Bình Dương:
Hy hữu: Gần 4.000m2 đất bất ngờ bị “bốc hơi” kỳ lạ!
(Dân trí) - Dù là người đứng tên hợp pháp và không hề giao dịch mua bán với ai nhưng mảnh đất gần 4.000m2 của bà Lan vẫn bị người khác đứng ra bán cho nhiều hộ dân. Điều kỳ lạ, chính quyền địa phương vẫn hoàn tất các thủ tục sang nhượng đất mà không cần chủ sở hữu “đích thực”.
Sang nhượng đất không cần chủ sở hữu?
Theo đơn thư gửi đến Báo Dân trí, bà Châu Lan (ngụ phường 4, quận 6, TP. HCM) trình bày, năm 2001 bà Lan có mua 42.706m2 (tại ấp Lai Khê, xã Lai Hưng, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, nay là ấp Lai Khê, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) với giá 850 triệu đồng. Sau khi mua đất xong, bà Lan được UBND huyện Bến Cát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên thửa đất trên với số 01739 QSDĐ/909/QĐ-UB ngày 21/12/2001.
Sau khi làm xong giấy chứng nhận QSDĐ, bà Lan đã giao sổ đỏ và các giấy tờ liên quan đến thửa đất cho bà Lư Kỳ Tuyết (ngụ phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. HCM, bạn trên thân của bà Lan) giữ dùm. Đến đầu năm 2005, bà Lan yêu cầu bà Tuyết trả lại những giấy tờ nhà đất liên quan thì bà Lan phát hiện diện tích đất lúc này chỉ còn hơn 38.000m2. “Khi tôi thắc mắc thì chỉ nhận được sự im lặng của bà Tuyết. Nghi ngờ bà Tuyết chiếm đất của mình nên tôi đã ra UBND xã Lai Hưng xin trích lục các hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tôi. Qua trích lục tôi phát hiện trong thời gian từ năm 2002-2004, bà Tuyết đã giả chữ ký của tôi, tự ý phân lô và bán gần 4.000m2 đất của tôi cho 13 người” - Bà Lan nói.
Bà Lan khẳng định: “Toàn bộ hợp đồng mua bán được trích lục ra đều không phải chữ ký của tôi. Tôi không hiểu rõ pháp luật và quy trình sang nhượng đất nhưng thông thường sẽ phải có chữ ký, lăn tay của chủ đất cùng nhiều thủ tục nữa. Tuy vậy, thời gian trên tôi chưa từng đến UBND huyện Bến Cát thực hiện các thủ tục sang nhượng đất. Tôi không hiểu tại sao UBND huyện Bến Cát lại có thể sang nhượng gần 4.000m2 đất đã cấp quyền sử dụng cho tôi trong khi tôi chưa từng biết đến sự việc. Sau khi sự việc xảy ra tôi đã nhiều lần liên hệ đến UBND huyện Bến Cát để giải quyết dứt điểm nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết. Suốt gần 10 năm qua tôi và gia đình đã hao tốn rất nhiều công sức và tiền bạc để đi tìm lại công lý cho mình nhưng chưa đạt được kết quả”.
Cuối năm 2005, bà Lan đã gửi đơn kiến nghị sự việc lên UBND huyện Bến Cát, UBND tỉnh Bình Dương, Công an tỉnh Bình Dương, TAND tỉnh Bình Dương. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Sẽ kiểm tra lại quy trình sang nhượng đất
Liên quan đến đơn thư phản ánh của bà Lan về việc sang nhượng gần 4.000m2 đất của bà mà bà Lan không hề đến cơ quan chức năng để ký nhận. Vậy có hay không việc “tiếp tay” của chính quyền địa phương trong vụ việc có dấu hiệu “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” này?
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, phụ trách khối Kinh tế cho biết: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xác minh, kiểm tra lại hồ sơ mua bán đất đai sau đó sẽ có báo cáo, trả lời cụ thể. Vụ việc này mình có biết nhưng không có nắm rõ hồ sơ, do huyện Bàu Bàng mới tách từ thị xã Bến Cát nên, trụ sở ủy ban cũng đang phải đi thuê ở tạm, không có chỗ lưu giữ nên hồ sơ vẫn để ở bên chỗ Bến Cát, bây giờ phải liên hệ lại bên huyện Bến Cát để nắm lại”.
“Bây giờ, hồ sơ này đang nằm dưới Bến Cát, theo nghị định 36 thì phải tìm hiểu rõ quy trình mua bán như thế nào? Vấn đề này bên Tài nguyên và Môi trường nắm. Tôi sẽ cố gắng thu thập thêm đầy đủ thông tin về sự việc trên rồi cung cấp cho anh em. Tôi sẽ chỉ đạo Phòng Tài Nguyên và Môi trường tìm hiểu kỹ coi cụ thể hồ sơ ra sao” - Ông Thương khẳng định.
Cũng trong buổi làm việc, PV Dân trí đã cung cấp thêm một số tài liệu liên quan đến vụ việc này cho ông Thương nhằm hỗ trợ UBND huyện Bàu Bàng xác minh quy trình sang nhượng đất và quy trình cấp sổ đỏ cho nhiều hộ dân, trong việc mua bán đất mà bà Lan - Chủ sở hữu “đích thực” không hề tham gia vào bất cứ một giao dịch nào.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Trung Kiên - Xuân Hinh