Bài 38:

Vụ cổ phần hoá tai tiếng tại HACINCO: Mấu chốt sai phạm nằm ở đâu?

(Dân trí) - Vì sao các nhà đầu tư hợp pháp trong quá trình cổ phần hoá tại Công ty HACINCO bức xúc trước kiến nghị chấp nhận chuyển nợ thành vốn góp cổ phần? Đây có phải là mấu chốt sai phạm dẫn đến những hệ luỵ khiến vụ cổ phần hoá này đến nay vẫn chưa thể thực hiện dứt điểm?

Trở lại với vụ việc cổ phần hóa tại Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO), có một câu chuyện hi hữu có lẽ chỉ có thể xảy ra tại HACINCO đó là: Nguyên Giám đốc HACINCO - ông Nguyễn Chí Sỹ đã có một loạt những sai phạm trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, được các cơ quan chuyên môn khẳng định cũng như được công an thành phố Hà Nội kết luận và kiến nghị xử lý thế nhưng sau đó những sai phạm của vị Giám đốc này lại được Thanh tra Chính phủ kiến nghị chấp thuận. Điều này không khỏi khiến dư luận đặt câu hỏi về những ẩn khuất phía sau vụ việc cổ phần hóa 10 năm vẫn chưa xong này.


Vụ cổ phần hoá tại HACINCO đang được dư luận cả nước quan tâm.

Vụ cổ phần hoá tại HACINCO đang được dư luận cả nước quan tâm.

Trên thực tế, các nhà đầu tư và những người lao động mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO từ năm 2005 đã từng tràn đầy hi vọng về một phương án cổ phần hóa đúng pháp luật bởi phương án thứ hai: Thực hiện điều chỉnh quy mô vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ theo giá trị thực tế góp vốn của các nhà đầu tư hợp pháp” đã được Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đề xuất tại Báo cáo số 410/BC – BCS ngày 10/11/2016 báo cáo Thường trực thành uỷ Hà Nội về quá trình thực hiện cổ phần hóa và đề xuất phương án xử lý tồn tại vướng mắc để chuyển HACINCO thành Công ty cổ phần. Thế nhưng, hi vọng đó đã vụt tắt bởi ngày 08/02/2017, UBND TP Hà Nội ban hành Công văn số 440/UBND-KT về việc triển khai thực hiện chuyển HACINCO thành Công ty cổ phần theo phương án được Thanh tra Chính phủ nêu ra tại Kết luận số 2125/KL-TTCP ngày 01/9/2009.

Điều đáng lưu ý là Kết luận số 2125/KL-TTCP chứa đựng một số nội dung trái pháp luật, khiến các nhà đầu tư hợp pháp vô cùng bức xúc, đặc biệt là kiến nghị về việc: “…Chấp nhận việc chuyển nợ thành vốn góp khi thanh toán tiền mua cổ phần và công nhận kết quả bán cổ phần của công ty…”.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Vũ Hồng Thanh - Trưởng Văn phòng luật sư Thanh Vũ nhận định: Quá trình cổ phần hóa HACINCO đã tồn tại nhiều sai phạm, đặc biệt là sai phạm trong việc chuyển nợ thành vốn góp mua cổ phần. Việc chấp nhận sai phạm này của HACINCO không chỉ hết sức bất hợp lý, làm mất niềm tin từ phía các nhà đầu tư mà còn gây ra những hệ lụy khôn lường đối với việc tuân thủ pháp luật khi thực hiện chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất, quá trình chuyển nợ thành vốn góp của HACINCO rõ ràng là trái pháp luật nên không thể được chấp nhận.

Quá trình chuyển nợ thành vốn góp của HACINCO được diễn ra như sau: Ngày 17/10/2005, Công ty chứng khoán Bảo Việt nhận được công văn ngày 06/10/2005 của HACINCO đề nghị chuyển đổi nợ thành vốn góp của một số nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá mua cổ phần. Ngày 18/10/2005, Công ty chứng khoán Bảo Việt đề xuất phương án với Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc đăng ký tham gia đấu giá mua cổ phần của HACINCO theo hình thức chuyển nợ thành vốn góp. Ngày 19/10/2005, Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội hướng dẫn Công ty chứng khoán Bảo Việt, theo đó đề nghị Công ty Chứng khoán Bảo Việt hướng dẫn phương án chuyển nợ vay thành vốn góp cho những nhà đầu tư đồng thời là chủ nợ tham gia đấu giá. Ngày 19/10/2005, Công ty chứng khoán Bảo Việt gửi công văn đến HACINCO cho rằng Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội đã chấp thuận việc nhà đầu tư tham gia giao dịch chuyển nợ thành vốn góp.

