Bác sĩ tại phòng khám Maria chỉ là người giúp việc!

(Dân trí) - Tên ba vị bác sĩ người Trung Quốc trực tiếp khám, làm thủ thuật, kê đơn cho chị Nguyễn Thị Thu Phong, bệnh nhân vừa tử vong tại phòng khám đều không có trong hồ sơ cấp phép hành nghề của Sở Y tế Hà Nội.

Bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: H.Hải
Bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: H.Hải
 
Chiều 17/7, trao đổi với báo giới, bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định: “Cho đến thời điểm này, Sở Y tế Hà Nội mới chỉ cấp phép cho hai người Trung Quốc là LEI HONG (Lôi Hồng, nữ, 24 tuổi) và HUANG DINGLI (Hoàng Đình Lập, nam) với chức danh giúp việc bác sĩ.

Thưa bà, liên quan đến cái chết của chị Nguyễn Thị Thu Phong, cơ quan điều tra cho biết có 3 bác sĩ Trung Quốc trực tiếp khám, kê đơn, làm thủ thuật cho bệnh nhân này. Trong khi đó, Sở thì khẳng định mới cấp phép với chức danh “Giúp việc bác sĩ” cho hai bác sĩ Trung Quốc. Vậy người Giúp việc bác sĩ được làm những công việc gì?

Tôi xin khẳng định, Sở Y tế chưa từng cấp phép cho bác sĩ người Trung Quốc nào làm việc tại Maria. Vì thế, nếu có bác sĩ người Trung Quốc trực tiếp khám, kê đơn cho bệnh nhân tại phòng khám này là sai luật, là hoạt động chui.

Sở Y tế chỉ cấp phép cho hai bác sĩ giúp việc. Những người này không được trực tiếp khám, không được kê đơn, không được thực hiện thủ thuật mà chỉ giúp việc cho bác sĩ khám bệnh được cấp phép. Ví như giúp bác sĩ ghi chép sổ sách, thay băng, cắt chỉ, đo nhiệt độ, huyết áp…

Bà có khẳng định chưa từng cấp phép cho bác sĩ người Trung Quốc nào khám bệnh tại phòng khám Maria, nhưng mới đây, khi có khiếu kiện của bệnh nhân vì việc đi kiểm tra vòng tránh thai tại cơ sở này lại được bác sĩ Trung Quốc “phán” phải điều trị ngay kẻo dẫn đến ung thư và đã được Thanh tra Sở Y tế tiếp nhận đơn xử lý. Vậy thực sự Sở Y tế có giám sát được việc người Giúp việc bác sĩ lại được khám cho bệnh nhân?

Như tôi đã nói, Sở Y tế chưa từng cấp phép cho bác sĩ Trung Quốc nào khám tại phòng khám Maria. Vì thế, nếu có bác sĩ người Trung Quốc nào tham gia khám ở đây là sai luật. Đây là lần đầu tôi nghe các bạn phản ánh chuyện này, tôi hứa sẽ chỉ đạo Thanh tra báo cáo vụ việc, xem có thực sự có bác sĩ Trung Quốc khám cho bệnh nhân này mà không xử lý hay không.

Phòng khám Maria liên tiếp có nhiều sai phạm và bị xử phạt. Vậy tại sao phòng khám liên tiếp có sai phạm vẫn được duy trì hoạt động, chỉ đến khi xảy ra hậu quả có người chết mới bị đình chỉ, thưa bà?

Hành vi vi phạm phải xác định ở thời điểm kiểm tra. Khi kiểm tra chúng tôi không phát hiện có bác sĩ người Trung Quốc tại cơ sở này mà chỉ thấy họ quảng cáo quá phạm vi cấp phép và đã tiến hành phạt theo đúng quy định.Thời điểm kiểm tra, họ mắc lỗi đến đâu chúng tôi đã xử phạt đến đó, theo đúng quy định.

Không chỉ riêng tại phòng khám Maria mà các phòng khám có yếu tố nước ngoài đều thu phí cao ngất ngưởng. Mức phí này có được thông qua tại cơ quan quản lý không, thưa bà?

Giá khám chữa bệnh ở cơ sở nào dù tư nhân hay nhà nước đều có quy định hướng dẫn, không thể vượt quá quy định. Khi chúng tôi đi kiểm tra, từng phát hiện phòng khám này không niêm yết công khai giá nên đã xử phạt.

Xảy ra sự việc bệnh nhân tử vong tại phòng khám Maria, Sở có kế hoạch gì trong việc giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của các phòng khám này, thưa bà?

Chắc chắn chúng tôi phải có biện pháp kiểm tra chặt chẽ hơn. Ngoài kế hoạch thanh kiểm tra thường xuyên, chúng tôi sẽ kiểm tra đột xuất. Theo cá nhân tôi, phải kiểm tra đột xuất mới biết họ làm đúng hay không đúng. Đồng chí giám đốc cũng đã chỉ đạo phải tăng cường kiểm tra, không chỉ riêng thanh tra mà các phòng ban khác cũng cần tích cực thanh kiểm tra đột xuất. Đột xuất ở đây có thể là đi vào buổi chiều muộn, đi đêm, ban giám đốc trực tiếp xuất quân…

Thời gian qua cơ quan chức năng có phát hiện bác sĩ Trung Quốc sang VN theo đường du lịch rồi tham gia khám “chui” tại các phòng khám này không, thưa bà?

Nếu phát hiện được đã xử lý, nhưng không phát hiện được. Vì thế, chúng tôi mới hướng đến phải thanh tra đột xuất để kịp thời phát hiện các sai phạm và xử lý.

Người dân đi khám bệnh vào thấy người Trung Quốc là tin ngay, họ không thể nhận biết đâu là bác sĩ, đâu là giúp việc bác sĩ. Theo bà, đây có phải là “lỗ hổng” để các phòng khám này dễ dàng lừa người bệnh, thưa bà?

Điều này có quy định rõ ràng, bác sĩ đeo đúng biển, đúng tên là bác sĩ, điều dưỡng đeo biển đúng tên, đúng biển điều dưỡng, không được phép đeo khác đi, không đúng chức năng của mình.

Vì thế, để nhận biết, khi đi khám bệnh, người dân nên chủ động tìm hiểu về cơ sở khám chữa bệnh (không riêng gì phòng khám mà cả bệnh viện công). Phải tìm hiểu cơ sở đó họ chữa bệnh nào, tốt không, hiệu quả ra làm sao, tìm hiểu bác sĩ trực tiếp khám cho mình có đúng chuyên khoa không…

Phòng khám Maria sẽ bị đình chỉ hoạt động trong bao lâu, thưa bà?

Phòng khám này sẽ bị đình chỉ hoạt động đến khi nào cơ quan chức năng có kết quả trả lời về ca tử vong này. Sau đó, chúng tôi sẽ xem xét có cho phòng khám này tiếp tục hoạt động hay không.

Xin cảm ơn bà! 

Bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: H.Hải
Theo bà Trần Nhị Hà, trưởng phòng Quản lý hành nghề tư dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội), bà Đỗ Y Na, giám đốc phòng khám Maria không thể thoái thác trách nhiệm vì bà đã có đơn xin thôi làm giám đốc phòng khám này, đã không còn nhận lương của phòng khám..

Thực tế, từ 1/1/2012, Sở Y tế chưa hề nhận được đơn xin thôi hành nghề, nguyện vọng của bác sĩ Đỗ Y Na trong việc xin thôi chức danh này và chuyển cho người khác. Trên nguyên tắc, bác sĩ Y Na vẫn đứng tên phụ trách kỹ thuật, chuyên môn của phòng khám và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn thể hoạt động của phòng khám Maria.

 

Hồng Hải (ghi)