Bài 19:

Vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại HACINCO: Người lao động phải hứng chịu thiệt thòi như thế nào?

(Dân trí) - Ngoài những nhà đầu tư bỏ tiền mua cổ phần hóa tại Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO) để rồi đi đuổi vịt trời hơn 10 năm nay, người lao động cũng là những người bị dồn vào “chân tường” do sự chậm trễ trong quá trình cổ phần hóa HACINCO gây ra.

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội nhận định: Sự chậm trễ trong quá trình cổ phần hóa HACINCO không chỉ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư đã mua cổ phần tại HACINCO mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của những người lao động, cụ thể:

Thứ nhất, sự chậm trễ trong quá trình cổ phần hóa HACINCO đã gây ảnh hưởng tới cơ hội kinh doanh, tư cách cổ đông của những người lao động mà đáng lẽ họ được hưởng từ hơn 10 năm trước tại HACINCO.

Một là, sự chậm trễ trong quá trình cổ phần hóa HACINCO ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội kinh doanh của những người lao động đã mua cổ phần tại HACINCO.

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về chuyển Công ty Nhà nước thành Công ty cổ phần (sau đây gọi tắt là Nghị định 187/2004/NĐ-CP) về chính sách cổ phần ưu đãi: “Người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp tại thời điểm quyết định cổ phần hoá được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước với giá giảm 40 % so với giá đấu bình quân bán cho nhà đầu tư khác” những người lao động tại HACINCO đã tiến hành nộp tiền mua cổ phần theo đúng quy định của pháp luật với mong muốn trở thành những cổ đông, những người điều hành HACINCO sau khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, những sai phạm được chỉ ra khiến cho quá trình cổ phần hóa HACINCO bị dừng lại. Số tiền mà người lao động sử dụng để mua cổ phần theo đó cũng “bất động”, không thể sử dụng, không thể rút về để đầu tư trong suốt khoảng thời gian từ năm 2005 đến nay. Như vậy, có thể thấy rằng sự chậm trễ trong quá trình cổ phần hóa HACINCO đã ảnh hưởng trực tiếp tới cơ hội kinh doanh của những người lao động đã mua cổ phần tại HACINCO.


Luật sư Phan Thị Lam Hồng: Phải công nhận HACINCO là công ty cổ phần để đảm bảo quyền lợi của người lao động và các nhà đầu tư hợp pháp, gấp rút hoàn thiện các thủ tục để hoàn thành cổ phần hóa HACINCO.

Luật sư Phan Thị Lam Hồng: "Phải công nhận HACINCO là công ty cổ phần để đảm bảo quyền lợi của người lao động và các nhà đầu tư hợp pháp, gấp rút hoàn thiện các thủ tục để hoàn thành cổ phần hóa HACINCO".


Văn phòng Chính phủ yêu cầu xử lý dứt điểm vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại Hacinco.

Văn phòng Chính phủ yêu cầu xử lý dứt điểm vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại Hacinco.

Quá trình cổ phần hóa kéo dài hơn 10 năm, rõ ràng trái với quy định của pháp luật về tiến độ cổ phần hóa. Nhưng quan trọng hơn, số tiền mà người lao động đóng để mua cổ phần cũng đã hơn 10 năm vẫn cứ nằm im, không thể rút lại số tiền đã đóng, cũng không thể sử dụng, không thể làm tăng thêm giá trị, những cơ hội kinh doanh vì vậy cũng bị mất. Số tiền của người lao động đã đóng để mua cổ phần bao nhiêu năm như vậy sẽ được giải quyết như thế nào, quyền lợi của những người lao động có được bảo đảm không vẫn là một câu hỏi khi HACINCO chưa hoàn thành việc cổ phần hóa thì chưa có câu trả lời và người lao động cũng chỉ biết mòn mỏi chờ đợi.

Hai là, sự chậm trễ trong quá trình cổ phần hóa HACINCO ảnh hưởng đến tư cách cổ đông của người lao động tại HACINCO.

Sự chậm trễ trong quá trình cổ phần hóa HACINCO ảnh hưởng trực tiếp đến tư cách cổ đông của người lao động đã mua cổ phần tại HACINCO. Trước khi cổ phần hóa, mối quan hệ giữa người lao động và HACINCO là quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động. Sau khi mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO, người lao động đã trở thành những cổ đông, những người chủ có quyền điều hành doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Tuy nhiên, HACINCO tiến hành cổ phần hóa hơn 10 năm vẫn chưa hoàn tất nên quyền điều hành doanh nghiệp với tư cách cổ đông của người lao động không thể thực hiện.