Khi tiến hành bán đấu giá cổ phần tại HACINCO, 23 nhà đầu tư đã thanh toán đầy đủ tiền mua cổ phần theo đúng quy định, 01 nhà đầu tư vừa thanh toán tiền ở Trung tâm giao dịch chứng khoán, vừa thanh toán tiền tại HACINCO để mua 200.000 cổ phần, có một số nhà đầu tư không nộp tiền mua cổ phần theo thông báo kết quả đấu giá và đề nghị được chuyển nợ thành vốn góp đối với 1.506.500 cổ phần.

Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điều 9 Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về việc chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần:“Các doanh nghiệp cổ phần hoá có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan chủ động xử lý theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật những tồn tại về tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá và trong quá trình cổ phần hóa. Trường hợp có vướng mắc hoặc vượt quá thẩm quyền thì doanh nghiệp cổ phần hoá phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết…” và quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 40 Nghị định 187/2004/NĐ-CP: “Hội đồng quản trị các tổng công ty nhà nước có trách nhiệm: chỉ đạo các công ty thành viên: xử lý các vấn đề tài chính…lập phương án cổ phần hoá trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; xử lý các tồn tại về tài chính của doanh nghiệp cổ phần hoá theo thẩm quyền” thì trong trường hợp có vướng mắc về vấn đề chuyển nợ thành vốn góp, HACINCO phải báo cáo với cơ quan cấp trên là Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội và Ban đổi mới phát triển doanh nghiệp thuộc UBND TP Hà Nội giải quyết.

Vụ cổ phần hoá tai tiếng tại HACINCO: Mấu chốt sai phạm nằm ở đâu? - 2
Vụ cổ phần hoá tai tiếng tại HACINCO: Mấu chốt sai phạm nằm ở đâu? - 3

Báo cáo của Công an TP Hà Nội chỉ ra rõ các sai phạm và trách nhiệm thuộc về giám đốc công ty.

Báo cáo của Công an TP Hà Nội chỉ ra rõ các sai phạm và trách nhiệm thuộc về giám đốc công ty.

Về nguyên tắc, việc chuyển nợ thành vốn góp ngoài sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và chủ nợ (theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 187/2004/NĐ-CP) còn phải được sự đồng ý của Hội đồng quản trị Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội. Ở đây, Công ty chứng khoán Bảo Việt và Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội không có thẩm quyền giải quyết việc chuyển nợ thành vốn góp nên việc Công ty chứng khoán Bảo Việt và Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội giải quyết là vi phạm quy định pháp luật.

Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển Công ty Nhà nước thành Công ty cổ phần và điểm e khoản 1.3 mục B Thông tư số 126/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 187/2004/NĐ-CP thì các nhà đầu tư được phép chuyển số dư nợ đang cho doanh nghiệp vay thành vốn góp cổ phần, tuy nhiên việc chuyển dư nợ vay thành vốn góp phải đảm bảo đúng quy định hiện hành của Nhà nước như: Có hợp đồng hoặc khế ước vay; có số dư nợ tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa và tại thời điểm đề nghị chuyển nợ vay thành vốn góp; số tiền đề nghị chuyển nợ vay thành vốn góp cổ phần tối đa bằng số dư nợ vay và tiền mua cổ phần phải thanh toán theo kết quả đấu giá.

Thế nhưng, phương án chuyển nợ vay thành vốn góp cổ phần không được HACINCO xây dựng trong phương án cổ phần hóa trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. HACINCO đã tự ý lập hồ sơ đề nghị chuyển nợ đối với những người không có số dư nợ vay hoặc số đề nghị chuyển nợ lớn hơn số tiền dư nợ cho công ty vay để mua cổ phần theo kết quả đấu giá. Hậu quả là 1.506.500 cổ phần tương ứng với số tiền: 15.060.500.000 đồng không đủ điều kiện chuyển nợ thành vốn góp cổ phần theo quy định pháp luật do không có số dư nợ tại Công ty tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp hoặc số tiền đề nghị chuyển nợ vay thành vốn góp lớn hơn so với số dư nợ vay.

Sai phạm này của HACINCO đã được khẳng định tại rất nhiều văn bản của các cơ quan có thẩm quyền: Công văn số 5494/UBND-CN gửi đồng chí Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội báo cáo việc thực hiện cổ phần HACINCO ngày 24/11/2006, Công văn số 1312/UBND-CN ngày 13/3/2007 của UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo việc thực hiện cổ phần hóa HACINCO, Báo cáo số 847/BC-STC/TCDN ngày 20/3/2006 của Sở Tài Chính thành phố Hà Nội gửi UBND thành phố Hà Nội về quá trình cổ phần hóa HACINCO….Cụ thể, tại điểm a Mục 1 Công văn số 1312/UBND-CN gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo việc thực hiện cổ phần hóa HACINCO, UBND TP Hà Nội đã khẳng định:

“a) Những sai phạm của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 trong quá trình cổ phần hóa:

…Thứ hai: Thực hiện chuyển nợ vay thành vốn góp cổ phần không đúng quy định, cụ thể như sau:

- Phương án chuyển nợ vay thành vốn góp cổ phần không được HACINCO xây dựng trong phương án cổ phần hóa trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Tự ý thực hiện chuyển nợ thành vốn góp cho một số đơn vị, cá nhân và việc chuyển nợ có sai sót lớn…”

Như vậy, rõ ràng việc chuyển nợ thành vốn góp cổ phần của một số nhà đầu tư trong quá trình cổ phần hóa HACINCO đã không tuân thủ quy định của pháp luật nên những sai phạm này không thể được chấp nhận.

Thứ hai, sai phạm trong quá trình chuyển nợ thành vốn góp của HACINCO thuộc về trách nhiệm của ông Nguyễn Chí Sỹ - nguyên Giám đốc HACINCO nhưng ông Sỹ không khắc phục những sai phạm đó mà còn tiếp tục kiến nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận những sai phạm của mình là vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư và những người lao động đã mua cổ phần hợp pháp, khiến họ vô cùng bức xúc.

Trong vụ việc này, có thể thấy rằng ông Nguyễn Chí Sỹ - nguyên Giám đốc HACINCO phải chịu trách nhiệm đối với sai phạm trong quá trình chuyển nợ thành vốn góp để cổ phần hóa doanh nghiệp bởi:

Ông Nguyễn Chí Sỹ đã có sai phạm trong việc không thực hiện đúng các quy định về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, cụ thể là sai phạm trong việc không thực hiện đúng phương án cổ phần hóa của doanh nghiệp đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định 6680/QĐ-UB ngày 29/9/2005 của UBND thành phố Hà Nội, cụ thể: UBND thành phố Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền quyết định cổ phần hóa HACINCO không phê duyệt bất cứ phương án nào với nội dung chấp nhận việc chuyển nợ thành vốn góp cổ phần đối với các nhà đầu tư tại HACINCO.

Ngoài ra, như đã phân tích ở trên, căn cứ theo quy định tại Điều 9 Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 và quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định 187/2004/NĐ-CP về trách nhiệm của Hội đồng quản trị các Tổng công ty Nhà nước thì trong trường hợp doanh nghiệp muốn thực hiện phương án chuyển nợ thành vốn góp mua cổ phần của các nhà đầu tư, ông Nguyễn Chí Sỹ - với tư cách là Giám đốc HACINCO đồng thời là Trưởng Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp HACINCO cần phải báo cáo và được sự chấp thuận của Hội đồng quản trị Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (HANDICO), Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp thành phố Hà Nội và UBND thành phố Hà Nội.

Vụ cổ phần hoá tai tiếng tại HACINCO: Mấu chốt sai phạm nằm ở đâu? - 5

Ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO) ký thông báo về việc hợp tác đầu tư, quản lý và khai thác khách sạn Thể thao với Công ty TNHH du lịch và dịch vụ A&T Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO) ký thông báo về việc hợp tác đầu tư, quản lý và khai thác khách sạn Thể thao với Công ty TNHH du lịch và dịch vụ A&T Việt Nam.

Việc ông Nguyễn Chí Sỹ gửi Công văn số 91/CV-TCKT ngày 06/10/2005 cho Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt đề nghị cho chuyển nợ thành vốn góp cổ phần mà không báo cáo Tổng công ty HANDICO, Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp thành phố Hà Nội cũng như UBND thành phố Hà Nội khi rõ ràng phương án này không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt là không đúng quy định pháp luật.

Sai phạm này của ông Nguyễn Chí Sỹ là mấu chốt khiến cho quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp này bị chậm tiến độ, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp, xâm phạm đến quyền lợi của các nhà đầu tư và những người lao động đã mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO. Rõ ràng ông Nguyễn Chí Sỹ - nguyên Giám đốc HACINCO là người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về vấn đề này.

Thế nhưng, điều khiến các nhà đầu tư và những người lao động đã mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO bức xúc hơn đó là việc ông Nguyễn Chí Sỹ không khắc phục những sai phạm của chính mình đã được chỉ rõ mà còn tiếp tục kiến nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận những sai phạm đó, cụ thể:

Căn cứ vào chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội tại văn bản số 03/VP-KT ngày 03/01/2006, Sở Tài chính đã phối hợp với các đơn vị có liên quan để kiểm tra, rà soát lại quá trình cổ phần hóa tại HACINCO. Quá trình rà soát đã phát hiện nhiều sai phạm của doanh nghiệp như: sai phạm về thu tiền bán đấu giá cổ phần và chuyển nợ thành vốn góp cổ phần; sai phạm về quản lý tiền thu bán đấu giá cổ phần; sai phạm trong việc tính toán thời gian công tác để tính ưu đãi khi mua cổ phần lần đầu… Những sai phạm này của HACINCO đã được rất nhiều các cơ quan ban ngành kết luận, cụ thể: Công văn số 441/STC/TCDN-P2 ngày 17/02/2006 của Sở Tài Chính gửi UBND thành phố Hà Nội; Báo cáo số 440/BC/CAHN-PC15(Đ1) ngày 18/4/2006 của Công an thành phố Hà Nội gửi Đồng chí Nguyễn Thế Quang – Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội – Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp về việc xử lý vi phạm trong chuyển đổi cổ phần hóa; Công văn số 1312/UBND-CN ngày 13/3/2007 của UBND thành phố Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo việc thực hiện cổ phần hóa HACINCO…

Với tư cách là Giám đốc HACINCO cũng như Trưởng Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp tại HACINCO, hơn ai hết ông Nguyễn Chí Sỹ có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật khi cổ phần hóa doanh nghiệp này. Lẽ ra, khi quá trình chuyển nợ thành vốn góp cổ phần đã có sai phạm được các cơ quan có thẩm quyền chỉ rõ, ông Sỹ có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị, ban ngành để khắc phục các sai phạm của doanh nghiệp. Thế nhưng, ông Sỹ không những không nhận thức và kiểm điểm về sai phạm của mình mà còn cố tình kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền bỏ qua các sai sót trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, những người lao động đã mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO. Tại Báo cáo số 4834/STC-TCDN ngày 16/11/2006, Sở Tài chính cũng khẳng định: “…Công ty Đầu tư xây dựng số 2 vẫn không nhận thức đầy đủ về cơ chế chính sách hiện hành, nhiều lần có văn bản đề nghị UBND thành phố và các cấp ngành công nhận tình hình thực tế tại Công ty, bỏ qua các sai sót không xử lý theo quy định mà chỉ rút kinh nghiệm là không phù hợp…”

Nghiêm trọng hơn, khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc và ban hành Kết luận số 2125/KL-TTCP ngày 01/09/2009 về thanh tra việc chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần tại Hà Nội trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp nhận những sai phạm của HACINCO trong việc chuyển nợ thành vốn góp thì ông Nguyễn Chí Sỹ lại đến Ban Tiếp công dân Trung ương đề nghị chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội thực hiện Kết luận 2125/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ (theo Công văn số 2981/TTCP-BTCDTW ngày 10/11/2016 của Thanh tra Chính phủ gửi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội). Có thể thấy, ông Nguyễn Chí Sỹ đã quyết tâm bảo vệ đến cùng những sai phạm của mình trong quá trình cổ phần hóa HACINCO, điều này không chỉ khiến quá trình cổ phần hóa tiếp tục rơi vào bế tắc mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến quyền – lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư hợp pháp tại HACINCO.

Trong khi Đảng và Nhà nước ta đang hết sức nỗ lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước thì việc chấp thuận sai phạm trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp như trường hợp tại HACINCO sẽ tạo tiền lệ xấu, có thể sẽ mở đường cho những sai phạm của các doanh nghiệp cổ phần hóa tiếp theo. Vì vậy cần phải đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, xử lý nghiêm minh những cá nhân làm sai để quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm