Bài 10:

Vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại HACINCO: Sở Tài chính TP Hà Nội chính thức lên tiếng

(Dân trí) - Sau khi báo Dân trí đăng tải loạt bài cổ phần hoá tại HACINCO khiến 23 nhà đầu tư bỏ hơn 21 tỷ “tiền tươi” đi đuổi “vịt trời” suốt 10 năm, UBND TP Hà Nội đã liên tục ra văn bản chỉ đích danh Sở Tài chính TP Hà Nội phải chủ trì xử lý dứt điểm vụ việc. Mới đây nhất, Sở này có công văn hồi đáp đến báo Dân trí cho biết sẽ tập trung giải quyết khẩn trương.

Báo Dân trí vừa nhận được Công văn số 1837/STC-VP của Sở Tài chính TP Hà Nội cho biết: “Báo điên tử Dân trí đã có loạt bài cổ phần hoá tại Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco). Về nội dung này, Sở Tài chính TP Hà Nội đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn sở Sở tập trung phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu báo cáo UBND TP Hà Nội để giải quyết dứt điểm (theo văn bản chỉ đạo số 143/VP-KT ngày 1/3/2016 của Văn phòng UBND TP Hà Nội về việc giải quyết dứt điểm cổ phần hoá Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội)”.


Sở Tài chính TP Hà Nội chính thức lên tiếng khẳng định sẽ giải quyết dứt điểm vụ cổ phần hoá tại HACINCO sau khi UBND TP Hà Nội liên tục ra văn bản đốc thúc.

Sở Tài chính TP Hà Nội chính thức lên tiếng khẳng định sẽ giải quyết dứt điểm vụ cổ phần hoá tại HACINCO sau khi UBND TP Hà Nội liên tục ra văn bản đốc thúc.

Sở Tài chính TP Hà Nội cũng khẳng định sẽ thông báo kết quả giải quyết vụ việc tới báo Dân trí ngay sau khi vụ việc được giải quyết.

Theo luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội, để xảy ra tình trạng chậm trễ trong vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại HACINCO, một trong những đơn vị phải trách nhiệm chính là Sở Tài chính TP Hà Nội - với tư cách không chỉ là thành viên Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp. Sở Tài chính đã không thực hiện đúng trách nhiệm đã được phân công. Sở Tài chính cùng với các cơ quan liên quan có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ giám sát, đôn đốc HACINCO trong quá trình cổ phần hóa. Tuy nhiên, Sở Tài chính đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình, khiến cho quá trình cổ phần hóa tại HACINCO xảy ra quá nhiều sai phạm (như chuyển nợ thành vốn góp sai quy định; tính trùng số năm công tác của người lao động, chuyển nợ lương sai quy định... - theo Công văn số 4143/UBND-CN ngày 31/7/2007 của UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ).

“Do không thực hiện tốt trách nhiệm của mình nên đã để xảy ra những sai phạm trong quá trình cổ phần hóa tại HACINCO. Thế nhưng khi những sai phạm đó bị phát hiện, Sở Tài chính lại đưa ra phương án trái luật để trình UBND TP Hà Nội xem xét: tại Công văn số 441/STC/TCDN-P2 ngày 17/02/2006 đưa ra kiến nghị 3 phương án để xử lý đối với số cổ phần không bán hết tại HACINCO, trong đó có phương án 2 là giữ nguyên mức vốn điều lệ và tăng tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại công ty cổ phần. Trong khi phương án tăng tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại công ty cổ phần nếu được thực hiện sẽ là trái pháp luật”, luật sư Hồng phân tích.


Vụ cổ phần hoá vịt trời tại HACINCO khiến dư luận bức xúc.

Vụ cổ phần hoá "vịt trời" tại HACINCO khiến dư luận bức xúc.

Qua các thời kỳ, UBND TP Hà Nội đã luôn khẩn trương, quyết liệt và nghiêm túc chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp cùng các cơ quan liên quan để giải quyết dứt điểm cổ phần hóa tại HACINCO. Thế nhưng cho đến nay những tồn đọng của quá trình cổ phần hoá tại HACINCO dường như vẫn còn nguyên, và vẫn chưa có một câu trả lời hợp pháp, hợp lý, hợp tình cho sự ngóng đợi của những người lao động và của các nhà đầu tư đang sở hữu hợp pháp hơn 90% số cổ phần tại HACINCO, thông qua phiên đấu giá công khai từ 2015.

Vậy đâu là nguyên do của việc kéo dài tiến trình cổ phần hóa tại HACINCO? Để giải đáp được câu hỏi này, phải chăng chúng ta cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của Sở Tài chính trong việc liên tục có văn bản chỉ đạo của UBND TP Hà Nội nhưng cho đến nay những vướng mắc tồn tại vẫn chưa có lời giải đáp, khiến cho vụ việc cổ phần hóa HACINCO vẫn chưa có hồi kết?

Trước đó, Báo Dân trí nhận được Đơn kêu cứu của Công ty Cổ phần Đầu tư NCX Hà Nội - đại diện của 23 nhà đầu tư kêu cứu về sự chậm trễ trong quá trình cổ phần hóa Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO) đã xâm phạm nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư cũng như của người lao động trong doanh nghiệp.

Theo nội dung Đơn kêu cứu, ngày 29/10/2004, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 7252/QĐ-UB cho phép Công ty Đầu tư xây dựng số 2 (HACINCO) triển khai cổ phần hóa. Ngày 29/9/2005, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 6680/QĐ-UB phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa của HACINCO với một số nội dung chính như sau: Thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa: 31/12/2004; Giá trị thực tế doanh nghiệp: 260.208.975.812 đồng; Giá trị thực tế vốn nhà nước: 7.189.588.114 đồng; Vốn điều lệ dự kiến: 50 tỷ đồng; Giá khởi điểm cổ phần chào bán: 10.000 đồng/1 cổ phần.


Quyết định cổ phần hoá HACINCO đã được ký cách đây hơn 10 năm.

Quyết định cổ phần hoá HACINCO đã được ký cách đây hơn 10 năm.

Ngày 25/10/2005, 23 nhà đầu tư đã mua cổ phần của HACINCO trong phiên đấu giá được tổ chức công khai tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội. 23 nhà đầu tư này đã thực hiện nghiêm túc quy trình, thủ tục mua cổ phần từ việc đăng ký tham gia cho đến việc đặt cọc, nộp phiếu tham dự đấu giá và thanh toán mua cổ phần theo đúng các quy địnhvới tổng số tiền đã thanh toán là hơn 21 tỷ đồng.

Ngày 01 - 02/12/2005, HACINCO đã tiến hành Đại hội cổ đông lần đầu để thông qua Điều lệ, Phương án sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa và bầu Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát Công ty cổ phần. Tuy nhiên, 10 năm sau đó, đến tận ngày hôm nay, HACINCO vẫn chưa hoàn thiện quá trình cổ phần hóa theo đúng quy định pháp luật khiến 23 nhà đầu tư “chết mòn” trong vô vọng.

Không chỉ 23 nhà đầu tư bỏ hơn 21 tỷ “tiền tươi” đi đuổi “vịt trời” suốt 10 năm sau khi tham gia cổ phần hoá tại HACINCO mà chính những người lao động đã làm việc và mua cổ phần tại HACINCO thời điểm tiến hành cổ phần hoá cũng bị dồn vào “chân tường”.

Bao nhiêu năm tháng cống hiến, góp sức xây dựng Hacinco, thế nhưng khi cổ phần hóa, chính những người lao động đang làm việc tại công ty đã phải chuyển nợ lương, chuyển tiền quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi của mình thành cổ phần, thậm chí nhiều người đã phải bỏ tiền mặt để mua cổ phần của HACINCO. Thế nhưng những cổ phần ưu đãi dành cho họ, dường như đã quá “ưu ái” khi níu giữ “tiền mồ hôi, nước mắt của người lao động” tại HACINCO đến tận bây giờ? Đã hơn 10 năm dâu bể, quyền - lợi ích hợp pháp của người lao động đã mua cổ phần khi cổ phần hoá HACINCO vẫn chỉ là con số 0 tròn chĩnh, vì đâu?

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế