Vụ dân bị phạt vì bỗng dưng "bắt được" cây gỗ: Áp dụng luật cứng nhắc?
(Dân trí) - Luật sư cho rằng, việc ông Nam cưa, xẻ cây gỗ là làm trái nội dung tại biên bản hiện trường nhưng qua sự việc cũng cho thấy sự chậm trễ, lúng túng trong công tác xử lý từ cơ quan chức năng.
Sự việc ông Lê Quang Nam (SN 1978, trú tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) mất oan gần trăm triệu để đào gỗ dưới ruộng, sau đó lại bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi "Chiếm giữ tài sản của người khác" với số tiền phạt là 4 triệu đồng đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về vụ việc trên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, đến thời điểm này, chưa thể khẳng định được yếu tố lỗi dẫn đến hậu quả nêu trên là xuất phát từ phía người dân hay đến từ sai phạm trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, những hành động mang tính bột phát, tự ý của người dân làm thay đổi hiện trạng, sử dụng tài sản, cùng với sự chậm trễ, lúng túng trong công tác xử lý tài sản của cơ quan chức năng đã làm phát sinh những tình huống phức tạp, rắc rối, khó giải quyết, gây hậu quả không thể khắc phục.
Cơ quan chức năng thể hiện sự lúng túng, chậm trễ trong xử lý công việc
Luật sư cho biết, theo quy định tại Điều 229 Bộ luật dân sự 2015, khi người dân phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật nếu không biết chủ sở hữu tài sản là ai. Do đó, việc ông Lê Quang Nam phát hiện gỗ chìm dưới thửa ruộng, thuộc thửa đất của người khác, không biết chủ sở hữu hợp pháp đối với số gỗ trên khi ông đang cải tạo đất nên đã báo sự việc với UBND xã Sa Sơn là phù hợp quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, sau khi nhận được thông tin của ông Lê Quang Nam, UBND xã Sa Sơn đã thể hiện sự lúng túng, chưa có phương án tiếp cận và định hướng cách xử lý rõ ràng cho người dân ngay từ ban đầu. Cụ thể, UBND xã Sa Sơn đã kiểm tra và lập biên bản xác minh vụ việc. Nhưng nội dung biên bản kiểm tra chỉ đề cập đến việc cho phép ông Nam trục vớt cây gỗ, và nghiêm cấm việc buôn bán, trao đổi thương mại sau khi trục vớt gỗ, đồng thời yêu cầu ông Nam phải báo cáo UBND xã để cử lực lượng xuống kiểm tra và báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật.
Thực hiện đúng theo yêu cầu của chính quyền địa phương, sau khi trục vớt xong, ngày 8/4, ông Nam đã đến UBND xã Sa Sơn thông báo. Tuy nhiên, đến ngày 20/5 tức đã 1 tháng 12 ngày, ông Nam không thấy cơ quan chức năng đến kiểm tra, xác nhận nên ông liền vận chuyển cây gỗ về một xưởng gỗ để cưa, xẻ làm đồ gia dụng.
Việc làm của ông Nam là làm trái nội dung tại biên bản hiện trường nhưng nó cũng thể sự chậm trễ, lúng túng trong công tác xử lý từ cơ quan chức năng. Do đó, việc ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi "Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác" đối với ông Nam với mức phạt 4 triệu đồng đã thể hiện việc áp dụng pháp luật một cách cứng nhắc. Vì vậy, đối với hành vi không thực hiện theo nội dung tại Biên bản hiện trường, UBND xã nên cân nhắc áp dụng hình thức xử phạt như cảnh cáo, khiển trách.
Trong trường hợp không đồng ý với quyết định xử phạt, người dân có thể khiếu nại bằng đơn hoặc khiếu nại trực tiếp đến cơ quan ra quyết định xử phạt, trong trường hợp quá thời hạn quy định thì người dân có quyền khiếu nại đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính theo quy định tại Điều 7 Luật Khiếu nại 2011.
Luật sư khuyến cáo, trong trường hợp phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm, người dân nên báo cáo chính quyền địa phương và phải tuân thủ các quy định, cũng như quyết định của chính quyền.
Trong vụ việc trên, nếu đã báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền nhưng không nhận được ý kiến thì người dân không được phép tự ý khai thác mà phải tiếp tục hỏi ý kiến trực tiếp cấp trên để có cơ sở đưa ra phương án xử lý một cách thấu tình đạt lý. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng nên kịp thời kiểm tra, xác minh nguồn gốc, chủ sở hữu của những tài sản chưa xác định được chủ sở hữu để giải quyết quyền lợi cho người phát hiện tài sản.