Vụ cướp tiệm vàng nổ súng bắn công an xã: Có thể xử lý tối đa 3 tội danh?

Hải Hà

(Dân trí) - Theo luật sư, Đạt và Doanh có thể đối diện hai tội danh theo quy định là Cướp tài sản và Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng; ngoài ra, có thể bị xem xét thêm trách nhiệm hình sự về tội Giết người.

Như đã đưa tin, khoảng 20h tối 7/6, Lương Văn Đạt (33 tuổi) và Nguyễn Văn Doanh (34 tuổi, cùng ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) đeo khẩu trang, mặc quần áo che kín xông vào tiệm vàng của gia đình anh Nguyễn Đăng Ninh tại khu vực xã Đồng Cẩm, huyện Kim Thành.

Một đối tượng chĩa súng khống chế anh Ninh, đối tượng còn lại đập tủ kính để lấy vàng. Khi anh Ninh hô hoán, chạy ra túm áo nghi phạm lấy vàng thì bị bắn 2 phát vào dưới ngực trái và đùi trái. Sau khi gây án, Đạt và Doanh bỏ xe máy lại, chạy bộ tẩu thoát khỏi hiện trường.

Vụ cướp tiệm vàng nổ súng bắn công an xã: Có thể xử lý tối đa 3 tội danh? - 1

Hai nghi phạm bị bắt giữ sau khoảng 8 giờ lẩn trốn (Ảnh: Công an Hải Dương).

Sau 8 giờ gây án, hai đối tượng bị bắt giữ. Qua khám xét, công an thu giữ 1 súng côn quay (trong súng có 5 viên đạn) và các đồ vật có liên quan đến vụ việc cướp tài sản.

Theo dõi hàng loạt hành vi manh động nêu trên, độc giả Dân trí đặt câu hỏi, hai đối tượng có thể đối diện những chế tài nào theo quy định của pháp luật?

Luật sư Nguyễn Minh Long (Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nhìn nhận, hành động của Đạt và Doanh thể hiện sự liều lĩnh, manh động. Vì nợ nần tiền bạc mà các đối tượng sẵn sàng đi cướp và nổ súng vào những người kháng cự. Đây là những hành vi nguy hiểm, không chỉ gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội mà còn xâm phạm tới tài sản, sức khỏe, thậm chí tính mạng của người khác. Do đó, hai đối tượng cần bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Vụ cướp tiệm vàng nổ súng bắn công an xã: Có thể xử lý tối đa 3 tội danh? - 2

Luật sư Nguyễn Minh Long (Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

Bình luận dưới góc độ pháp lý, luật sư nhìn nhận với hàng loạt hành vi như mua bán, sử dụng vũ khí; cướp tiệm vàng và nổ súng bắn anh Ninh, hai đối tượng có thể đối diện tối đa 3 tội danh được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể như sau:

Thứ nhất, trích dẫn Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, luật sư cho biết súng là vũ khí quân dụng bao gồm súng cầm tay (súng ngắn, súng trường, tiểu liên, trung liên, chống tăng, phóng lựu) và vũ khí hạng nhẹ (đại liên, súng cối, ĐKZ, súng máy phòng không).

Trong trường hợp này, vũ khí được Đạt và Doanh sử dụng là súng colt ổ xoay. Cơ quan chức năng sẽ tiến hành xác minh, đối chiếu với quy định của pháp luật để xác định chính xác khẩu súng này có thuộc nhóm súng cầm tay (súng ngắn) và được coi là vũ khí quân dụng hay không.

Nếu kết quả xác minh cho thấy đây là vũ khí quân dụng, trích dẫn quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015, luật sư nhìn nhận hành vi tàng trữ, sử dụng súng colt của 2 đối tượng có thể bị xử lý về tội Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Khung hình phạt áp dụng đối với tội danh này sẽ là 1-7 năm tù.

Vụ cướp tiệm vàng nổ súng bắn công an xã: Có thể xử lý tối đa 3 tội danh? - 3

Camera an ninh ghi lại cảnh 2 đối tượng xông vào cướp tiệm vàng Đức Nam (Ảnh cắt từ clip).

Thứ hai, hai đối tượng đã cùng nhau bàn bạc sắp xếp nhiệm vụ, một người cầm súng chĩa vào đe dọa anh Ninh, một người thực hiện hành vi đập vỡ tủ kính để lấy vàng. Như vậy, ngay từ khi bắt đầu thực hiện hành vi thì 2 đối tượng đã có động thái đe dọa dùng vũ lực nhằm làm cho anh Ninh không dám chống lại để chiếm đoạt tài sản. Nếu theo đúng những thông tin hiện có, 2 đối tượng này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cướp tài sản quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015.

Trước mắt, cơ quan chức năng cần kiểm đếm và quy đổi giá trị đối với số tài sản bị cướp. Đây sẽ là căn cứ mấu chốt để xác định tình tiết định khung trách nhiệm hình sự đối với hai đối tượng này.

Theo Điều 168 Bộ luật Hình sự, nếu giá trị tài sản bị cướp có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, khung hình phạt áp dụng là 7-15 năm. Trường hợp giá trị từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng, mức phạt là 12-20 năm tù còn nếu trên 500 triệu đồng, khung hình phạt sẽ là 18-20 năm tù hoặc tù chung thân.

Đối với trường hợp này, kể cả khi giá trị tài sản bị cướp dưới 50 triệu đồng nhưng với tình tiết định khung "sử dụng vũ khí, thủ đoạn hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác" quy định tại khoản 2, Điều 168 Bộ luật này, hai đối tượng vẫn sẽ đối diện khung hình phạt thấp nhất là 7-15 năm tù.

Thứ ba, theo thông tin hiện có thì sau khi anh Ninh chạy ra túm áo nghi phạm đang lấy vàng, đối tượng còn lại đã dùng súng bắn làm anh bị trúng 2 viên đạn, trong đó có một viên trúng ngực. Trường hợp này, luật sư Long đánh giá cơ quan chức năng cần củng cố lời khai, làm rõ ý chí chủ quan của đối tượng khi nổ súng là gì.

Nếu đối tượng chủ đích nổ súng nhằm tước đoạt mạng sống của anh Ninh, đây là hành vi có dấu hiệu của tội Giết người. Còn trong trường hợp vì khả năng bắn súng hạn chế và khoảng cách xa mà đối tượng không biết bắn vào đâu, chỉ bắn vì mục đích muốn cho đồng bọn có thể tẩu thoát thì tình tiết này có thể được coi là tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết định khung trong tội Cướp tài sản chứ không cấu thành một tội riêng biệt.

Hoàng Diệu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm