Bài 24:

Hệ luỵ khôn lường nếu chọn phương án cổ phần hoá tại HACINCO phạm luật?

(Dân trí) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành công văn số 440/UBND-KT do ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch ký quyết định phương án cổ phần hoá tại HACINCO. Tuy nhiên, luật sư Vũ Hồng Thanh cho rằng phương án xử lý này không đúng theo các quy định của pháp luật và hệ luỵ sẽ khôn lường.

Trở lại với vụ việc cổ phần hóa Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO), Công văn số 440/UBND-KT ngày 08/02/2017 đã thể hiện việc UBND TP Hà Nội chính thức chỉ đạo việc cổ phần hóa doanh nghiệp này theo những nội dung trong Kết luận số 2125/KL-TTCP ngày 01/9/2009 của Thanh tra Chính phủ, cụ thể:

“+ Chấp nhận việc chuyển nợ thành vốn góp khi thanh toán tiền mua cổ phần và công nhận kết quả bán cổ phần của công ty.

+ Giữ nguyên vốn điều lệ theo Quyết định số 7867/QĐ-UB là 47.168.600.000 đồng; chuyển 397.100.000 đồng từ cơ cấu vốn cổ đông mua ưu đãi sang vốn cổ đông mua đấu giá (số lượng cổ phần ưu đãi đã bán cho cán bộ công nhân viên khi cổ phần hóa khách sạn HACINCO năm 1998); công nhận kết quả Đại hội cổ đông lần thứ nhất ngày 02/12/2005 của công ty”.

Chỉ đạo này của UBND TP Hà Nội khiến cho các nhà đầu tư, những người lao động, các chuyên gia pháp lý, các đơn vị có liên quan hết sức bất ngờ, không chỉ vì phương án cổ phần hóa theo nội dung Kết luận số 2125/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ là trái pháp luật, mà đây còn là phương án đã được chính UBND TP Hà Nội phân tích, chỉ ra rất nhiều tồn tại, hạn chế, trái với chính sách, pháp luật, trái với chủ trương, quan điểm pháp lý của của các Bộ, Ban ngành (Công văn 830/UBND-KT ngày 29/01/2011 của UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ)

Nếu phương án cổ phần hóa HACINCO vẫn được UBND TP Hà Nội chỉ đạo, thực hiện theo theo Kết luận số 2125/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ thì hệ lụy của của nó đối với sự tôn nghiêm của pháp luật, đối với môi trường đầu tư, kinh doanh và quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. PV Báo Điện tử Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Vũ Hồng Thanh - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội để làm rõ những vấn đề pháp lý.

Hệ luỵ khôn lường nếu chọn phương án cổ phần hoá tại HACINCO phạm luật? - 1
Hệ luỵ khôn lường nếu chọn phương án cổ phần hoá tại HACINCO phạm luật? - 2

Phương án xử lý vụ cổ phần hoá tại HACINCO của UBND TP Hà Nội dược luật sư Vũ Hồng Thanh nhận định rằng không đúng các quy định của pháp luật.

Phương án xử lý vụ cổ phần hoá tại HACINCO của UBND TP Hà Nội dược luật sư Vũ Hồng Thanh nhận định rằng không đúng các quy định của pháp luật.

Luật sư Thanh nhận định: Phương án cổ phần hóa HACINCO được UBND TP Hà Nội chỉ đạo tại Công văn 440/UBND-KT chứa đựng rất nhiều điểm bất hợp lý, không thể thực hiện được bởi Kết luận số 2125/KL-TTCP có những nội dung trái pháp luật. Việc cổ phần hóa theo phương án nêu trên có thể gây ra nhiều hệ lụy:

Thứ nhất: việc cổ phần hóa theo phương án được UBND TP Hà Nội chỉ đạo tại Công văn 440/UBND-KT sẽ gây mất niềm tin và bức xúc cho các nhà đầu, những người lao động đã mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO từ hơn mười năm trước bởi việc cổ phần hóa theo phương án này xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Có thể thấy, các nhà đầu tư và những người lao động là những người đã thực hiện nghiêm túc quy trình, thủ tục mua cổ phần từ việc đăng ký tham gia cho đến việc đặt cọc, nộp phiếu tham dự đấu giá và thanh toán mua cổ phần theo đúng các quy định với tổng số tiền đã thanh toán lên tới hơn 21 tỷ đồng. Số tiền mua cổ phần hợp pháp của họ thực tế còn được Ban lãnh đạo HACINCO sử dụng để phát triển kinh doanh từ năm 2005 cho tới nay. Vì vậy, các nhà đầu tư này đáng lẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi của cổ đông tại HACINCO: tham gia quản lý, điều hành, phát triển HACINCO và được hưởng cổ tức đối với số tiền của mình từ hơn mười năm trước,... Tuy nhiên, cho đến ngày hôm nay, họ vẫn chưa thể “chạm tay” vào bất cứ quyền lợi chính đáng nào của mình. Điều này là hết sức thiệt thòi cho các nhà đầu tư. Vậy mà phương án chỉ đạo cổ phần hóa HACINCO tại Công văn 440/UBND-KT của UBND TP Hà Nội còn tiếp tục cuốn họ vào “mớ bòng bong” mới bởi phương án cổ phần hóa chứa đựng những nội dung trái pháp luật và không thể thực hiện được (chấp nhận việc chuyển nợ thành vốn góp trái pháp luật, giữ nguyên vốn Điều lệ theo Quyết định 7867/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội bao gồm cả những cổ phần được phát hành không đúng quy định pháp luật, công nhận Đại hội cổ đông còn nhiều sai sót…)

Tại Công văn 440/UBND-KT của UBND TP Hà Nội còn đề cập đến vấn đề tính lãi cho các nhà đầu tư, cụ thể UBND TP Hà Nội chỉ đạo: “…Xác định chi phí lãi vay và trả lãi cho các nhà đầu tư từ ngày hết hạn nộp tiền mua cổ phần đến thời điểm công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chế độ quy định hiện hành…”. Việc tính lãi hoàn toàn không hợp lý và không đúng quy định pháp luật. Các nhà đầu tư đã mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO từ năm 2005 vì vậy các vấn đề pháp lý phát sinh cần phải áp dụng các văn bản pháp luật có hiệu lực tại thời điểm này. Việc UBND TP Hà Nội chỉ đạo xác định chi phí lãi vay và trả lãi cho các nhà đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành như nội dung tại Công văn số 440/UBND-KT là vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015: văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực và được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực.

Bên cạnh đó, việc tính lãi cho các nhà đầu tư là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ bởi việc tính lãi phải dựa trên cơ sở nào mới đảm bảo căn cứ pháp lý và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư? Tính lãi trên số tiền mua cổ phần theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước hay tính lãi theo lãi suất cho vay trên thị trường? Vậy còn những khoản lãi đối với cơ hội kinh doanh, trượt giá… thì sẽ được tính như thế nào? Các nhà đầu tư mua cổ phần là để trở thành cổ đông chứ đâu phải gửi tiền tại ngân hàng để được tính lãi. Số tiền hơn 21 tỷ đồng của các nhà đầu tư mua cổ phần từ 2005 đến nay thì giá trị chênh lệch sẽ được tính như thế nào? Điều đó cho thấy việc tính lãi cho các nhà đầu tư là quá thiệt thòi và không công bằng đối với họ, bởi hoàn toàn không có ai mang tiền ra gửi ngân hàng suốt hơn một thập kỷ qua trong vụ việc này.

Đến thời điểm thanh toán xong tiền mua cổ phần, các nhà đầu tư đã chính thức thực hiện xong nghĩa vụ của mình và đáng lẽ phải bắt đầu được hưởng các quyền lợi hợp pháp của những cổ đông trong doanh nghiệp được cổ phần hoá. HACINCO bản chất không phải là doanh nghiệp Nhà nước và cũng đã thừa nhận tư cách cổ đông của các nhà đầu tư và người lao động khi rút vốn của họ về để sử dụng kinh doanh suốt hơn 10 năm qua. Vì những lẽ đó, phải công nhận tư cách cổ đông của các nhà đầu tư và đảm bảo quyền được chia cổ tức của họ đối với lợi nhuận kinh doanh thu được từ khi có quyết định cho phép triển khai cổ phần hóa HACINCO đến nay. Quyền lợi của họ được nhận là cổ tức chứ không phải là lãi suất ngân hàng, bởi họ là cổ đông hợp pháp của HACINCO chứ không phải là khách hàng của một ngân hàng nào đó.

Do đó, việc cổ phần hóa theo nội dung phương án được chỉ đạo tại Công văn 440/UBND-KT theo đó chấp nhận sai phạm của HACINCO trong quá trình cổ phần và tính lãi đối với số tiền mua cổ phần hợp pháp của các nhà đầu tư từ năm 2005 đến nay là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền - lợi ích hợp pháp của những nhà đầu tư và người lao động đã mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO hơn một thập kỷ trước. Việc cổ phần hóa theo phương án này còn khiến cho quá trình cổ phần hóa HACINCO khó có thể đi đến hồi kết vì các nhà đầu tư và những người lao động sẽ không bao giờ chấp nhận một phương án trái pháp luật, gây khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, làm mất đi niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.


Phải công nhận HACINCO là công ty cổ phần để đảm bảo quyền lợi của người lao động và các nhà đầu tư hợp pháp, gấp rút hoàn thiện các thủ tục để hoàn thành cổ phần hóa HACINCO.

Phải công nhận HACINCO là công ty cổ phần để đảm bảo quyền lợi của người lao động và các nhà đầu tư hợp pháp, gấp rút hoàn thiện các thủ tục để hoàn thành cổ phần hóa HACINCO.

Thứ hai: việc cổ phần hóa theo phương án được UBND TP Hà Nội chỉ đạo tại Công văn 440/UBND-KT là đi ngược lại chủ trương của Chính phủ trong việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp được quy định tại Nghị Quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Các nhà đầu tư đã mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO bao gồm cả các cá nhân và những doanh nghiệp đã tin tưởng và quyết định đầu tư vào doanh nghiệp này. Các nhà đầu tư với mong muốn trở thành một trong những người chủ của doanh nghiệp, được tham gia quản lý, điều hành, đổi mới, sáng tạo để đưa doanh nghiệp phát triển hơn nữa nên đã quyết định mua cổ phần tại HACINCO.

Trên thực tế, Đảng và Nhà nước, Chính phủ cũng luôn nỗ lực đưa ra những chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp với mục tiêu tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, trở thành động lực của nền kinh tế. Tại điểm 5 Mục II Nghị Quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 thì bảo vệ quyền và lợi ích doanh nghiệp đã được đưa ra là một trong những nhiệm vụ để thực hiện mục tiêu nêu trên. Theo đó, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động theo những quyền đã được pháp luật quy định, xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp vi phạm pháp luật…để bảo đảm sự bình đẳng và quyền lợi của các doanh nghiệp chân chính, tạo môi trường lành mạnh, an toàn để doanh nghiệp kinh doanh theo đúng pháp luật.

Tuy nhiên, trong trường hợp của HACINCO, việc UBND TP Hà Nội chỉ đạo cổ phần hóa theo nội dung Kết luận số 2125/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ là không tuân thủ chủ trương của Chính phủ được ban hành tại Nghị Quyết 35/NQ-CP trong việc đảm bảo quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư đã mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO bởi những vi phạm pháp luật trong quá trình cổ phần hóa của HACINCO (sai phạm do chuyển nợ thành vốn góp, sai phạm trong việc tính toán cổ phần ưu đãi, sai phạm của Đại hội cổ đông lần đầu) cần được xử lý nghiêm minh chứ không thể được chấp nhận để chuyển HACINCO thành Công ty cổ phần.

Những sai phạm, hạn chế, bất cập từ Kết luận số 2125/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ đã được chính UBND TP Hà Nội khẳng định trong Công văn 830/UBND-KT ngày 29/01/2011 của UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ: “Vì vậy, kiến nghị chấp nhận việc chuyển nợ thành vốn góp khi thanh toán tiền mua cổ phần và công nhận kết quả bán cổ phần của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội là không phù hợp với quy định hiện hành”. Thế nhưng, không hiểu vì lẽ gì, mà đến nay, UBND TP Hà Nội vẫn chấp nhận những sai phạm trong Kết luận số 2125/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ, không chỉ đi ngược lại với chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước mà còn xâm phạm đến quyền - lợi ích hợp pháp của các cá nhân, các doanh nghiệp đã mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO.

Thứ ba: việc cổ phần hóa HACINCO theo phương án được UBND TP Hà Nội chỉ đạo tại Công văn 440/UBND-KT của UBND TP Hà Nội không chỉ vi phạm quy định pháp luật, vi phạm chính quy chế đấu giá bán cổ phần lần đầu ra bên ngoài của HACINCO mà còn phá vỡ nguyên tắc trên sàn giao dịch chứng khoán.

Tại mục 1.1 Điều 2 Quyết định 6680/QĐ-UB ngày 29/9/2005 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa HACINCO hoàn toàn không có nội dung nào thể hiện phương án chuyển nợ thành vốn góp cổ phần. Trong cơ cấu vốn điều lệ chỉ thể hiện cơ cấu cổ phần Nhà nước, cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp và cổ phần bán đấu giá công khai chứ không có cơ cấu cổ phần do chuyển nợ thành vốn góp mua cổ phần.


23 nhà đầu tư đã thanh toán hơn 21 tỷ đồng cho một công ty thuộc quản lý của UBND TP Hà Nội nhưng suốt 10 năm đã bị ém nhẹm trái pháp luật.

23 nhà đầu tư đã thanh toán hơn 21 tỷ đồng cho một công ty thuộc quản lý của UBND TP Hà Nội nhưng suốt 10 năm đã bị "ém nhẹm" trái pháp luật.


Văn phòng Chính phủ yêu cầu xử lý dứt điểm vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại Hacinco.

Văn phòng Chính phủ yêu cầu xử lý dứt điểm vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại Hacinco.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm 15.1 Điều 15 quy chế đấu giá bán cổ phần lần đầu ra bên ngoài của HACINCO thì Nhà đầu tư đăng ký ở đâu thanh toán ở đó (chỉ có 2 nơi đăng ký mua và nộp tiền là Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội hoặc Công ty Chứng khoán Bảo Việt). Trường hợp không thanh toán toàn bộ hoặc một phần số cổ phần được quyền mua theo kết quả đấu giá trong thời hạn quy định là 15 ngày làm việc (hạn cuối vào ngày 15/11/2005) thì bị coi là vi phạm quy chế đấu giá và không được nhận lại số tiền đặt cọc tương ứng với số cổ phần từ chối mua.

Như vậy, các nhà đầu tư muốn trở thành cổ đông bắt buộc phải đăng ký mua cổ phần và thanh toán theo đúng quy chế đấu giá bán cổ phần lần đầu của HACINCO. Tuy nhiên, trong vụ việc cổ phần hóa HACINCO, có 34 nhà đầu tư không nộp tiền mua cổ phần theo thông báo kết quả đấu giá và đề nghị được chuyển nợ thành vốn góp đối với 1.506.500 cổ phần tương đương với 15.065.000.000 đồng. Việc chuyển nợ này là không đúng với nội dung Quyết định 6680/QĐ-UB, không đúng với nội dung cáo bạch đã được HACINCO công bố và việc chấp nhận nội dung chuyển nợ thành vốn góp khi thanh toán tiền mua cổ phần này là vi phạm điểm 15.1 Điều 15, Điều 16 Quy chế đấu giá bán cổ phần lần đầu của HACINCO.

Do đó, việc chấp nhận chuyển nợ thành vốn góp khi thanh toán tiền mua cổ phần tại HACINCO và công nhận tư cách cổ đông của những nhà đầu tư không thanh toán tiền mua cổ phần đúng quy định là vi phạm quy chế đấu giá bán cổ phần lần đầu của HACINCO, trái với nội dung Quyết định 6680/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội và phá vỡ nguyên tắc trên sàn giao dịch chứng khoán khi mua cổ phần.

Thứ tư: Việc cổ phần hóa theo phương án được UBND TP Hà Nội chỉ đạo tại Công văn 440/UBND-KT sẽ tạo nên “tiền lệ xấu” cho các cơ quan Nhà nước trong việc áp dụng các quy định của pháp luật bởi nội dung phương án cổ phần hóa này có nhiều điểm trái pháp luật không thể được công nhận.

Sai phạm của HACINCO trong việc chuyển nợ thành vốn góp đã được chỉ ra tại rất nhiều văn bản của các cơ quan có thẩm quyền: Công văn số 5494/UBND-CN gửi đồng chí Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội báo cáo việc thực hiện cổ phần HACINCO ngày 24/11/2006, Công văn số 1312/UBND-CN gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo việc thực hiện cổ phần hóa HACINCO, Báo cáo số 847/BC-STC/TCDN ngày 20/3/2006 của Sở Tài Chính thành phố Hà Nội gửi UBND thành phố Hà Nội về quá trình cổ phần hóa HACINCO…Tại Báo cáo số 847/BC-STC/TCDN ngày 20/3/2006 gửi UBND TP Hà Nội, Sở Tài chính nêu rõ: “…Nghị định số 187/2004/NĐ-CP và Thông tư số 126/2004/TT-BTC cho phép các nhà đầu tư được chuyển số dư nợ đang cho doanh nghiệp vay thành vốn góp cổ phần, song việc chuyển dư nợ vay thành vốn góp phải đảm bảo đúng quy định hiện hành của nhà nước, có hợp đồng hoặc khế ước vay; có số dư nợ vay tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá và tại thời điểm đề nghị chuyển nợ vay thành vốn góp; số đề nghị chuyên nợ vay thành vốn góp cổ phần tối đa bằng số dư nợ vay và không lớn hơn số tiền mua cổ phần phải trả theo kết quả đấu giá; hồ sơ đề nghị chuyển nợ vay thành vốn góp cổ phần phải được cơ quan phê duyệt phương án cổ phần hoá kiểm tra chấp thuận.

Việc chuyển số dư nợ vay thành vốn góp cổ phần tại Công ty Đầu tư xây dựng số 2 không thực hiện đúng quy định hiện hành…Bản chất của việc này là công ty đã báo cáo và đề nghị chuyển nợ cho 26 nhà đầu tư không có số dư nợ tại công ty, hoặc số tiền đề nghị chuyển nợ vay thành vốn lớn hơn số dư nợ vay, thu tiền bán cổ phần tại công ty và giữ lại sử dụng không quy định….”

Sai phạm của HACINCO trong việc tổ chức Đại hội cổ đông và kiến nghị không công nhận kết quả Đại hội cổ đông này cũng đã được Sở Tài chính chỉ rõ tại rất nhiều các văn bản: Công văn số 441/STC/TCDN-P2 của Sở Tài Chính Hà Nội ngày 17/02/2006 gửi UBND TP Hà Nội và Ban Đổi mới phát triển doanh nghệp và Báo cáo số 847/BC-STC/TCDN của Sở Tài Chính Hà Nội ngày 20/3/2006 gửi UBND TP Hà Nội báo cáo về quá trình bán cổ phần và tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu tại HACINCO. Cụ thể, tại phần 2 mục III Báo cáo số 847/BC-STC/TCDN, Sở Tài Chính Hà Nội kiến nghị:

“…a) Hủy bỏ kết quả Đại hội cổ đông lần đầu của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 do số nhà đầu tư tham dự và biểu quyết tại Đại hội chưa hoàn thành việc thanh toán mua cổ phần, không đảm bảo tư cách cổ đông dự Đại hội…”

Tuy nhiên, việc làm trái quy định pháp luật trong quá trình cổ phần hóa HACINCO lại mặc nhiên được chấp nhận theo nội dung chỉ đạo hoàn tất cổ phần hóa HACINCO tại Công văn 440/UBND-KT của UBND TP Hà Nội. Có thể thấy rằng, cổ phần hóa theo phương án này rõ ràng đã chấp nhận việc áp dụng sai quy định pháp luật của doanh nghiệp. Doanh nghiệp áp dụng không đúng quy định pháp luật nhưng không bị xử lý nghiêm minh mà kết quả sai phạm còn được công nhận. Cơ quan nhà nước khẳng định sai phạm của doanh nghiệp nhưng lại chỉ đạo thực hiện theo phương án chứa đựng nội dung trái pháp luật. Điều này là hết sức vô lý và sẽ gây ảnh hưởng rất lớn, tạo ra “tiền lệ xấu” trong việc áp dụng, tuân thủ pháp luật của các cơ quan Nhà nước cũng như của chính các doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa sau này.

Luật sư Thanh nhấn mạnh: Phương án cổ phần hóa theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội là không có cơ sở và trái quy định pháp luật. Việc triển khai cổ phần hóa HACINCO theo phương án này sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy, khiến quá trình cổ phần HACINCO tiếp tục rơi vào bế tắc, tạo hình ảnh xấu và gây mất niềm tin cho các nhà đầu tư vào việc thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Cần phải gấp rút cổ phần hóa HACINCO vì quá trình cổ phần hóa đã kéo dài hơn 10 năm nhưng không thể nóng vội chấp thuận những sai phạm của HACINCO để hoàn tất cổ phần hóa doanh nghiệp này. Điều quan trọng nhất là phải tuân thủ đúng quy định pháp luật để quá trình cổ phần hóa đi đến hồi kết, đảm bảo cân bằng lợi ích của Nhà nước, các nhà đầu tư và những người lao động đã mua cổ phần tại HACINCO.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Anh Thế (thực hiện)