Bài 4:

Vụ gần 4.000m2 đất “bốc hơi”: Ký khống hợp đồng chuyển nhượng là trái pháp luật!

(Dân trí) - “UBND xã để người dân tự ký khống hợp đồng chuyển nhượng đất bên ngoài là hoàn toàn sai luật và việc Chủ tịch xã ký chứng thực mà chưa có vẽ bản vẽ tách một phần thửa đất để chuyển nhượng cũng là sai” Luật sư Trương Minh Tuỳ, Văn phòng Luật sư Sài Gòn Luật khẳng định.

11-1445830625508

Gần 4.000m2 đất mặt tiền trên quốc lộ 13 của bà Châu Lan bị sang nhượng cho nhiều người khác mà không cần chủ sở hữu "đích thực"

Liên quan đến vụ bà Châu Lan (ngụ phường 4, quận 6, TP. HCM) tố cáo bị bà Lư Kỳ Tuyết (ngụ phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM) giả chữ ký bán gần 4.000m2 đất tại ấp Lai Khê (xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) cho nhiều người dân, ông Phạm Ngọc Hùng, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Bàu Bàng cho rằng: “Mọi thủ tục sang nhượng đất tại thời điểm đó đều do UBND xã Lai Hưng thực hiện. Phòng TN&MT chỉ dựa theo những thông tin phía UBND xã cung cấp để cấp sổ đỏ cho người dân. Do đó, nếu có trường hợp giả chữ ký Phòng TN&MT cũng không thể biết được”.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Mạnh - Bí thư Đảng ủy xã Lai Hưng (huyện Bàu Bàng), lại khẳng định toàn bộ hồ sơ sang nhượng, cấp sổ đỏ thời điểm đó xã làm theo chỉ đạo của UBND huyện. “Tôi có thể khẳng định việc cấp sổ đỏ lúc bấy giờ là xã làm dưới sự giám sát của UBND huyện. Do địa bàn rộng nên cán bộ địa chính xã đi cùng với cán bộ đo đạc của huyện để làm các thủ tục xác định hiện trạng đất. Thời điểm đó cán bộ địa chính xã còn nhiều hạn chế nên không thể vẽ được hiện trạng đất nên tất cả do UBND huyện làm” - Ông Mạnh nói.

Cũng theo ông Mạnh, mọi hồ sơ cấp sổ đỏ đều được nộp tại UBND huyện, sau đó Phòng TN&MT huyện cử người xuống làm các thủ tục pháp lý. Về hợp đồng chuyển nhượng lúc bấy giờ cũng chưa bài bản như hiện nay, khi sang nhượng đất xã chỉ cần bắt buộc có bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hợp đồng sang nhượng người dân có thể ký kết với nhau bên ngoài, sau đó đến UBND xã xin xác nhận. Thời điểm đó chưa áp dụng ký kết hợp đồng tại UBND xã!

Một số giấy tờ thể hiện viện chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà bà Lan không hề đứng ra giao dịch
Một số giấy tờ thể hiện viện chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà bà Lan không hề đứng ra giao dịch

Để rộng đường dư luận, Báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Minh Tuỳ, Văn phòng Luật sư Sài Gòn Luật, Đoàn luất sư TP.HCM xoay quanh vụ việc này.

Luật sư Tuỳ nhìn nhận: “Ở thời điểm nào thì việc sang nhượng đất vẫn phải được UBND xã thông qua. Mọi hợp đồng đều phải được chứng thực tại UBND xã. Việc Phòng TN&MT huyện Bàu Bàng trao đổi với báo chí về trách nhiệm kiểm tra về độ xác thực của các hợp đồng chuyển nhượng đất là hoàn toàn đúng, việc UBND xã Lai Hưng trao đổi làm theo chỉ đạo của Phòng TN&MT là chưa đúng”.

Cũng theo luật sư Tùy, việc UBND xã Lai Hưng để người dân tự ký khống hợp đồng bên ngoài là chưa đúng luật chuyển nhượng đất đai. Để xảy ra tình trạng trên, lỗi đầu tiền thuộc về cán bộ địa chính hay cán bộ tư pháp lập hợp đồng và trình Chủ tịch xã ký. Đồng thời, việc Chủ tịch xã ký xác nhận hợp đồng mà chưa có bản vẽ tách một phần thửa đất cũng là sai. Cụ thể, để ký xác nhận hợp đồng chuyển nhượng đất các thủ tục liên quan đến nguồn gốc đất, vị trí đất tiếp giáp, nếu tách đất để chuyển nhượng cần phải có thêm bản đồ vị trí đất được tách để xác minh việc đất không thuộc diện tranh chấp.

“Việc giả mạo chữ ký phải có kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an mới xác định có phải chữ ký của bà Châu Lan hay không, nếu không phải chữ ký của bà Lan thì lỗi thuộc về UBND xã” - Luật sư Tùy khẳng định.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà bà Châu Lan được cấp
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà bà Châu Lan được cấp

Luật sư Trương Minh Tùy viện dẫn quy định mới nhất về quá trình chuyển nhượng đất cũng thể hiện, theo quy định tại khoản 2 Điều 5 và Điều 6 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực của UBND cấp xã như sau: “Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện ký chứng thực và đóng dấu. Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền của người sử dụng đất được thực hiện tại UBND cấp xã nơi có đất. Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà ở được thực hiện tại UBND cấp xã nơi có nhà.”

Trước đó, Báo Dân trí nhận được đơn thư phản ánh của bà Châu Lan về bà Lan bị bà Lư Kỳ Tuyết giả chữ kỹ bán gần 4.000m2 đất mặt tiền quốc lộ 13 (xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng), bà Lan khẳng định: “Toàn bộ hợp đồng mua bán được trích lục ra đều không phải chữ ký của tôi. Tôi chưa từng thực hiện các thủ tục sang nhượng đất nhưng không hiểu tại sao cơ quan chức năng lại có thể sang nhượng gần 4.000m2 đất đã cấp quyền sử dụng cho tôi trong khi tôi chưa từng biết đến sự việc. Suốt gần 10 năm qua tôi và gia đình đã hao tốn rất nhiều công sức và tiền bạc để đi tìm lại công lý cho mình nhưng chưa đạt được kết quả”.

Báo Dân trí tiếp tục thông tin vụ việc.

Trung Kiên – Xuân Hinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm