Vụ đòi bồi thường 23,6 tỷ đồng: Bệnh viện khẳng định yêu cầu “không có cơ sở”!
(Dân trí) - Khẳng định, tai biến xảy ra với ông Trịnh Quang Sơn là khiếm khuyết thần kinh không phục hồi nằm trong tỷ lệ 4% đến 5% theo y văn và bác sĩ thực hiện đúng Luật khám chữa bệnh, phía bệnh viện cho rằng, yêu cầu bồi thường của gia đình người bệnh “không có cơ sở”.
Ca bệnh khó?
Sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại của bà Trịnh Thị Thùy Dương (con gái bệnh nhân Trịnh Quang Sơn), đại diện báo Dân trí đã có 2 buổi làm việc với phía bệnh viện Đại học Y Dược, TPHCM để làm rõ nội dung gia đình phản ánh. Trong buổi làm việc (ngày 15/12/2016) đại diện bệnh viện gồm GS.TS.BS Đặng Vạn Phước, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược, nguyên Phó giám đốc bệnh viện; PGS.TS.BS Trương Quang Bình, Phó giám đốc bệnh viện và nhiều bác sĩ thuộc các khoa phòng liên quan. Bệnh viện đã cung cấp Biên bản về việc giải quyết đơn tố cáo của bà Trịnh Thị Thùy Dương, đồng thời trả lời những vấn đề gia đình người bệnh khiếu nại đến phóng viên.
Theo đó, phía bệnh viện xác nhận vụ việc bà Thùy Dương khiếu nại (nội dung bài viết: “Bệnh nhân bị biến chứng, gia đình đòi bồi thường 23,6 tỷ đồng” Dân trí đã phản ánh) đang xảy ra tại bệnh viện. PGS Trương Quang Bình cho biết: “sau khi tai biến xảy đến với bệnh nhân, chúng tôi đã nỗ lực tìm phương án cứu chữa và mời cả nhà chuyên môn từ Bệnh viện Bạch Mai vào hội chẩn, đồng thời gặp mặt gia đình nhiều lần để giải thích tình trạng, diễn tiến điều trị và giải quyết một số đề nghị của người nhà”.
PGS Trương Quang Bình cho rằng: “Đây là một trường hợp khó, bệnh nhân có tiền sử đau đầu từng cơn hơn 1 năm trước khi đến bệnh viện. Bên cạnh đó, người bệnh có các bệnh lý nền đi kèm như tăng huyết áp (đang điều trị), đái tháo đường tuýp 2. Khi nhập viện bệnh nhân được các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh của bệnh viện khám và chẩn đoán rò màng cứng xoang hang (trái) gây xung huyết, lồi mắt trái”.
Cũng theo PGS Trương Quang Bình, người bệnh đến bệnh viện Đại học Y Dược để tư vấn, điều trị sau khi can thiệp không thành công tại Bệnh viện Nhân Dân 115. Tai biến xảy ra 12 giờ sau khi thực hiện thủ thuật bít rò cho người bệnh. Sau vụ việc, Hội đồng chuyên môn của bệnh viện đã họp và kết luận, bệnh nhân bị tổn thương não vùng sâu gồm đồi thị, thân não hai bên, tình trạng trên xảy ra do ứ máu tĩnh mạch sau khi bít rò xoang hang bởi tĩnh mạch dẫn lưu đổ về một cách bất thường vào xoang hang”.
“Yêu cầu của gia đình không có cơ sở”
Đại diện bệnh viện cho biết, bệnh nhân đã được thực hiện thủ thuật đặt coid bít lỗ rò xoang hang. Tuy nhiên, trong nội dung biên bản giải quyết tố cáo của bà Thùy Dương bệnh viện không chỉ ra số coid đã được đặt cho người bệnh.
Trả lời cho câu hỏi của phóng viên về vấn đề này, GS Đặng Vạn Phước cho biết: “Tổng số coid được đặt cho người bệnh là 18 chiếc, thời gian thực hiện thủ thuật diễn ra trong 3 giờ 50 phút. Do đặc tính phức tạp bởi hệ thống mạch máu của người bệnh nên thời gian can thiệp kéo dài gây ra phản ứng đông máu quá mức của cơ thể với các dụng cụ can thiệp (bình thường vẫn cần đông máu để làm tắc hết chỗ đặt coid – GS Vạn Phước). Đây là tai biến không mong muốn nằm trong tỷ lệ 4% đến 5% nguy cơ khiếm khuyết thần kinh không phục hồi theo y văn”.
Liên quan đến vấn đề bà Thùy Dương yêu cầu làm rõ tính pháp lý về mặt chuyên môn của BS Trần Quốc Tuấn và tránh nhiệm của ê kíp can thiệp, PGS Trương Quang Bình cho biết: “BS Trần Quốc Tuấn (phẫu thuật viên chính) một trong những nhân sự giỏi tại bệnh viện, hiện là giảng viên bộ môn Ngoại thần kinh của Đại học Y Dược, đã được đào tạo chuyên môn cả trong và ngoài nước, có chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế cấp”.
Trước khi can thiệp, người bệnh và người được bệnh nhân ủy quyền là ông Nguyễn Đức Khỏe đã được tư vấn đầy đủ các nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra, các bên liên quan đã đồng ý ký vào hồ sơ thực hiện thủ thuật. Sau khi tai biến xảy ra, bệnh viện đã làm tất cả những gì có thể, nhưng đến nay khiếm khuyết thần kinh không thể phục hồi, dự báo sẽ ngày càng xấu hơn trong thời gian tới.
Đại diện bệnh viện cũng cho biết, khoản tiền 350 triệu đồng người bệnh đóng tạm ứng trước can thiệp là chi phí khấu hao trang thiết bị, mua vật tư y tế tiêu hao, thuốc, trả công cho ê kíp can thiệp... Kể từ ngày 7/10/2016 đến nay, bệnh viện tạm thời không thu viện phí của người bệnh. Hiện, bệnh viện đã chủ động đề xuất hỗ trợ một phần viện phí tương đương với số tiền 600 triệu đồng, nhưng gia đình không đồng ý.
Đề cập đến khoản tiền hơn 23,6 tỷ đồng gia đình người bệnh yêu cầu bồi thường, PGS Trương Quang Bình cho biết: “Bệnh viện đã thực hiện đúng Luật khám chữa bệnh khi tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân Trịnh Quang Sơn. Ê kíp thực hiện thủ thuật theo đúng quy trình kỹ thuật chuyên môn của bệnh viện, phù hợp với bệnh lý người bệnh. Do đó, nội dung đơn tố cáo của bà Thùy Dương cho rằng, ê kíp can thiệp không có chuyên môn, vi phạm quy trình khám chữa bệnh là không đúng, khoản tiền gia đình yêu cầu bồi thường là không có cơ sở, bệnh viện không chấp nhận”.
“Chúng tôi mong gia đình người bệnh hiểu và thông cảm với rủi ro không mong muốn đã xảy ra. Tuy nhiên, trong trường hợp gia đình kiên quyết khiếu kiện, yêu cầu bồi thường thì trách nhiệm của bệnh viện và các bên liên quan (nếu có) sẽ tuân thủ theo phán quyết cuối cùng của tòa án” - PGS Trương Quang Bình khẳng định.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Vân Sơn