Một trong những mục tiêu hướng đến của chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là tạo điều kiện cho người lao động được làm chủ doanh nghiệp mà họ đã gắn bó và cống hiến sức lực của mình (Phần 4 Mục III Nghị quyết hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước). Khi trở thành cổ đông chính thức trong doanh nghiệp, người lao động sẽ trở thành một trong những người chủ của doanh nghiệp. Tư cách và quyền lợi của họ đã thay đổi. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa kéo dài làm cho người lao động không thực hiện được quyền làm chủ của mình.Trên thực tế, họ vẫn là những người lao động mặc dù đã hoàn tất thủ tục để trở thành cổ đông của HACINCO. Pháp luật quy định sau khi cổ phần hóa họ sẽ trở thành cổ đông. Nhưng HACINCO chưa chính thức chuyển thành Công ty cổ phần thì tư cách cổ đông của họ vẫn chưa được công nhận và quyền lợi của một cổ đông vì thế không được thực hiện. Thời hạn cổ phần hóa đã được quy định tối đa là 09 tháng nhưng con số 09 tháng mà Nghị định 187/2004/NĐ-CP quy định đến nay đã trở nên quá nhỏ bé so với quá trình cổ phần hóa hơn một thập kỷ tại HACINCO. Quyền lợi của người lao động sẽ được bảo đảm như thế nào? Vấn đề liên quan đến quyền lợi khi cơ hội kinh doanh bị mất, vấn đề lãi suất, trượt giá, quyền tham gia quản lý điều hành công ty sẽ được giải quyết ra sao? Quyền lợi của người lao động khi đã mòn mỏi đấu tranh và chờ đợi hơn 10 năm nay phải được xem xét như thế nào mới là xứng đáng? Nếu như những người lao động không bị vướng vào “mớ bòng bong” cổ phần ưu đãi, nếu như người lao động tiến hành đầu tư vào một cơ hội kinh doanh khác thì quyền lợi của họ có long đong đến 10 năm trời như vậy không? Việc xem xét để nhanh chóng cổ phần hóa dứt điểm HACINCO cần phải được xem xét toàn diện để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Ba là, sự chậm trễ trong quá trình cổ phần hóa HACINCO ảnh hưởng đến quyền lợi của những người lao động dôi dư tại HACINCO sau khi cổ phần hóa.

Theo Báo cáo số 29/BC-TL ngày 12/02/2006 của HACINCO thì khi cổ phần hóa có khoảng 100 người lao động dôi dư. Căn cứ quy định tại Điều 9, Nghị định 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 thì HACINCO có trách nhiệm phải xây dựng phương án sắp xếp lao động, giải quyết chính sách, chế độ đối với những người lao động dôi dư này. Tuy nhiên, tiến trình cổ phần hóa dang dở hơn 10 năm nay tại HACINCO đã khiến quyền lợi về trợ cấp mất việc làm, trợ cấp tiền lương, ưu đãi về bảo hiểm xã hội, hỗ trợ học nghề, tìm việc làm... đối với khoảng 100 người lao động dôi dư theo quy định từ Điều 3 đến Điều 6 Nghị định số 41/2002/NĐ-CP không được đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, Quyết định 1886/QĐ-UB ngày 22/04/2010 của UBND TP Hà Nội ảnh hưởng đến quyền tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp và tỷ lệ hưởng cổ tức của người lao động.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa HACINCO, ngày 01/9/2009, Thanh tra chính phủ đã ban hành Kết luận số 2125/KL-TTCP về việc thanh tra việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành Công ty cổ phần tại thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, kiến nghị giữ nguyên vốn điều lệ theo Quyết định số 7867/QĐ-UB và công nhận kết quả Đại hội cổ đông lần thứ nhất ngày 02/12/2005 của HACINCO tại Kết luận thanh tra nêu trên là không có cơ sở và trái với quy định của pháp luật. Có thể thấy rằng, không thể giữ nguyên vốn Điều lệ theo nội dung Quyết định 7867/QĐ-UB vì Quyết định này bao gồm cả những cổ phần được phát hành không đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, không thể công nhận kết quả Đại hội đồng cổ đông ngày 02/12/2005 của HACINCO vì Đại hội được tiến hành với sự tham dự và biểu quyết của cả những nhà đầu tư mua cổ phần không hợp pháp, hợp lệ - những người chưa hoàn thành việc thanh toán tiền mua cổ phần, không đảm bảo tư cách cổ đông HACINCO.


23 nhà đầu tư đã thanh toán hơn 21 tỷ đồng cho một công ty thuộc quản lý của UBND TP Hà Nội nhưng suốt 10 năm đã bị ém nhẹm trái pháp luật.

23 nhà đầu tư đã thanh toán hơn 21 tỷ đồng cho một công ty thuộc quản lý của UBND TP Hà Nội nhưng suốt 10 năm đã bị "ém nhẹm" trái pháp luật.

Ngày 22/04/2010, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 1886/QĐ-UB như một giải pháp để xử lý đối với những cổ phần chào bán sai quy định pháp luật và hoàn tất quá trình cổ phần hóa HACINCO. Tuy nhiên, Quyết định 1886/QĐ-UB là trái quy định pháp luật và nếu được thực hiện sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến quyền lợi của người lao động đã mua cổ phần tại HACINCO bởi:

Trong trường hợp giữ nguyên vốn điều lệ tại HACINCO là: 47.168.600.000 đồng theo nội dung Quyết định 1886/QĐ-UB thì tỷ lệ vốn của các cổ đông là người lao động sẽ chỉ chiếm 4,0% vốn điều lệ trong cơ cấu vốn điều lệ HACINCO, giảm 7,85% so với tỷ lệ vốn trong Quyết định 7867/QĐ-UB và giảm 2,67% so với tỷ lệ vốn trong trường hợp điều chỉnh vốn điều lệ HACINCO về số vốn thực góp (sau khi đã loại trừ đi số cổ phần được bán sai quy định pháp luật). Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa vì tỷ lệ cổ phần của họ đã giảm, quyền biểu quyết và tỷ lệ cổ tức họ được hưởng theo đó cũng giảm, cụ thể:

Một là, Quyết định 1886/QĐ-UB ảnh hưởng trực tiếp đến quyền quản lý, điều hành doanh nghiệp sau cổ phần hóa của người lao động.

Về bản chất, người lao động khi bỏ tiền mua cổ phần tại HACINCO một cách hợp pháp thì họ phải được công nhận tư cách cổ đông và được quản lý, điều hành, được kiểm soát quá trình hoạt động kinh doanh của HACINCO. Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ như nội dung Quyết định 1886/QĐ-UB là không phù hợp với mục tiêu cổ phần hóa: “…tạo động lực mạnh mẽ và cơ chế quản lý năng động, có hiệu quả cho doanh nghiệp nhà nước; phát huy vai trò làm chủ thực sự của người lao động, của cổ đông và tăng cường sự giám sát của xã hội đối với doanh nghiệp…” được chỉ đạo tại phần 4 mục III Nghị quyết hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.

Việc tăng tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ như nội dung Quyết định 1886/QĐ-UB sẽ không làm thay đổi căn bản quyền điều hành, quản lý doanh nghiệp so với trước khi cổ phần hóa. Bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp sẽ vẫn là bộ máy cũ với cơ chế quản lý kinh doanh, tư duy kinh doanh của những con người cũ. Vậy không có gì đảm bảo HACINCO sẽ hoạt động hiệu quả hơn trước. Mục đích của việc cổ phần hóa để đổi mới, phát huy năng lực làm chủ của xã hội, của các nhà đầu tư sẽ không đạt được. Rõ ràng việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước như nội dung Quyết định 1886/QĐ-UB ảnh hưởng đến quyền quản lý, điều hành doanh nghiệp sau cổ phần hóa của người lao động.

Hai là, Quyết định 1886/QĐ-UB ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ hưởng cổ tức của những người lao động.

Cần phải khẳng định lại rằng, khi những người lao động tiến hành mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO thì họ cũng trở thành cổ đông của HACINCO. Việc tăng tỷ lệ vốn của Nhà nước trong cơ cấu vốn điều lệ làm tăng tỷ lệ cổ tức Nhà nước nhận được khi doanh nghiệp làm ăn có lãi từ đó làm giảm tỷ lệ cổ tức mà người lao động được hưởng do tỷ lệ vốn của họ giảm. Như vậy, việc tăng tỷ lệ cổ tức nhà nước nhận được chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyền hưởng cổ tức của người lao động nói riêng và của các nhà đầu tư nói chung.

Ngoài ra, việc tăng tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở mức cao như trong Quyết định 1886/QĐ-UB còn ảnh hưởng đến quyền hưởng cổ tức của những người lao động bởi: Nếu như những nhà đầu tư nói chung và người lao động nói riêng được nắm giữ quyền quản lý, điều hành doanh nghiệp đúng như tinh thần của Nghị quyết hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX thì họ sẽ phát huy được tối đa quyền làm chủ, tư duy làm chủ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Khi Nhà nước vẫn giữ cổ phần với tỷ lệ cao như trong Quyết định 1886/QĐ-UB thì người lao động, các nhà đầu tư không còn được trực tiếp, tự chủ tổ chức kinh doanh trong hoạt động của doanh nghiệp. Việc kinh doanh không được tiến hành theo hướng chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm sẽ không phát huy được hết năng lực của người lao động và các nhà đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh có thể sẽ không đạt được những chuyển biến mạnh mẽ, từ đó quyền lợi của người lao động được hưởng cũng thấp hơn.

Luật sư Lam Hồng nhấn mạnh: Nếu như một trong những yêu cầu của cổ phần hóa doanh nghiệp là đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp thì trong vụ việc cổ phần hóa tại HACINCO, quyền lợi hợp pháp của người lao động đã bị xâm phạm hơn 10 năm. Các cơ quan có thẩm quyền, nhất là cơ quan đã quyết định cổ phần hóa HACINCO phải xem xét đầy đủ, toàn diện quá trình cổ phần hóa HACINCO, phải nhanh chóng tiến hành cổ phần hóa HACINCO theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những người lao động đã bị “ngâm tôm” tại HACINCO trong hơn một thập kỷ qua.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Anh Thế (thực hiện)