Vụ đập kính, bắt tài xế quỳ lạy: Khi nào có thể khởi tố thêm tội danh?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, nếu kết quả xác minh cho thấy việc tài xế quỳ lạy do bị Phong ép buộc, đồng thời giá trị tài sản từ 2 triệu đồng trở lên, Phong có thể bị xử lý thêm về 2 tội danh theo quy định.

Như Dân trí thông tin, trưa 11/8, Trần Tấn Phong (46 tuổi, ở TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) lái ô tô di chuyển vào hướng đường Lê Chí Dân, phường Hiệp An (TP Thủ Dầu Một) thì xảy ra xung đột với ô tô do anh P.T.S. (27 tuổi) điều khiển. Cho rằng tài xế này cản trở mình qua đường, Phong tăng ga đuổi theo, chặn đầu xe của anh S. rồi lấy một khúc xương dài khoảng 30 cm trên vỉa hè đập vỡ cửa kính, buộc anh S. bước ra khỏi xe. 

Tiếp đó, tài xế này nhắm tóc, cầm khúc xương dọa đánh anh S. khiến nạn nhân sợ hãi, quỳ xuống van xin. Với những hành vi trên, Phong bị Công an TP Thủ Dầu Một ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội Gây rối trật tự công cộng, đồng thời làm rõ dấu hiệu các hành vi Làm nhục người khác và Cố ý làm hư hỏng tài sản. 

Theo dõi sự việc, độc giả Dân trí đặt câu hỏi, Phong có thể bị xử lý thêm về 2 tội danh nêu trên trong trường hợp nào?. 

Vụ đập kính, bắt tài xế quỳ lạy: Khi nào có thể khởi tố thêm tội danh? - 1

Trần Tấn Phong (Ảnh: Công an cung cấp).

Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá hành vi của Phong thể hiện sự côn đồ, hung hăng, coi thường pháp luật; xâm phạm nghiêm trọng tới tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm cá nhân cũng như an ninh trật tự xã hội. Việc cơ quan điều tra khởi tố tài xế này về tội Gây rối trật tự công cộng là động thái kịp thời, cần thiết, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân khác. 

Ngoài gây rối trật tự công cộng, với hàng loạt hành vi như đập vỡ cửa kính ô tô, đánh đập tài xế khiến người này phải quỳ lạy van xin, việc Công an TP Thủ Dầu Một tiếp tục điều tra tài xế này về các hành vi Cố ý làm hư hỏng tài sản và Làm nhục người khác là hoàn toàn có cơ sở. 

Căn cứ các quy định của pháp luật, tùy thuộc kết quả xác minh của cơ quan công an, Phong có thể bị xử lý thêm tội danh nếu thuộc các trường hợp như sau: 

Về hành vi Cố ý làm hư hỏng tài sản, cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định nhằm xác định chính xác giá trị tài sản bị thiệt hại mà cụ thể là tấm kính ô tô. Nếu kết quả giám định cho thấy giá trị tài sản thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên, Phong sẽ bị xử lý hình sự về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015. 

Theo khoản 1 Điều này, trường hợp giá trị tài sản thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, mức phạt áp dụng là phạt tiền 10-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Thậm chí trong trường hợp giá trị tài sản chưa tới 2 triệu đồng nhưng hành vi được xác định thuộc tình tiết Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tài xế này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Về hành vi Làm nhục người khác, dấu hiệu của hành vi nằm ở việc anh S. quỳ xuống van xin sau khi bị Phong đập vỡ kính xe và hành hung. Tình huống này, cơ quan điều tra sẽ tập trung làm rõ động cơ, ý chí khi thực hiện hành vi của Phong cũng như trạng thái tinh thần của anh S. khi quỳ xuống trước mặt nghi phạm. 

Nếu kết quả xác minh cho thấy Phong đã cố tình ép buộc nam tài xế phải quỳ xuống xin lỗi ở nơi công cộng nhằm mục đích hạ thấp danh dự, nhân phẩm của anh S. hoặc biết rõ hành vi của mình sẽ xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm người khác nhưng vẫn thực hiện, cơ quan công an sẽ xem xét xử lý tài xế này về tội Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015. 

Vụ đập kính, bắt tài xế quỳ lạy: Khi nào có thể khởi tố thêm tội danh? - 2

Anh S. quỳ lạy sau khi bị Phong đập vỡ kính xe và hành hung (Ảnh cắt từ clip).

"Theo khoa học hình sự, mặt khách quan của tội Làm nhục người khác được thể hiện thông qua hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác bằng các hành vi như sỉ nhục, chửi bới người khác một cách thô bỉ, tục tĩu hoặc thể hiện qua hành động như lột trần truồng nạn nhân, nhổ nước bọt, ném chất thải hay các hành động khác nhằm hạ thấp nhân phẩm người khác tại nơi đông người. 

Bởi vậy, vấn đề mấu chốt cần làm rõ là việc anh S. quỳ xuống xuất phát từ ý chí chủ quan, sự chủ động của người này hay do bị Phong ép buộc thực hiện. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định trách nhiệm của Phong về tội Làm nhục người khác", ông Lực bình luận. 

Theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, mức phạt cơ bản đối với tội Làm nhục người khác là phạt cảnh cáo, phạt tiền 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.