Vụ dành cả tuổi thanh xuân đi đòi đất: Đề xuất công nhận 200m2 đất ở cho bà Phượng!
(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ vừa đề nghị Đoàn kiểm tra đề xuất hướng giải quyết công nhận 200m2 đất ở không thu tiền sử dụng đất cho bà Phượng, phần đất gần 5.000m2 nếu bà Phượng có nhu cầu sử dụng thì sẽ cho thuê đất thu tiền. Tuy nhiên bà Phượng không đồng ý với hướng giải quyết trên.
Chiều 30/8, ông Trần Văn Mây, Cục trưởng Cục III – Thanh tra Chính phủ đã chủ trì buổi làm việc, đối thoại giữa bà Lê Thị Hồng Phượng (63 tuổi) và đại diện UBND TP.HCM là ông Nguyễn Văn Phước, Phó trưởng phòng Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo số 4, Thanh tra TP.HCM).
Tại biên bản làm việc, Cục trưởng Cục III Trần Văn Mây nêu ý kiến, về nguồn gốc đất khiếu nại (16.000m2) có nguồn gốc thuộc Bằng khoán số 1103 của bà Trần Thị Đê (mẹ chồng bà Phượng). Sau năm 1975, đất này do Nhà nước quản lý đã giao cấp cho các chủ thể sử dụng và đã đăng kí theo Chỉ thị 299/TTg. Do vậy, việc yêu cầu công nhận 16.000m2 là không có cơ sở xem xét.
Cũng theo ông Mây, đối với phần đất hơn 5.000m2 do Công ty Cổ phần bến xe miền Tây quản lý, theo báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành, phần đất này sử dụng không đúng mục đích và hiện còn để trống. Trên cơ sở xem xét nguồn gốc đất của bà Đê, gia đình bà Đê có người được công nhận có công với cách mạng và hiện tại gia đình đang rất khó khăn, không có đất ở, không có nơi thờ tự.
“Trên cơ sở kết quả tiếp xúc hôm nay, đề nghị Đoàn kiểm tra đề xuất hướng giải quyết công nhận 200m2 đất ở không thu tiền sử dụng đất cho gia đình bà Phượng. Phân diện tích còn lại 4.876m2, nếu gia đình bà Phượng có nhu cầu sử dụng thì đề xuất cho thuê đất thu tiền một lần hoặc trả tiền thuê hàng năm, trên cơ sở phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của TP.HCM. Nếu gia đình bà Phượng không đồng ý hướng giải quyết trên, đề nghị Đoàn kiểm tra kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật”, biên bản làm việc nêu rõ ý kiến của ông Trần Văn Mây, Cục trưởng Cục III – Thanh tra Chính phủ.
Trước nội dung của ông Mây, bà Lê Thị Hồng Phượng cho rằng, diện tích đất 16.000m2 nguồn gốc là của gia đình bà, cho đến thời điểm này không có bất kỳ văn bản nào về việc Nhà nước quản lý. “Tôi khiếu nại đòi lạt đất chứ không xin Nhà nước. Tôi đề nghị Nhà nước cung cấp tài liệu chứng minh đất của tôi bị quản lý, trưng thu, trưng dụng. Do đó, tôi không đồng ý việc giải quyết 200m2 đất ở và thuê lại gần 5.000m2 đất. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nhờ được cấp 1.000m2 vào năm 1979, ngoài ra ông Nhờ không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất hay khai hoang, sử dụng hợp pháp nhưng lại được công nhận gần 4.000m2 đất ở”, bà Phượng khẳng định.
Về quá trình sử dụng đất, bà Phương cho biết vào năm 1979 gia đình bà đã khiếu nại nhưng không được giải quyết. Năm 1989, gia đình bà Phượng làm bản vẽ bỏ túc hồ sơ xin đăng ký sử dụng đất nhưng không được xem xét giải quyết.
Giấy tờ liên quan đến nguồn gốc mảnh đất của gia đình bà Phượng.
Tại cuộc họp ngày 30/8, bà Phượng yêu cầu công nhận 16.000m2 thuộc bằng khoán 1103 của gia đình và bà Phượng đồng ý hiến lại cho Nhà nước phần đất các hộ dân đã lấn chiếm, phần đất cấp cho ông Nhờ và người thân. Tuy nhiên, bà Phượng yêu cầu truy thu tiền sử dụng phần đất vượt hạn mức và tiền bồi thường khi mở rộng đường Kinh Dương Vương mà ông Nhờ và người thân đã nhận để hiến vào quỹ học bổng cho học sinh nghèo quận Bình Tân.
“Tôi yêu cầu trả lại cho phần đất 5.076m2 và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tôi trên phần đất hiện do Công ty Cổ phần bến xe khách miền Tây đang sử dụng không đúng mục đích và công nhận đất ở toàn bộ”, bà Phượng trình bày tại biên bản họp.
Sau khi ghi nhận ý kiến của bà Phượng, Thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo lãnh đạo trước ngày 7/9/2018.
Như Báo Dân trí đã phản ánh, trước giải phóng, gia đình bà Lê Thị Hồng Phượng sở hữu 16.000 m2 đất tại Bình Trị Đông, Bình Chánh. Do nằm ở vị trí đắc địa nên nằm 1974, gia đình bà san lấp mặt bằng, xây dựng hàng rào để chuẩn bị xây dựng dự án Khu thương xá. Đến ngày 30/4/1975 Sài Gòn được giải phóng, phần đất này được chính quyền mới tạm giữ nhưng không ra văn bản tịch thu hoặc cải tạo hoặc trưng thu sử dụng. Sau khi đất nước ổn định, từ năm 1978 gia đình bà Phượng liên tục khiếu nại đòi lại phần đất trên nhưng vụ việc này chưa được giải quyết dứt điểm.
Văn phòng Chính phủ phát đi nhiều thông báo chỉ đạo giải quyết vụ việc nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Gần 20 năm qua, đã có 5 văn bản của Thủ tướng/ Phó Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, đôn đốc giải quyết nhưng chưa được UBND TP. Hồ Chí Minh giải quyết thấu đáo. Cụ thể: Văn bản số 2254/VPCP.VII ngày 9/5/2003; văn bản số 4657/VPCP.VII ngày 24/8/2006; văn bản số 5712/VPCP – KNTN ngày 29/8/2008; văn bản số 2493/VPCP-KNTC ngày 17/4/2009 và mới đây nhất là văn bản 5892/VPCP-V.I ngày 7/6/2017.
Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp khẳng định sẽ quyết liệt xử lý sự việc và không ngại va chạm để giải quyết khiếu nại cho người dân.
Trước đó, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp đã trực tiếp gặp gỡ chia sẻ với người phụ nữ dành cả tuổi thanh xuân đi đòi đất. Ông Điệp cho biết, Thanh tra Chính phủ đang cùng với các cơ quan ban ngành gấp rút xử lý sự việc để giải quyết khiếu nại cho người dân. “Chúng tôi sẽ quyết liệt xử lý sự việc và không ngại va chạm để giải quyết khiếu nại cho người dân”, ông Điệp khẳng định.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Xuân Hinh - Trung Kiên