Vụ clip gian lận phòng thi: Chỉ nên cảnh cáo nhắc nhở thí sinh

(Dân trí) - Những ngày vừa qua, đông đảo phụ huynh có con em tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, cũng như toàn xã hội đang hết sức quan tâm đến vụ việc tiêu cực xảy ra tại Hội đồng thi trường THPT Dân lập Đồi Ngô (tỉnh Bắc Giang).

Khuôn viên trường THPT Dân lập Đồi Ngô, tỉnh Bắc Giang
Khuôn viên trường THPT Dân lập Đồi Ngô, tỉnh Bắc Giang
 
 Liên quan đến thông tin cho rằng clip này được thí sinh trong phòng thi quay lại. Do vậy, để có cái nhìn khách quan, toàn diện trước hành vi của thí sinh đã quay và gửi cho cơ quan báo chí, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) dưới góc nhìn pháp lý về vụ việc này.

Ông có đánh giá như thế nào khi có ý kiến cho rằng cần phải xử lý thật nghiêm khắc thí sinh đã quay clip và gửi cho cơ quan báo chí?

Việc quay cóp của thí sinh trong phòng thi và việc Hội đồng coi thi làm việc không nghiêm túc là câu chuyện của người lớn. Đây là vấn đề đã tồn đọng từ nhiều năm nay của ngành giáo dục và là vấn đề gây nhức nhối cho toàn xã hội chúng ta.

Sẽ là hay hơn rất nhiều nếu những người có trách nhiệm trong sự nghiệp “trồng người” biết nhìn thẳng vào thực tế để tìm ra giải pháp nhằm thay đổi nền giáo dục nước nhà hơn là việc tập trung đi bóc tách và xử lý người dám dũng cảm tố cáo hành vi tiêu cực.

Việc xử lý những người tố cáo việc làm tiêu cực không phải là giải pháp để giải quyết được tận gốc vấn đề tồn đọng trong xã hội từ nhiều năm nay. Mặt khác việc làm này sẽ không khuyến khích được mọi người tích cực tố giác những việc làm sai trái.

Đành rằng thí sinh cũng có vi phạm quy chế thi nhưng theo tôi tại thời điểm này chúng ta nên tập trung vào việc xử lý những vi phạm những thiếu sót trong việc tổ chức thi cử. Nếu chúng ta xử lý thí sinh đã quay clip này mà không xem xét sự việc trên nhiều phương diện, nhiều khía cạnh thì dễ làm cho xã hội hiểu lầm là trù dập người đã dũng cảm tố cáo. Đi ngược lại những phong trào, khẩu hiệu mà ngành giáo dục đã nêu cao trong những năm qua đó là “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.
Luật sư Trương Anh Tú:
Luật sư Trương Anh Tú: "Nếu được đánh giá về công và tội của thí sinh này thì tôi đánh giá công của em là 9 phần, tội chỉ là 1 phần"

Ông đánh giá thế nào về hành động của thí sinh cung cấp clip về tiêu cực trong thi cử tại Bắc Giang?

Hành động của thí sinh này theo tôi là rất dũng cảm, nhưng cách đấu tranh với tiêu cực của em là không phù hợp với quy định của quy chế thi.

Sống trong một xã hội, con người phải tuân theo rất nhiều loại chuẩn mực đạo đức. Vì vậy, trong một số trường hợp nhất định chúng ta chỉ được chọn và tuân thủ một loại chuẩn mực đạo đức mặc dù biết rằng sự lựa chọn này sẽ khiến bản thân mình vi phạm chuẩn mực đạo đức khác.

Trong trường hợp của thí sinh này cũng vậy, đứng trước sự lựa chọn giữa tuân theo đạo đức của một con người sống trong xã hội (đó là đứng trước cái xấu, cái tiêu cực thì có tinh thần dám đấu tranh) và chuẩn mực đạo đức của một thí sinh tham dự kỳ thi (đó là phải tuân thủ quy chế thi) thì em đã lựa chọn chuẩn mực đạo đức làm người. Trong trường hợp này, theo tôi sẽ có rất ít người dám hành động như em.

Vậy thì hướng xử lý như thế nào là phù hợp?

Tôi không biết trước khi quay và cung cấp clip này cho cơ quan báo chí thì em thí sinh này có ý thức được về hậu quả của việc mình làm hay không, tuy nhiên dù bất luận ra sao thì suy cho cùng em này vừa có công vừa có tội. Nếu được đánh giá về công và tội của thí sinh này thì tôi đánh giá công của em là 9 phần, tội chỉ là 1 phần.

Trước công và tội trên của em thì nên chăng những người có trách nhiệm xử lý vụ việc nên coi đây là một bài học kinh nghiệm và chỉ cảnh cáo nhắc nhở em thí sinh này là cũng đủ để em nhận ra được phần vi phạm của em và không để hành vi này có thể diễn ra trong những kỳ thi tới.

Xin cảm ơn ông!
 
Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2012 
Thí sinh được phép mang vào phòng thi các vật dụng liên quan đến việc làm bài thi:
1. Bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình; các vật dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử;
2. Máy tính bỏ túi không có thẻ nhớ và không soạn thảo được văn bản;
3. Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí, do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành; không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu.
2. Đối với thí sinh:
a) Cảnh cáo trước Hội đồng coi thi, nếu chép bài của thí sinh khác hoặc cho thí sinh khác chép bài của mình bằng bất cứ hình thức nào;
b) Đình chỉ thi và huỷ kết quả của cả kỳ thi nếu vi phạm một trong các khuyết điểm sau:
- Mang vào phòng thi các vật dụng trái với quy định tại Điều 20 của Quy chế này trong thời gian từ lúc bắt đầu phát đề thi đến hết giờ làm bài (đã hoặc chưa sử dụng);
- Sử dụng tài liệu liên quan đến việc làm bài thi và các phương tiện thu phát thông tin dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả trong và ngoài phòng thi;
 
Vũ Văn Tiến (thực hiện)