Vụ chó dữ tấn công 2 cháu bé: Chủ chó có phải chịu trách nhiệm hình sự?
(Dân trí) - Theo luật sư, vật nuôi là tài sản của người chủ nên người này phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà "tài sản" này có thể gây ra cho người khác, bao gồm cả trách nhiệm dân sự lẫn hình sự.
Vụ việc hai bé trai 2 tuổi và 7 tuổi bị chó dữ tấn công ngày 18/12 vừa qua tại Tuyên Quang đã khiến nhiều người bàng hoàng và xót xa. Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên chó nhà tấn công gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Theo đó, trong lúc đi qua nhà hàng xóm chơi, hai cháu nhỏ ở xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) bất ngờ bị một con chó lao vào tấn công. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình đã đưa các cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Thu Hường - trưởng kíp phẫu thuật cho biết, cả hai bệnh nhi đều nhập viện trong tình trạng có nhiều vết thương phức tạp vùng đầu mặt, cánh tay, bàn tay và các bộ phận khác, được chỉ định mổ cấp cứu.
Nhiều bạn đọc bày tỏ sự phẫn nộ với những gia đình nuôi chó dữ không xích, nhốt, không đeo rọ mõm khi cho ra đường và đề nghị phải phạt thật nặng chủ chó để làm gương cho người khác.
Về cơ bản, pháp luật Việt Nam có các quy định khá đầy đủ về trách nhiệm của chủ nuôi chó cũng như các vật nuôi khác trong trường hợp chó tấn công người, thậm chí cắn chết người và trách nhiệm liên đới.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trách nhiệm đối với những thiệt hại do vật nuôi (súc vật) gây ra đã được quy định đầy đủ tại Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 (Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra).
Theo đó, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu. Đây là trách nhiệm bồi thường dân sự cho những thiệt hại về vật chất hoặc sức khỏe do súc vật gây ra.
Còn trong trường hợp súc vật gây ra những thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho người khác thì chủ sở hữu súc vật có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ thiệt hại. Có hai trường hợp:
Nếu súc vật gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì áp dụng Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Nếu súc vật làm chết người thì áp dụng Điều 128, Bộ luật hình sự năm 2015 về tội vô ý làm chết người. Theo đó, một người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Hành vi phạm tội: Vô ý làm chết người là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây ra chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra. Ở đây, chủ nuôi đàn chó phải thấy trước sự nguy hiểm của việc thả rông đàn chó đối với sức khỏe, tính mạng của người khác.
Lỗi khi thực hiện hành vi: Về ý thức chủ quan của người phạm tội, người phạm tội vô ý làm chết người thực hiện hành vi của mình dưới hình thức lỗi do vô ý bao gồm cả vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin. Áp dụng vào vụ việc ở Tuyên Quang, chủ nuôi chó có thể do cẩu thả hoặc do quá tự tin (chó thân quen với nạn nhân nên sẽ không tấn công).
Hậu quả và mối quan hệ nhân quả: Có thể dễ dàng thấy được mối liên hệ nhân quả giữa hành vi vô ý của chủ nuôi chó và hậu quả.
Bản chất của mối liên hệ giữa chủ sở hữu và vật nuôi cần được nhìn nhận dưới góc độ pháp luật dân sự. Vật nuôi là tài sản của người chủ nên người này phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà "tài sản" này có thể gây ra cho người khác, bao gồm cả trách nhiệm dân sự lẫn hình sự.
Như vậy, trong vụ việc hai bé trai bị chó cắn tại tỉnh Tuyên Quang lần này, sau khi cơ quan chức năng làm rõ tỷ lệ thương tật của hai cháu bé thì mới có đủ cơ sở kết luận về trách nhiệm của chủ chó như thế nào.
Luật sư Xuyến cho rằng, chế tài xử phạt hành vi thả rông chó, mèo hoặc không có rọ mõm khi dắt đến nơi công cộng (phạt đến 800.000 đồng) là hợp lý, cơ bản đủ sức răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ở đây là việc thực thi pháp luật, trách nhiệm quản lý, kiểm tra, xử phạt của cơ quan chức năng chưa được thực thi nghiêm túc, thường xuyên. Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về nuôi vật nuôi trong nhà như chó mèo, nhất là hành vi bị cấm như thả rông chó mèo, tiêm phòng dịch… chưa được sâu rộng, đến với mọi người dân. Do đó, ý thức của nhiều người dân trong việc chấp hành pháp luật về nuôi chó mèo chưa cao dẫn đến vi phạm nhiều.