Tự trộm xe của chính mình, vì sao nam thanh niên bị bắt giữ?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, do chiếc xe đang được cầm cố nên chủ tiệm cầm đồ mới là người quản lý hợp pháp phương tiện. Việc Cường tự ý đột nhập, lấy lại xe là hành vi trộm cắp tài sản.

Theo Công an quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng), cuối tháng 7, Ngô Xuân Cường (21 tuổi, tạm trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cầm cố xe máy tại tiệm cầm đồ được 15 triệu đồng. Nam thanh niên sử dụng số tiền này để đầu tư nhưng thua lỗ nên nảy sinh ý định trộm lại xe máy từ tiệm cầm đồ. 

Rạng sáng 18/8, Cường đột nhập kho của tiệm cầm đồ, lấy trộm chiếc xe máy của mình cùng 2 xe máy khác. Tối cùng ngày, nghi phạm bị công an bắt giữ để điều tra hành vi trộm cắp tài sản. Theo công an, tổng giá trị 3 phương tiện bị trộm cắp là gần 200 triệu đồng. 

Từ sự việc trên, nhiều người đặt câu hỏi nếu Cường chỉ lấy trộm xe máy của mình, đây có phải hành vi trộm cắp tài sản hay không?. 

Tự trộm xe của chính mình, vì sao nam thanh niên bị bắt giữ? - 1

Ngô Xuân Cường (Ảnh: Công an cung cấp).

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Công ty Luật TGS, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự về tội Trộm cắp tài sản. Trong quy định này, cụm từ "người khác" là mấu chốt, khiến nhiều người băn khoăn về việc trộm cắp xe của chính mình.

Theo khoa học pháp lý, việc trộm cắp tài sản có thể hiểu là hành vi chuyển dịch trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Trên thực tế, hành vi này làm cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không thể thực hiện các quyền như chiếm hữu, sử dụng, định đoạt… đối với tài sản họ được giao quản lý. Đồng thời, các quyền này thuộc về người phạm tội và người này có thể thực hiện được các quyền này một cách trái pháp luật.

Đối với trường hợp trên, trên danh nghĩa thì chiếc xe là tài sản của Cường, nam thanh niên này có đầy đủ các quyền như chiếm hữu, sử dụng, định đoạt chiếc xe đó.

Tuy nhiên, do ở thời điểm xảy ra sự việc, chiếc xe đã được cầm cố để đảm bảo khoản vay nên về mặt pháp lý, hợp đồng cầm cố chiếc xe đang có hiệu lực. Điều này có nghĩa chủ tiệm cầm đồ khi đó mới là người quản lý hợp pháp, có quyền chiếm hữu đối với chiếc xe này.

Trong thời gian hợp đồng có hiệu lực, việc nam thanh niên đã tự ý đột nhập nhà kho để lấy chiếc xe là hành vi mang tính chất lén lút, bí mật, nhằm chiếm đoạt lại tài sản một cách bất hợp pháp. Bởi vậy, hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội Trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Do đó, dù có lấy trộm thêm 2 chiếc xe còn lại hay không, Cường vẫn bị xử lý hình sự về tội Trộm cắp tài sản. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm