Vụ chết người tại phòng khám Maria: Cần sớm khởi tố vụ án
(Dân trí)- Theo luật sư Trương Anh Tú, vụ người phụ nữ chết tại phòng khám Maria đã có dấu hiệu của Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, theo Điều 242 Bộ luật hình sự.
Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân, sau khi mất không ít tiền của, thời gian đến khám và điều trị tại các phòng khám, tình trạng bệnh tật không những không được cải thiện mà còn có chiều hướng xấu đi, bản thân họ đã mang những bức xúc ấy, tìm đến văn phòng luật sư để xin được tư vấn, cũng không ít trường hợp trong số đó còn đòi khởi kiện các phòng khám về việc làm trái với các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
Những ngày qua, khi xảy ra vụ việc một nữ bệnh nhân chết tại phòng khám đa khoa Maria nằm trên phố Thái Thinh - Đống Đa - Hà Nội, một trong số hàng trăm vụ bê bối liên quan đến sai phạm của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có yếu tố nước ngoài bị phát giác, các cơ quan chức năng mới thực sự vào cuộc và phát hiện ra phòng khám này đang hoạt động bất hợp pháp khi trên thực tế họ chỉ có các bác sỹ trong nước được cấp phép hoạt động, mà không hề có bất cứ một giấy tờ nào cho phép việc tuyển dụng các y bác sỹ là người nước ngoài. Điều trớ trêu là Sở Y tế Hà Nội, các cơ quan trực tiếp quản lý lại không biết việc này, mà phải đến khi việc đã rồi họ mới biết.
Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, khi điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về việc nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ của người dân cũng ngày càng cao, đặc biệt là về chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh. Nhà nước đã có chính sách khuyến khích phát triển loại hình dịch vụ tư nhân về khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế ban đầu bởi tính xã hội hóa y tế mang lại chất lượng cuộc sống cao hơn cho người dân cụ thể trong Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, tại Khoản 3 Điều 4 nêu rõ “Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh”. Lợi dụng điều này, các cơ sở khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài mọc lên tràn lan với mức phí “cắt cổ” nhưng người bệnh vẫn rơi vào tình cảnh “tiền mất tật mang”.
Điều đáng nói ở đây có những vụ việc sai phạm được phát hiện lại là những phòng khám nằm ngay trên các con phố lớn giữa Thủ đô như Giải Phóng, Thái Thịnh…vẫn ngang nhiên hoạt động hàng ngày, hàng giờ, vẫn có những “bác sỹ nước ngoài” làm “tấm bùa hộ mệnh” để họ lừa gạt người dân, kiếm lợi bất chính và dường như các chủ phòng khám đang coi nhẹ luật pháp, coi nhẹ hoạt động quản lý của các cơ quan chuyên môn.
Nguyên nhân sâu xa cũng chính bởi sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng, và tâm lý chung của người dân cho rằng “đắt là tốt” và một số ít bác sỹ Việt Nam đã vô tình tiếp tay cho những kẻ cơ hội nước ngoài.
Giờ đây, khi chúng ta tiến hành cấm xuất cảnh đối với những bác sỹ này, có lẽ họ đã đào tẩu thành công về nước, việc dẫn độ một công dân nước khác đang ở trên lãnh thổ quốc gia họ quay trở lại để xét xử dường như tính khả thi rất thấp, vì chưa có tiền lệ. Nhưng không phải vì thế mà không có biện pháp xử lý triệt để.
Trách nhiệm trước tiên thuộc về những người đứng đầu các cơ sở khám chữa bệnh, họ cố ý làm trái các quy định của pháp luật về loại hình dịch vụ có điều kiện, chịu sự quản lý nghiêm ngặt của các cơ quan chức năng, bản thân họ phải chịu trách nhiệm trước bệnh nhân và pháp luật.
Vụ việc trên theo luật sư Trương Anh Tú đã có dấu hiệu của Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, theo Điều 242 Bộ luật hình sự, cụ thể: “1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Để pháp luật thực sự bảo vệ người dân, Bộ Y tế, Sở y tế các tỉnh, thành phố, các cơ quan chức năng cần đi sâu hơn nữa trong quản lý hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh, thắt chặt việc cấp phép và thường xuyên tổ chức hoạt động thanh, kiểm tra quy trình quản lý, vận hành của các cơ sở nêu trên. Phối hợp với các cơ quan hữu quan kịp thời xử lý khi phát hiện sai phạm
Nhà nước cần tập trung trí và lực cho việc phát triển cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn của các bệnh viện do Nhà nước nắm giữ và quản lý, tuyên truyển, phổ biến giáo dục đến người dân, để họ có được hiểu biết nhất định khi lựa chọn nơi họ sẽ tin tưởng giao tính mạng, sức khỏe cho những y bác sỹ thực sự có tâm và có tài.
Vũ Văn Tiến (ghi)