Bài 3:
Vụ đòi bồi thường 23,6 tỷ: “Bệnh viện bao biện để bảo vệ cái sai của bác sĩ"?
(Dân trí) - Người được bệnh nhân ủy quyền khẳng định, bác sĩ không tư vấn cho bệnh nhân những rủi ro, tai biến có thể xảy ra. Phía luật sư cho rằng, bệnh viện đang bao biện để bảo vệ đến cùng cái sai của bác sĩ. Những thắc mắc của gia đình, bệnh viện không trả lời.
“Bác sĩ không tư vấn rủi ro, tai biến cho ông Sơn”
Ông Nguyễn Đức Khỏe (người được bệnh nhân ủy quyền) khẳng định: “Trong quá trình tư vấn trước khi thực hiện thủ thuật, đại diện bệnh viện không có bất kỳ giải thích nào liên quan đến tai biến, biến chứng, rủi ro có thể gặp phải cho ông Trịnh Quang Sơn. Nếu phía bệnh viện nhắc tới tai biến, biến chứng dù chỉ là rủi ro cực thấp thì ông Sơn đã không điều trị hoặc sẽ ra nước ngoài điều trị để được chăm sóc tốt hơn. Người trực tiếp tư vấn cho ông Sơn và tôi là BS Trần Quốc Tuấn còn khẳng định, Bệnh viện Đại học Y Dược là bệnh viện đầu ngành được trang bị đẩy đủ thiết bị máy móc và có trình độ chuyên môn cao hơn các bệnh viện khác, việc can thiệp sẽ đảm bảo”.
Dẫn chứng vấn đề trên, ông Khỏe cho hay: “Trước khi đến Bệnh viện Đại học Y Dược, ông Sơn đã được Bệnh viện Nhân Dân 115 can thiệp nhưng khi các bác sĩ thực hiện thủ thuật thì không tiếp cận được lỗ rò nên dừng việc can thiệp, không để lại ảnh hưởng gì tới sức khỏe. Tiếp đó, ông Sơn liên hệ với một bệnh viện lớn khác tại TPHCM. Sau khi thăm khám, bác sĩ chỉ định can thiệp cho ông. Có lẽ không an tâm nên chỉ vài giờ trước khi lên bàn mổ, ông yêu cầu tôi liên hệ lại với bác sĩ trực tiếp điều trị để hỏi về khả năng thành công. Khi vị bác sĩ này trả lời “thủ thuật có thể hên xui” thì ngay lập tức ông Sơn đã hủy không phẫu thuật nữa”.
Cũng theo ông Khỏe tiền viện phí của thủ thuật cho ông Sơn bệnh viện thông báo chỉ khoảng 30 triệu đồng. Số tiền 365 triệu đồng (gia đình đóng thành 3 lần, trong các ngày 20; 21 và 22/8/2015) cho bệnh viện là tiền mua trang thiết bị y tế hoàn toàn mới để phục vụ ca mổ, ông Sơn hứa sẽ tặng lại toàn bộ thiết bị y tế cho bệnh viện sau khi khỏi bệnh. BS Tuấn cũng không tư vấn cho chúng tôi về việc sẽ đặt bao nhiêu chiếc coil. Tôi rất bất ngờ khi bệnh viện tiết lộ số coil đặt cho ông Sơn lên tới 18 chiếc.
Bà Thùy Dương cho rằng bệnh viện đã không minh bạch trong việc thu viện phí của cha bà nên đề nghị bệnh viện chứng minh việc yêu cầu gia đình người bệnh đóng số tiền 365 triệu đồng vào bệnh viện là đúng quy định của pháp luật. “Gia đình tôi cần biết, số tiền trên đã được sử dụng để mua sắm, chi trả cho những loại trang thiết bị, dịch vụ kỹ thuật nào?”
“Bệnh viện đang bao biện...”
Liên quan đến tai biến xảy ra với ông Sơn, một bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực can thiệp nội mạch thần kinh cho rằng: Phía bệnh viện khẳng định “đây là trường hợp khó” nhưng bệnh viện lại cố ý giao cho BS Trần Quốc Tuấn là người non yếu về chuyên môn trong lĩnh vực can thiệp nội mạch thần kinh. Mặt khác, việc hội chẩn, chỉ định can thiệp chỉ tiến hành trên phạm vi của khoa Ngoại Thần kinh được thực hiện bởi bác sĩ non yếu về chuyên môn can thiệp nội mạch thần kinh thể hiện sự chủ quan, xem thường sinh mạng người bệnh của bệnh viện nên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân.
Bác sĩ Quốc Tuấn chưa lường trước được những tai biến, biến chứng nặng có thể xảy ra. Do đó, trong quá trình giải thích cho người nhà chưa nói trước tai biến, biến chứng, tử vong hoặc sống thực vật như hiện tại. Với bệnh cảnh tương tự, thủ thuật can thiệp chỉ nên gây tắc đường động mạch, không gây tắc hệ tĩnh mạch như BS Tuấn đã làm và gây ra biến chứng “tổn thương não sâu, do ứ máu sau khi bít xoang hang”.
Liên quan đến Quyết định (về về việc giải quyết tố cáo của bà Trịnh Thị Thùy Dương – số 2539/QĐ-BVĐHYD), Luật sư Trần Hải Đức - người bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân cho rằng: Bệnh viện căn cứ trên Luật khiếu nại để giải quyết tố cáo là sai, không có giá trị pháp lý, đồng thời cũng thể hiện sự yếu kém từ lãnh đạo bệnh viện đến ban cố vấn pháp lý của bệnh viện. Mặt khác, ông cho rằng đơn tố cáo và yêu cầu bồi thường của bà Thùy Dương là đúng quy định của pháp luật. Do đó, việc bệnh viện bác Đơn tố cáo yêu cầu bồi thường của bà Thùy Dương với lý do “không có cơ sở” là hoàn toàn sai.
Cũng theo Luật sư Trần Hải Đức: “Chúng tôi có những thông tin về việc BS Trần Quốc Tuấn mới chỉ làm phẫu thuật viên chính thực hiện phương pháp can thiệp nội mạch chưa đến 10 ca, nhưng đã gây tử vong 1 ca, và tai biến cho 1 ca (ông Sơn tai biến sống thực vật). Bệnh viện cho rằng, bác sĩ Quốc Tuấn là người giỏi chuyên môn và dùng tỷ lệ tai biến 4% đến 5% theo y văn là bao biện nhằm bảo vệ đến cùng cái sai của BS Tuấn và ê kíp mổ”.
Những vấn đề trên đã được báo Dân trí chuyển tới Bệnh viện Đại học Y Dược, đề nghị bệnh viện trả lời cụ thể để độc giả quan tâm có thông tin khách quan, đa chiều về vụ việc. Tuy nhiên, sau nhiều lần trì hoãn, phía bệnh viện đã từ chối trả lời các câu hỏi của báo với lý do “vụ việc của bệnh nhân Trịnh Quang Sơn phía bệnh viện đã báo cáo lên Cục Quản lý Khám chữa bệnh”.
Do hai bên không thể bàn bạc, tìm hướng hòa giải nên bà Võ Thị Cẩm Loan (vợ ông Sơn) đã gửi đơn đến Tòa án Nhân dân Quận 5, TPHCM về việc yêu cầu Bệnh viện Đại học Y Dược bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do vi phạm các quy định về khám và chữa bệnh. Luật sư Nguyễn Minh Tường cho hay: Tòa án Nhân dân quận 5 đã thụ lý vụ việc và có giấy triệu tập các bên đến làm việc vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 10/1. Cũng theo Luật sư Minh Tường, hiện gia đình đã gửi đơn khiếu nại lên các cơ quan cấp Trung ương đối với quyết định giải quyết tố cáo của bệnh viện. Mặt khác, gia đình người bệnh vẫn khởi kiện, yêu cầu bệnh viện bồi thường thiệt hại về mặt dân sự.
Dân trí sẽ cập nhật tiếp những diễn biến của vụ việc trên.
T.P - Vân Sơn