4, quận 6, TP. HCM) tố cáo bị bà Lư Kỳ Tuyết (ngụ phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM) giả chữ ký bán gần 4.000m2 đất tại ấp Lai Khê (xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) cho nhiều người dân, bà Lan cho rằng, toàn bộ hợp đồng mua bán được trích lục ra đều không phải chữ ký của bà. “Tôi không hiểu rõ pháp luật và quy trình sang nhượng đất nhưng thông thường sẽ phải có chữ ký, lăn tay của chủ đất cùng nhiều thủ tục nữa. Tuy vậy, thời gian trên tôi chưa từng đến UBND huyện Bến Cát (nay được tách thêm thàn huyện Bàu Bàng - PV) thực hiện các thủ tục sang nhượng đất. Tôi không hiểu tại sao UBND huyện Bến Cát ngày đó lại có thể sang nhượng gần 4.000m2 đất đã cấp quyền sử dụng cho tôi trong khi tôi chưa từng biết đến sự việc” - Bà Lan khẳng định.
Để làm rõ mọi thông tin về quy trình mua bán, sang nhượng quyền sử dụng đất và cấp sổ đỏ, ngày 4/11, PV Dân trí đã làm việc với ông Phạm Ngọc Hùng, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Bàu Bàng. Ông Hùng cho biết: “Mọi thủ tục sang nhượng đất tại thời điểm đó đều do UBND xã Lai Hưng thực hiện. Phòng TN&MT chỉ dựa theo những thông tin phía UBND xã cung cấp để cấp sổ đỏ cho người dân. Do đó, nếu có trường hợp giả chữ ký Phòng TN&MT cũng không thể biết được”.
Ông Phạm Ngọc Hùng khẳng định: “Việc cấp sổ cho 11 hộ trong đơn thư phản ánh của bà Châu Lan là đúng quy trình pháp luật. Tại thời điểm đó, việc sang nhượng đất được thực hiện tại UBND xã Lai Hưng. Sau đó, UBND xã Lai Hưng chuyển thông tin xin cấp sổ cho Phòng TN&MT. Sau khi xét hồ sơ bao gồm hợp đồng chuyển nhượng đất, diện tích đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Phòng TN&MT sẽ tiến hành làm các thủ cấp sổ cho người dân. Như vậy, việc cấp sổ cho các hộ dân trên của Phòng TN&MT là đúng quy trình pháp luật”.
“Sự việc tranh chấp giữa bà Châu Lan và bà Lư Kỳ Tuyết đã xảy ra gần chục năm nay, chúng tôi có biết vấn đề nhưng vụ án đã chuyển qua cho bên phía công an điều tra. Chúng tôi sẽ phối hợp cung cấp toàn bộ hồ sơ về quá trình sang nhượng đất của những hộ trên để báo chí nắm bắt toàn bộ sự việc. Về nghi vấn việc và Lư Kỳ Tuyết giả chữ ký của bà Châu Lan, nếu so sánh với chữ ký hiện tại của bà Châu Lan với những chữ ký trong các hợp đồng sang nhượng đất trên hoàn toàn khác nhau. Tuy vậy, chữ ký của bà Châu Lan hiện tại cũng khác xa so với chữ ký tại hợp đồng sang nhượng đất của ông Nguyễn Quốc Điều trước đó. Do vậy rất khó để xác định bà Lư Kỳ Tuyết có giả chữ ký của bà Châu Lan” - Ông Hùng trình bày.
Để rộng đường dư luận và mong muốn làm sáng tỏ quy trình sang nhượng đất và cấp sổ đỏ trên mảnh đất gần 4.000m2 mà bà Châu Lan là chủ sở hữu “đích thực”, PV Dân trí tiếp tục liên hệ với ông Trần Văn Mạnh - Bí thư Đảng ủy xã Lai Hưng (huyện Bàu Bàng), trước thông tin mà Phòng TN&MT cho rằng “mọi thủ tục sang nhượng đất tại thời điểm đó đều do UBND xã thực hiện”, ông Mạnh thẳng thắn cho biết, toàn bộ hồ sơ sang nhượng, cấp sổ đỏ thời điểm đó xã làm theo chỉ đạo của UBND huyện.
Một số biên bản sang nhượng và đăng kí quyền sử dụng đất của những người được cho là mua đất của bà Châu Lan. Tuy nhiên bà Lan khẳng định chưa một lần kí kết mua bán gì với những người này.
“Lúc đó tôi đang giữ chức Chủ tịch xã và cũng là người ký xác nhận của tất cả các hồ sơ sang nhượng đất của địa phương. Tôi có thể khẳng định việc cấp sổ đỏ lúc bấy giờ là xã làm dưới sự giám sát của UBND huyện. Do địa bàn rộng nên cán bộ địa chính xã đi cùng với cán bộ đo đạc của huyện để làm các thủ tục xác định hiện trạng đất. Thời điểm đó cán bộ địa chính xã còn nhiều hạn chế nên không thể vẽ được hiện trạng đất nên tất cả do UBND huyện làm” - Ông Mạnh nói.
Cũng theo ông Mạnh, mọi hồ sơ cấp sổ đỏ đều được nộp tại UBND huyện, sau đó Phòng TN&MT huyện cử người xuống làm các thủ tục pháp lý. Về hợp đồng chuyển nhượng lúc bấy giờ cũng chưa bài bản như hiện nay, khi sang nhượng đất xã chỉ cần bắt buộc có bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hợp đồng sang nhượng người dân có thể ký kết với nhau bên ngoài, sau đó đến UBND xã xin xác nhận. Thời điểm đó chưa áp dụng ký kết hợp đồng tại UBND xã.
Với các thông tin mà Phòng TN&MT huyện Bàu Bàng và Bí thư xã Lai Hưng đã trả lời như trên thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Trung Kiên - Xuân Hinh