Bài 12:

Vụ dân kiện chủ tịch huyện Đại Từ: Xét xử vụ án hành chính bằng viện dẫn Luật Điện lực?

(Dân trí) - Vụ việc Chủ tịch UBND huyện Đại Từ (Thái Nguyên) bị người dân khởi kiện kéo dài khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Từ việc vị thẩm phán ra “bản án ma”, nghi án chữ ký giả nhằm hợp thức hóa hồ sơ đến giờ bản án hành chính sơ thẩm số 02 của TAND huyện Đại Từ lại sử dụng Nghị định số 105/2005/NĐ-CP hướng dẫn Luật điện lực để làm căn cứ pháp lý giải quyết vụ án.

Vụ án  ông Nguyễn Văn Bắc ở xóm 2 xã Hà Thượng huyện Đại Từ kiện ông Nguyễn Hải Đường - Chủ tịch UBND huyện  vụ án khởi kiện các quyết định hành chính của Chủ tịch UBND huyện liên quan đến việc ra quyết định cưỡng chế phá dỡ nhà của công. Trong tất cả các văn bản, trong suốt quá trình giải quyết, mọi mối quan hệ, mọi vấn đề đều xoay quanh lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, điều khó hiểu là Bản án hành chính sơ thẩm số 02 của TAND huyện Đại Từ lại sử dụng Nghị định số 105/2005/NĐ-CP hướng dẫn Luật điện lực để làm căn cứ pháp lý giải quyết vụ án.

Luật sư Trương Anh Tú – Trưởng văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích một vấn đề vô cùng quan trọng trọng vụ án này là việc đánh giá chứng cứ. Phía người bị kiện đã giao nộp cho tòa án 47 đầu tài liệu làm chứng cứ. Toàn bộ các tài liệu này chỉ là bản photo do trưởng phòng TN-MT ký xác  nhận sao như bản chính và đóng dấu đỏ nên không đáp ứng được tính hợp pháp theo quy định tại Điều 76, Luật Tố tụng hành chính.

Vụ dân kiện chủ tịch huyện Đại Từ: Xét xử vụ án hành chính bằng viện dẫn Luật Điện lực?
Vụ dân kiện chủ tịch huyện Đại Từ: Xét xử vụ án hành chính bằng viện dẫn Luật Điện lực?

“Nhưng trong suốt quá trình giải quyết vụ án gần 2 năm, HĐXX sơ thẩm vẫn mặc nhiên sử dụng là chứng cứ. Sau khi sao chụp hồ sơ, đối chiếu với thực tế khách quan xảy ra, ông Nguyễn Văn Bắc nhận thấy có rất nhiều tài liệu không phù hợp, chữ ký của ông Bắc, thời gian lập biên bản không khớp với thực tế và nhiều văn bản không đủ chữ ký, đặc biệt có văn bản có dấu hiệu giả mạo hiện ông Bắc và luật sư đã có văn bản đề nghị cơ quan công an khởi tố vụ án hình sự  … do đó luật sư và đương sự đã nhiều lần yêu cầu, kiến nghị giám định những tài liệu trên. Tuy nhiên, thẩm phán Lương Đức Long - Thẩm phán giải quyết vụ án lúc cho rằng: đây là tài liệu của cơ quan tổ chức nhà nước nên không cần phải giám định, khi lại khẳng định: đây là các tài liệu “Công chứng” không phải là tài liệu gốc nên không có cơ sở để giám định.  

Đặc biệt, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 23/10/2014, luật sư yêu cầu người bị kiện giao nộp tài liệu mà họ cho là có thì họ vội vã nộp một số tài liệu ngay tại tòa. Ngay lập tức HĐXX đã nhanh chóng tiếp nhận và đọc to tên một số tài liệu. Trước hành vi bất thường đó, hai luật sư và cả vị đại diện VKSND tham dự tại phiên tòa đều đề nghi hoãn phiên tòa để giám định tài liệu mà người bị kiện vừa giao xem đó là của thật hay của giả nhưng thẩm phán lại từ chối. Vậy là tài liệu mà tòa án sử dụng làm chứng cứ giải quyết vụ án có thật là tài liệu gốc hay là tài liệu giả như 47 loại  tài liệu mà người bị kiện trước đây đã cung cấp cho tòa? Đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác”, luật sư Tú phân tích.

Vụ dân kiện chủ tịch huyện Đại Từ: Xét xử vụ án hành chính bằng viện dẫn Luật Điện lực?
Vụ việc Chủ tịch UBND huyện Đại Từ (Thái Nguyên) bị người dân khởi kiện kéo dài khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Cũng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn sơ thẩm, ông thẩm phán Lương Đức Long đã từng dựng lên phiên tòa “ma” có đầy đủ họ tên tuổi HĐXX và vị đại diện VKSND  để ban hành quyết định tạm đình chỉ đối với đơn khởi kiện quyết định xử phạt hành chính số 6240/QĐ-UB ngày 10/10/2012 và cuối cùng ban hành quyết định đình chỉ vụ án với lý do hết thời hiệu khởi kiện trong khi đó gia đình ông Nguyễn Văn Bắc chưa từng nhìn thấy “mặt ngang, mũi dọc” của Quyết định này. Quá bức xúc, ông Bắc và hai luật sư đã gửi nhiều đơn khiếu nại, tố cáo yêu cầu xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật của vị thẩm phán này nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Hiện nay, vụ án đã được chuyển qua giai đoạn xét xử phúc thẩm. Những vấn đề trên vẫn còn nhức nhối tồn đọng, chưa được giải quyết thậm chí ngày 12/01/2015 vừa qua, bất ngờ ông Bắc được triệu tập tham gia phiên tòa phúc thẩm vào ngày 21/01/2014 trong khi ông Bắc vẫn không biết rằng vụ án của mình đã được tòa phúc thẩm thụ lý chưa do không nhận được Quyết định thụ lý vụ án cũng như quyết định đưa vụ án ra xet xử; còn hai luật sư bảo vệ vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận người bảo vệ. Chính vì vậy, ông Bắc đã có đơn đề nghị hoãn phiên tòa và đề nghị giám định toàn bộ tài liệu chứng cứ.

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Ngô Tất Hữu và luật sư Trương Anh Tú, hai luật sư bảo vệ cho ông Bắc cho biết: “Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm này, nếu tài liệu do UBND huyện Đại Từ mới cung cấp cũng lại như giai đoạn xét xử sơ thẩm không được giám định thì việc giải quyết vụ án sẽ không có ý nghĩa gì! Bởi một  quyết định hành chính chỉ được xem là hợp pháp nếu nó ban hành đúng thẩm quyền, đúng trình tự pháp luật, các khâu các bước trong quy trình đó phải đúng và chính xác như quy định của pháp luật. Chỉ một “mắc xích” trong quy trình đó không hợp pháp thì cả quy trình sẽ bị vô hiệu hóa. Huống chi trong vụ  án này, không chỉ một “mắc xích” mà hàng loạt các “mắc xích” đều có dấu hiệu mờ ám khuất tất.

Công dân không nhận được quyết định của chính quyền thì làm sao có thể thực hiện được; làm sao một công trình (nhà xây tạm trên mảnh đấy hợp pháp của mình) vừa được chính quyền kiểm kê chi tiết để chuẩn bị bồi thường khi thu hồi đất theo chỉ đạo bằng văn  bản của chính chủ tịch huyên mà sau đó lại bị chính chủ tịch ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến cưỡng chế, phá dỡ thu giữ một số tài sản có giá trị; làm sao một biên bản của chính quyền ban hành lại  không đầy đủ chữ ký của các thành phần nhưng vẫn mặc nhiên được tòa sơ thẩm chấp nhận là hợp pháp…?

Hàng loạt các vấn đề đó đòi hỏi HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Thái Nguyên phải nghiêm túc nghiên cứu đánh giá để ban hành một bản án phù hợp, có căn cứ, đúng pháp luật  đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và chấm dứt việc khiếu nại tố cáo kéo dài”.

Ngày 08/05/2013, TAND huyện Đại Từ đã thụ lý đơn ông Nguyễn Văn Bắc ở xã Hà Thương, huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên khởi kiện các quyết định hành chính và hành vi hành chính của Chủ tịch UBND huyện Đại Từ. Sau 07 lần hoãn phiên tòa, ngày 23/10/2014, vụ án đã được đưa ra xét xử. Ngay sau phiên tòa sơ thẩm, ông Bắc đã kháng cáo và được TAND tỉnh Thái Nguyên thụ lý giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Ngày 21/01/2015, phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhất đã được hoãn theo yêu cầu của ông Nguyễn Văn Bắc cần giám định các tài liệu. Nhưng nay Tòa phúc thẩm lại ấn định phiên xử vào ngày 29/01/2015.  


Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm