Bài 25:
Vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại HACINCO: Văn phòng Chính phủ đốc thúc TP Hà Nội trả lời!
(Dân trí) - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn đốc thúc UBND TP Hà Nội khẩn trương xem xét xử lý và trả lời những kiến nghị liên quan vụ cổ phần hoá tại Công ty Hacinco để thông tin công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Trước đó, yêu cầu này của Văn phòng Chính phủ đã không được UBND TP Hà Nội thực hiện.
Liên quan đến vụ cổ phần hoá tại Công ty HACINCO, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn số 1445/VPCP-ĐMDN do Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp Hà Mạnh Ninh thừa lệnh Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký gửi UBND TP Hà Nội cho biết: Ngày 23/1/2017, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 664/VPCP-ĐMDN chuyển kiến nghị của Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội về việc nhanh chóng hoàn tất quá trình cổ phần hoá Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO) đến UBND TP Hà Nội để xem xét xử lý, trả lời Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội theo thẩm quyền, gửi Văn phòng Chính phủ để công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ trước ngày 9/2/2017.
Tuy nhiên, yêu cầu của Văn phòng Chính phủ đã không được UBND TP Hà Nội thực hiện.
Vì vậy, Văn phòng Chính phủ cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đề nghị UBND TP Hà Nội khẩn trương xem xét xử lý và trả lời Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội theo thẩm quyền, gửi Văn phòng Chính phủ để Công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Ngay sau khi Văn phòng Chính phủ ra công văn đốc thúc, ngày 28/2/2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 814/UBND-KT do ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký gửi Thanh tra thành phố và Sở Tài chính TP Hà Nội cho biết: UBND TP Hà Nội nhận được Công văn của Văn phòng Chính phủ về kiến nghị của Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội và đơn của Công ty cổ phần đầu tư NCX Hà Nội (một nhà đầu tư vào Công ty HACINCO bị xâm hại quyền lợi - PV). UBND TP Hà Nội chỉ đạo Thanh tra TP Hà Nội chủ trì cùng Sở Tài chính và đơn vị liên quan kiểm tra, đề xuất báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét giải quyết trước ngày 10/3.
Ngay sau khi Văn phòng Chính phủ ra công văn đốc thúc, ngày 28/2/2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 814/UBND-KT do ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký gửi Thanh tra thành phố và Sở Tài chính TP Hà Nội.
Vụ cổ phần hoá tại HACINCO đang là vụ việc được dư luận cả nước quan tâm. Đây là một vụ việc kéo dài, xâm hại trực tiếp đến quyền lợi của các nhà đầu tư hợp pháp. Trước chủ trương hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, các nhà đầu tư hợp pháp vào HACINCO vẫn đau đáu một niềm tin vụ việc sẽ được giải quyết đúng theo các quy định của pháp luật.
Để rộng đường dư luận và thông tin khách quan về vụ việc này, Báo Dân trí xin đăng tải công khai các nội dung kiến nghị của Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội và Công ty cổ phần đầu tư NCX Hà Nội đến bạn đọc.
Ngày 4/1/2017, Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đã có công văn số 05/CV-ĐHN do Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc ký gửi Văn phòng Chính phủ. Nội dung kiến nghị cụ thể như sau:
“Chúng tôi gửi Công văn này tới Quý cơ quan kính mong Quý cơ quan xem xét, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng hoàn tất quá trình cổ phần hóa HACINCO theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư và người lao động - những người đang bị xâm phạm quyền lợi nghiêm trọng bởi quá trình cổ phần hóa chậm trễ kéo dài hơn một thập kỷ gây ra.
Chúng tôi xin trình bày nội dung vụ việc như sau:
Ngày 29/10/2004, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 7252/QĐ-UB cho phép HACINCO triển khai cổ phần hóa. Ngày 29/9/2005, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 6680/QĐ-UB phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa của HACINCO với một số nội dung chính như sau: Thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa: 31/12/2004; Giá trị thực tế doanh nghiệp: 260.208.975.812 đồng; Giá trị thực tế vốn nhà nước: 7.189.588.114 đồng; Vốn điều lệ dự kiến: 50 tỷ đồng; Giá khởi điểm cổ phần chào bán: 10.000 đồng/1 cổ phần.
Ngày 25/10/2005, 23 nhà đầu tư đã mua cổ phần của HACINCO trong phiên đấu giá được tổ chức công khai tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội. 23 nhà đầu tư này đã thực hiện nghiêm túc quy trình, thủ tục mua cổ phần từ việc đăng ký tham gia cho đến việc đặt cọc, nộp phiếu tham dự đấu giá và thanh toán mua cổ phần theo đúng các quy định với tổng số tiền đã thanh toán là hơn 21 tỷ đồng.
Ngày 01 - 02/12/2005, HACINCO đã tiến hành Đại hội cổ đông lần đầu để thông qua Điều lệ, Phương án sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa và bầu Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát Công ty cổ phần. Tuy nhiên, do có nhiều sai phạm trong quá trình cổ phần hóa được chỉ ra nên việc cổ phần hoá HACINCO đã bị dừng lại. Cho đến ngày hôm nay, đã hơn 10 năm kể từ ngày Quyết định 7252/QĐ-UBB cho phép HACINCO cổ phần hóa được ban hành, HACINCO vẫn chưa hoàn thiện quá trình cổ phần hóa theo đúng quy định pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, những người lao động đã mua cổ phần tại HACINCO.
Việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa để chính thức chuyển HACINCO thành Công ty cổ phần là vấn đề phải giải quyết trên cơ sở các quy định của pháp luật và chủ trương cổ phần hóa của Đảng, Nhà nước ta để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư, những người lao động đã mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO.
Công văn kiến nghị xử lý vụ cổ phần hoá tại Công ty HACINCO theo đúng quy định pháp luật của Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội.
Thứ nhất, việc hoàn tất quá trình cổ phần hóa HACINCO là vấn đề cấp bách bởi lẽ:
Một là, quá trình cổ phần hóa HACINCO vi phạm nghiêm trọng quy định về tiến độ cổ phần hóa tại khoản 1 Mục VIII Thông tư 126/2004 ngày 24/12/2004 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về chuyển Công ty Nhà nước thành Công ty cổ phần (sau đây gọi tắt là Thông tư 126/2004/TT-BTC)
Theo quy định tại Nghị định số 187/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/12/2004 về chuyển Công ty Nhà nước thành Công ty cổ phần (sau đây gọi tắt là Nghị định 187/2004/NĐ-CP) và Khoản 1 Mục VIII Thông tư 126/2004/TT-BTC thì việc tiến hành cổ phần hóa kể từ khi xây dựng phương án, đến khi tổ chức bán cổ phần và hoàn tất việc chuyển doanh nghiệp thành Công ty cổ phần phải hoàn tất trong thời gian tối đa 9 tháng.
Thế nhưng trong vụ việc cổ phần hóa HACINCO, kể từ khi UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 7252/QĐ-UB ngày 29/10/2004 cho phép HACINCO triển khai cổ phần hóa đến nay đã hơn 10 năm nhưng quá trình cổ phần hóa vẫn chưa hoàn tất. Đây là một điều bất hợp lý bởi sau khi được phép triển khai cổ phần hóa, được phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa, ngày 25/10/2005, Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tổ chức phiên đấu giá cổ phần của HACINCO. Căn cứ Báo cáo tổng hợp kết quả bán đấu giá cổ phần, ngày 28/11/2005 Sở Tài chính Hà Nội có công văn số 4131/STC/TCDN-P2 đề nghị UBND TP xem xét điều chỉnh giảm vốn điều lệ tương ứng mệnh giá cổ phần không bán được là: 2.834.400.000 đồng. Ngày 30/11/2005 UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 7867/QĐ-UB điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ của HACINCO. Ngay sau đó, HACINCO đã tổ chức họp Đại hội cổ đông, bầu ra Hội đồng quản trị, chỉ còn chờ quyết định của UBND thành phố Hà Nội nữa là sẽ hoàn tất quá trình cổ phần hóa. Tuy nhiên, do có một số sai phạm như: chuyển nợ thành vốn góp sai quy định; tính trùng số năm công tác của người lao động... (theo Công văn số 4143/UBND-CN ngày 31/7/2007 của UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ), nên việc cổ phần hoá HACINCO đã bị dừng lại.
Quá trình cổ phần hóa tại HACINCO đã đi đến bước cuối cùng, dù thời gian tối đa chỉ có 09 tháng để hoàn tất quá trình cổ phần hóa thì con số 09 tháng ấy nay cũng đã trở nên quá nhỏ bé so với hơn một thập kỷ người lao động và các nhà đầu tư phải mòn mỏi chờ đợi được công nhận tư cách cổ đông của mình tại HACINCO. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần phải xem xét và kiên quyết giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại trong quá trình cổ phần hóa HACINCO để đảm bảo việc cổ phần hóa dứt điểm theo đúng quy định pháp luật. UBND TP Hà Nội cần phải đưa ra phương án xử lý tối ưu nhất, hợp pháp nhất để nhanh chóng hoàn tất quá trình cổ phần hóa HACINCO.
Hai là, HACINCO đang hoạt động là một Doanh nghiệp Nhà nước nhưng bản chất HACINCO là một Công ty cổ phần.
Suốt hơn một thập kỷ hoạt động dưới vỏ ngoài là Doanh nghiệp nhà nước, nhưng về bản chất HACINCO là Công ty cổ phần. Tỷ lệ vốn Nhà nước sở hữu tại HACINCO theo các Quyết định 6680/QĐ-UB ngày 29/9/2005 (9,11%); Quyết định 7867/QĐ-UB ngày 30/11/2005 (9,65%); Quyết định 1886/QĐ-UBND ngày 22/4/2010 (49,6%) chưa đủ để được coi là chi phối theo Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003, chưa đạt trên 50% vốn điều lệ theo Luật doanh nghiệp năm 2005, và càng không thể được coi là đã nắm giữ toàn bộ 100% vốn điều lệ theo Luật doanh nghiệp năm 2014. Do vậy, cổ phần của HACINCO từ khi được người lao động và các nhà đầu tư mua một cách hợp pháp vào năm 2005 đã chiếm đến gần 90% vốn điều lệ nên về bản chất, HACINCO không thể được coi là một doanh nghiệp Nhà nước nữa.
Mặc khác, theo Công văn số 5494/UB-TP ngày 24/11/2006 của UBND TP Hà Nội thì kể từ thời điểm ban hành Quyết định số 6680/QĐ-UB ngày 29/9/2005 phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa, hoạt động sản xuất kinh doanh tại HACINCO liên tục thua lỗ với số tiền lên tới 7.400 triệu đồng, vượt quá số vốn Nhà nước hiện có tại HACINCO (7.189 triệu đồng). Do vậy, từ năm 2005, HACINCO đã sử dụng toàn bộ số tiền trên 23 tỷ đồng (bao gồm: vốn cổ đông mua theo giá ưu đãi là 1.889.790.000 đồng và vốn cổ đông mua đấu giá trên sàn giao dịch là 21.884.770.000 đồng) của người lao động và các nhà đầu tư để sản xuất, kinh doanh thay vì gửi số tiền trên vào tài khoản của doanh nghiệp tại kho bạc nhà nước theo quy định pháp luật. Chính điều này đã giúp công ty đứng vững và phát triển, tạo nên những giá trị lợi nhuận to lớn và thương hiệu lớn mạnh cho HACINCO ngày nay.
HACINCO đang tồn tại với bản chất là Công ty cổ phần nhưng lại hoạt động dưới hình thức là doanh nghiệp nhà nước. Sự không rõ ràng này có thể đã tạo điều kiện để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ từ chối công nhận tư cách cổ đông của người lao động và các nhà đầu tư hợp pháp, khiến họ phải long đong, mòn mỏi chờ đợi suốt hơn một thập kỷ qua. Vì vậy, việc nhanh chóng cổ phần hóa HACINCO là rất cần thiết.
Ba là, quyền và lợi ích của những nhà đầu tư đã mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO bị xâm phạm nghiêm trọng.
Theo hồ sơ vụ việc thì thấy rõ các nhà đầu tư đã mua cổ phần tại HACINCO là những nhà đầu tư hợp pháp, thuộc đối tượng và điều kiện được mua cổ phần theo quy định tại Điều 4 Nghị định 187/2004/NĐ-CP và Điều 7 Quy chế đấu giá cổ phần lần đầu ra bên ngoài của HACINCO. Là những người đã quyết định đầu tư vào HACINCO, họ đã tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 15 Quy chế đấu giá, tiến hành mua cổ phần theo đúng trình tự, thủ tục từ việc đăng ký tham gia cho đến việc đặt cọc, nộp phiếu tham dự đấu giá và thanh toán mua cổ phần (điều này được khẳng định tại Công văn số 368/TTGDHN-BĐG ngày 09/4/2007 của Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội đã xác nhận danh sách 23 nhà đầu tư mua cổ phần của HACINCO là hợp pháp). Như vậy, cho đến thời điểm thanh toán xong tiền mua cổ phần, các nhà đầu tư đã chính thức thực hiện xong nghĩa vụ của mình và bắt đầu được hưởng các quyền lợi hợp pháp của những cổ đông trong doanh nghiệp được cổ phần hoá.
Vụ cổ phần hoá tại HACINCO đang được dư luận cả nước quan tâm.
HACINCO bản chất cũng không phải là doanh nghiệp Nhà nước nữa và cũng đã thừa nhận tư cách cổ đông của các nhà đầu tư và người lao động khi rút vốn của họ về để sử dụng sản xuất kinh doanh suốt hơn 10 năm qua.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm cổ phần hóa HACINCO vẫn chưa chính thức chuyển thành Công ty cổ phần. Các nhà đầu tư và những người lao động mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO chưa được hưởng bất cứ quyền lợi nào từ doanh nghiệp cổ phần hóa. Không chỉ vậy, sự chậm trễ trong việc cổ phần hóa HACINCO đã gây ra thiệt hại và rủi ro rất lớn cho các nhà đầu tư, từ cơ hội kinh doanh bị mất cho đến vấn đề lãi suất, trượt giá, quyền tham gia quản lý điều hành công ty, quyền được hưởng cổ tức và cả những rủi ro trong quá trình điều chỉnh chính sách, pháp luật về cổ phần hóa. Vì vậy, cần phải nhanh chóng hoàn tất quá trình cổ phần hóa tại HACINCO để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư đã mua cổ phần tại HACINCO.
Thứ hai, phải tiến hành cổ phần hóa HACINCO theo đúng quy định của pháp luật.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa HACINCO, ngày 01/9/2009, Thanh tra chính phủ đã ban hành Kết luận số 2125/KL-TTCP về việc thanh tra việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành Công ty cổ phần tại thành phố Hà Nội, trong đó kiến nghị đối với việc thực hiện cổ phần hóa HACINCO như sau:
“ - Chỉ đạo Ban đổi mới và PTDN và các Sở ngành xem xét những kiến nghị, vướng mắc tại các doanh nghiệp, kiến nghị biện pháp xử lý để UBND thành phố xem xét quyết định theo thẩm quyền; xem xét giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong việc cổ phần hóa tại Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội, theo hướng:
+ Chấp nhận việc chuyển nợ thành vốn góp khi thanh toán tiền mua cổ phần và công nhận kết quả bán cổ phần của công ty.
+ Giữ nguyên vốn điều lệ theo Quyết định số 7867/QĐ-UB là 47.168.600.000 đồng; chuyển 397.100.000 đồng từ cơ cấu vốn cổ đông mua ưu đãi sang vốn cổ đông mua đấu giá (số lượng cổ phần ưu đãi đã bán cho cán bộ công nhân viên khi cổ phần hóa khách sạn HACINCO năm 1998); công nhận kết quả Đại hội cổ đông lần thứ nhất ngày 02/12/2005 của công ty”.
Kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận số 2125/KL-TTCP ngày 01/9/2009 là không có cơ sở và trái với quy định của pháp luật. Về bản chất, không thể giữ nguyên vốn điều lệ như nội dung Quyết định 7867/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội vì nội dung Quyết định này bao gồm cả những cổ phần được phát hành không đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp của HACINCO, toàn bộ số cổ phần được chào bán sai quy định pháp luật (như chuyển nợ thành vốn góp sai quy định; tính trùng số năm công tác của người lao động; chưa nộp đủ tiền vào tài khoản phong toả tại kho bạc theo quy định...), bao gồm cổ phần ưu đãi và cổ phần bán đấu giá tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội, sẽ được coi là chưa bán hết và được xử lý theo quy định tại điểm 6.1 phần B, mục V Thông tư 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 187/2004/NĐ-CP quy định: “Trường hợp nhà đầu tư (bao gồm cả người lao động và nhà đầu tư chiến lược) không mua hết thì số cổ phần còn lại sẽ được bán tiếp cho các nhà đầu tư tham gia đấu giá…”. Trong trường hợp các nhà đầu tư tham gia đấu giá không mua hết số cổ phần bán ra thì thực hiện điều chỉnh quy mô vốn điều lệ và vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định tại điểm 6.2 phần B, mục V Thông tư 126/2004/TT-BTC.
Thêm vào đó, cũng không thể công nhận kết quả Đại hội cổ đông lần thứ nhất ngày 02/12/2005 của HACINCO vì Đại hội đồng cổ đông này được tiến hành không đúng quy định pháp luật, còn rất nhiều sai sót trong việc gửi Giấy triệu tập Đại hội và tài liệu không đảm bảo thời gian tối thiểu là 15 ngày theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 74 Luật doanh nghiệp 1999, sai sót trong việc lập danh sách cổ đông khi tiến hành Đại hội không đảm bảo về thời gian quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật doanh nghiệp năm 1999 (Những sai phạm này đã được UBND TP Hà Nội khẳng định tại Công văn số 1312/UBND-CN ngày 13/3/2007 gửi Thủ tướng chính phủ báo cáo việc thực hiện cổ phần hóa HACINCO). Quan trọng hơn, ngay cả trong trường hợp không xem xét đến sai phạm về việc gửi Giấy triệu tập Đại hội và việc lập danh sách cổ đông thì kết quả Đại hội đồng cổ đông của HACINCO cũng không thể được công nhận bởi nó được tiến hành với sự tham dự và biểu quyết của cả những nhà đầu tư mua cổ phần không hợp pháp, hợp lệ - những người chưa hoàn thành việc thanh toán tiền mua cổ phần, không đảm bảo tư cách cổ đông tại HACINCO, vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 70 Luật doanh nghiệp năm 1999 về Đại hội đồng cổ đông. (Sở Tài Chính Hà Nội đã rất nhiều lần kiến nghị hủy bỏ kết quả Đại hội cổ đông ngày 02/12/2005 của HACINCO tại Công văn số 441/STC/TCDN-P2 của Sở Tài Chính Hà Nội ngày 17/02/2006 gửi UBND TP Hà Nội và Ban Đổi mới phát triển doanh nghệp và Báo cáo số 847/BC-STC/TCDN của Sở Tài Chính Hà Nội ngày 20/3/2006 gửi UBND TP Hà Nội báo cáo về quá trình bán cổ phần và tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu tại HACINCO).
Kết luận của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận số 2125/KL-TTCP ngày 01/9/2009 là không có cơ sở và trái quy định của pháp luật. Vì vậy, dựa trên đề xuất, tham mưu của Sở Tài chính Hà Nội và Tổng công ty HANDICO, ngày 22/4/2010 UBND TP Hà Nội đã ban hành hành Quyết định 1886/QĐ-UBND về việc điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ, theo đó, cơ cấu vốn điều lệ có sự thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ vốn góp của nhà nước từ 9,11% lên 49,6% và Tổng Công ty HANDICO sẽ đầu tư thêm vốn thay thế các cổ phiếu không hợp lệ bị loại, theo như phương án đề xuất của Tổng Công ty HANDICO tại Công văn số 599/TCT-ĐTQLV ngày 29/05/2009. Tuy nhiên, Quyết định 1886/QĐ-UB có rất nhiều điểm bất hợp lý, trái quy định pháp luật, cụ thể:
Một là, việc tăng tỷ lệ cổ phần của nhà nước tại HACINCO theo nội dung Quyết định 1886/QĐ-UB là trái với hình thức cổ phần hóa được quy định tại Điều 3, Nghị định 187/2004/NĐ-CP; đi ngược lại với tinh thần cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 94/2005/QĐ-TTg ngày 05/5/2005 “Nhà nước giữ cổ phần ở mức thấp hoặc không giữ cổ phần” (điểm b, khoản 2, Chương I, Phân A, Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 94/2005/QĐ-TTg); trái với chủ trương của Đảng, Nhà nước tạo “sân chơi chung” bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước đều chịu sự điều chỉnh bởi Luật doanh nghiệp năm 2005, thay vì áp dụng theo một đạo luật riêng biệt như trước đây (Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003).
Hai là, việc Tổng Công ty HANDICO đầu tư thêm số tiền 17.360.450.000 đồng để tăng tỷ lệ cổ phần nhà nước như nội dụng Quyết định 1886/QĐ-UB là không phù hợp với thực tế và quy định pháp luật, bởi căn cứ theo quy định tại Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp (Ban hành kèm theo Quyết định số 76/2003/QĐ-BTC ngày 28/5/2003 của Bộ Tài chính) thì việc sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của Tổng Công ty HANDICO để thay thế cho những cổ phần chào bán sai quy định nhằm tăng tỷ lệ cổ phần nhà nước không thuộc nội dung hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp cổ phần hóa (theo quy định từ Điều 10 đến Điều 13). Hơn nữa, thực tế Tổng Công ty HANDICO đầu tư thêm số tiền 17.360.450.000 đồng cũng không phù hợp với thực tế khi HACINCO đã sử dụng số tiền trên 23 tỷ đồng của nhà đầu tư và người lao động suốt hơn 10 năm qua, thì chỉ cần áp theo mức lãi suất ngân hàng của số tiền trên 23 tỷ đồng đã là một số tiền “khủng” khi cộng dồn cả tiền gốc (theo Điều 1 Quyết định 1886/QĐ-UB) và tiền lãi của 10 năm, chứ không thể chỉ là một con số 17.360.450.000 đồng mà thôi.
Như vậy, có thể thấy, giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khắc phục sai phạm trong quy trình cổ phần hoá HACINCO của UBND TP Hà Nội đưa ra tại Quyết định 1886/QĐ-UBND là hoàn toàn không phù hợp với quy định pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư và người lao động.
Kính thưa Quý cơ quan!
Để giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế trong quá trình cổ phần hóa tại HACINCO, đảm bảo cân bằng quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động, các cơ quan ban ngành cần xem xét, quyết định điều chỉnh giảm vốn điều lệ tương ứng với số cổ phần không bán được, bán sai quy định để điều chỉnh giảm vốn điều lệ của HACINCO.
Việc điều chỉnh giảm vốn điều lệ về vốn thực góp là phù hợp với phương án cổ phần hóa ban đầu đã được phê duyệt tại Quyết định 6680/QĐ-UB ngày 29/9/2005, theo đó hình thức cổ phần hóa là “Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để thu hút vốn”; đúng theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 187/2004/NĐ-CP; phù hợp với tinh thần của Quyết định số 94/2005/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ: “Nhà nước giữ cổ phần ở mức thấp hoặc không giữ cổ phần”.
Cụ thể, vốn điều lệ của HACINCO cần được điều chỉnh về số vốn thực góp như sau:
Tổng vốn điều lệ: 28.328.160.000 đồng, trong đó:
+ Vốn góp của Nhà nước: 4.553.600.000 đồng; tương ứng 16.07% vốn điều lệ;
+ Vốn góp của cổ đông trong doanh nghiệp mua theo giá ưu đãi: 1.889.790.000 đồng, tương ứng 6.67 % vốn điều lệ;
+ Vốn của cổ đông mua đấu giá trên sàn giao dịch: 21.884.770.000 đồng, tương ứng 77.26 % vốn điều lệ.
Sau khi xử lý kết quả bán cổ phần đúng theo quy định pháp luật, UBND TP Hà Nội sẽ ban hành quyết định điều chỉnh quy mô và cơ cấu vốn điều lệ, làm cơ sở để HACINCO tổ chức Đại hội cổ đông theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và ra Quyết định công nhận HACINCO trở thành Công ty cổ phần.
Trên đây là những kiến nghị của chúng tôi liên quan đến vụ việc cổ phần hóa đã kéo dài hơn một thập kỷ tại HACINCO. Rất mong Quý cơ quan xem xét, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng hoàn tất việc cổ phần hóa HACINCO theo đúng quy định của pháp luật, để các nhà đầu tư và những người lao động đã cống hiến sức lực tại HACINCO không còn tiếp tục phải mòn mỏi trông đợi sau hơn 10 năm đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình”.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin diễn tiến sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế