Vụ cấp “sổ đỏ” trái luật hơn 20 năm chưa được giải quyết: Sẽ xử vụ án trong tháng 11!

(Dân trí) - Liên quan đến vụ “Một vụ cấp sổ đỏ trái pháp luật hơn 20 năm chưa được giải quyết” xảy ra tại huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau), sau nhiều năm chờ đợi của người dân và hàng loạt bài của báo Dân trí phản ánh, TAND huyện Thới Bình đã quyết định đưa vụ án ra xét xử trong tháng 11/2017.

Bà Lê Hồng Thấm đã hơn 20 năm đi đòi lại quyền lợi cho mình. Ở tuổi 71, bà mòn mỏi chờ một phán quyết công bằng của pháp luật.
Bà Lê Hồng Thấm đã hơn 20 năm đi đòi lại quyền lợi cho mình. Ở tuổi 71, bà mòn mỏi chờ một phán quyết công bằng của pháp luật.

TAND huyện Thới Bình vừa có quyết định đưa vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” ra xét xử sơ thẩm, với nguyên đơn là bà Lê Hồng Thấm (SN 1946, ngụ xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình) và bị đơn là ông Nguyễn Văn Lịnh, bà Quách Thị Kiều (ngụ thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình).

Ngoài ra, còn có khoảng 50 tập thể và cá nhân là những người có quyền lợi, người kế thừa và nghĩa vụ liên quan cũng được tòa triệu tập tại phiên sơ thẩm. Trong đó, đáng chú ý có Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Thới Bình, Quỹ Tín dụng nhân dân huyện Thới Bình, UBND huyện Thới Bình,…

Theo lịch xét xử của TAND huyện Thới Bình, phiên tòa sơ thẩm sẽ diễn ra vào sáng ngày 22/11/2017 tại trụ sở TAND huyện Thới Bình. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Võ Quốc Văn.

Như vậy, sau hàng chục năm qua trong sự mỏi mòn chờ đợi của người dân cũng như báo Dân trí đã phản ánh, việc tòa án đưa vụ án này ra xét xử đã phần nào cho thấy trách nhiệm của các cơ quan tố tụng. Vấn đề là tòa án cần có một phiên xử công tâm, đúng pháp luật để trả lại quyền lợi chính đáng cho người bị thiệt hại.

Vụ cấp “sổ đỏ” trái luật hơn 20 năm chưa được giải quyết: Sẽ xử vụ án trong tháng 11! - 2
Quyết định của TAND huyện Thới Bình đưa vụ án ra xét xử vào ngày 22/11/2017.
Quyết định của TAND huyện Thới Bình đưa vụ án ra xét xử vào ngày 22/11/2017.

Như Dân trí đã phản ánh, theo hồ sơ, ngày 28/7/1988, bà Lê Hồng Thấm có sang nhượng của phía gia đình ông Nguyễn Văn Sao (ngụ khóm 8, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình) diện tích đất 1.296 m2. Giấy tờ sang nhượng có sự chứng kiến và xác nhận của chính quyền địa phương lúc bấy giờ. Kể từ khi sang nhượng, bà Thấm liên tiếp canh tác và cải tạo phần đất này.

Đến khoảng năm 1993, ông Nguyễn Văn Lịnh (ngụ cùng địa phương) đã bất ngờ nhảy vào tranh chấp với bà Lê Hồng Thấm.

Vụ việc vẫn chưa xác định ai đúng ai sai thì đầu năm 1993, bà Lê Hồng Thấm bất ngờ phát hiện ông Lịnh đã được huyện Thới Bình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Lê Văn Miễn ký.

Điều đáng nói, ông Lê Văn Miễn (Chủ tịch UBND huyện Thới Bình thời điểm trước năm 1991) được điều chuyển công tác ở vị trí khác vào năm 1991, nhưng chữ ký của ông này lại xuất hiện trong "sổ đỏ" cấp cho ông Nguyễn Văn Lịnh vào năm 1993 (tức sau 3 năm ông Miễn đã chuyển công tác).

Cho rằng ông Miễn đã chuyển công tác từ năm 1991 nên không thể ký vào "sổ đỏ" vào năm 1993 và việc này là trái pháp luật, bà Thấm liên tục có đơn gửi đến nhiều cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ sai phạm cũng như trả lại phần đất cho bà, nhưng vẫn không có cơ quan nào giải quyết thỏa đáng.

Tờ bán đất của phía ông Nguyễn Văn Sao cho phía bà Lê Hồng Thấm vào năm 1988.
Tờ bán đất của phía ông Nguyễn Văn Sao cho phía bà Lê Hồng Thấm vào năm 1988.

Người đại diện phía bị đơn từng thừa nhận đã bán đất cho nguyên đơn

Theo hồ sơ, ngày 31/12/2002, TAND huyện Thới Bình có biên bản xác minh phần đất tranh chấp đối với ông Nguyễn Văn Sao (người đại diện bán đất cho phía bà Thấm). Ông Sao khẳng định, phần đất tranh chấp có diện tích mỗi cạnh dài 36 m (diện tích một công tầm lớn, tức hơn 1.000 m2) có nguồn gốc của cha mẹ ông Sao và ông là con út nên được thừa kế sử dụng phần đất này. Ông Sao có cho ông Nguyễn Văn Huê (anh ruột ông Sao) quản lý, sử dụng.

Sau khi ông Huê mất, ông Sao đứng ra họp thân tộc, có chính quyền địa phương chứng kiến, với nội dung là nhượng lại phần đất cho ông 6 Vân (Nguyễn Thanh Vân, đại diện bà Thấm) với giá 70 giạ lúa (thời điểm này 5.100 đồng/giạ). “Tôi có làm biên nhận và có nhận của anh 6 Vân 182.000 đồng, tương đương 35 giạ lúa”, biên bản ghi lời ông Sao.

Cũng trong biên bản, ông Sao xác nhận, tờ giao kèo (biên nhận) được làm ngày 28/7/1988, với nội dung nhượng phần đất cho ông 6 Vân là đúng sự thật. Chữ ký trong tờ biên nhận cũng là chữ ký của ông Sao.

“Phần đất này là của tôi nên tôi yêu cầu tòa án căn cứ vào tờ giao kèo lập ngày 28/7/1988 có sự thống nhất của thân tộc, để bảo vệ quyền lợi cho anh 6 Vân. Lời trình bày trên là sự thật, nếu sai tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”, biên bản xác minh ghi rõ lời ông Nguyễn Văn Sao.

Vụ cấp “sổ đỏ” trái luật hơn 20 năm chưa được giải quyết: Sẽ xử vụ án trong tháng 11! - 5
Biên bản xác minh của TAND huyện Thới Bình đối với ông Nguyễn Văn Sao vào năm 2002. Trong biên bản này, có ghi rõ lời ông Sao khẳng định đã có bán phần đất cho phía bà Lê Hồng Thấm. Phần đất này là của tôi nên tôi yêu cầu tòa án căn cứ vào tờ giao kèo lập ngày 28/7/1988 có sự thống nhất của thân tộc để bảo vệ quyền lợi cho anh 6 Vân.
Biên bản xác minh của TAND huyện Thới Bình đối với ông Nguyễn Văn Sao vào năm 2002. Trong biên bản này, có ghi rõ lời ông Sao khẳng định đã có bán phần đất cho phía bà Lê Hồng Thấm. "Phần đất này là của tôi nên tôi yêu cầu tòa án căn cứ vào tờ giao kèo lập ngày 28/7/1988 có sự thống nhất của thân tộc để bảo vệ quyền lợi cho anh 6 Vân".

Qua lời trình bày trên của ông Nguyễn Văn Sao cho thấy, việc bán đất giữa ông Sao và phía gia đình bà Lê Hồng Thấm trùng khớp với lời xác nhận của một số người làm chứng ở địa phương.

Cụ thể, ông Vương Văn Nhu (SN 1959, hiện là Bí thư Chi bộ khóm 8, thị trấn Thới Bình) xác nhận: Bà Lê Hồng Thấm có sang nhượng phần đất từ phía thân tộc do ông Nguyễn Văn Sao đứng ra chuyển nhượng khoảng 1 công đất (trên 1.000 m2) từ khoảng năm 1988. Sau đó, bà Thấm có canh tác khoảng 3 năm, rồi đem cây lá cất nhà để ở định cư lâu dài. Lúc này, phía ông Nguyễn Văn Lịnh đến can ngăn rồi chiếm luôn phần đất mà bà Thấm đã sang nhượng hợp pháp từ phía gia đình ông Sao.

“Từ thời điểm đó, bà Thấm có đơn kiện ông Lịnh ra chính quyền. Trong thời gian bà Thấm chờ giải quyết thì không hiểu vì lý do gì mà chính quyền huyện Thới Bình đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhiều hộ dân trên phần đất tranh chấp này”, ông Nhu xác nhận.

Còn ông Hồ Công Thành (SN 1945, Hội viên Hội cựu chiến binh, ngụ cùng khóm 8) xác nhận, khoảng năm 1988, bà Lê Hồng Thấm có sang nhượng trên 1.000 m2 đất từ gia đình ông Nguyễn Văn Sao. Đất sang nhượng hợp pháp, được chính quyền địa phương ký, đóng dấu xác nhận.

Khi bà Thấm sang nhượng đất thì gia đình bà có canh tác vài năm. Sau đó, bà Thấm định cất nhà để ở thì bị phía gia đình ông Nguyễn Văn Lịnh ra ngăn cản. Gia đình bà Thấm phát đơn kiện ông Lịnh vì ngang nhiên ngăn cản bà Thấm cất nhà trên phần đất mà bà đã sang nhượng.

“Trong thời gian chờ chính quyền giải quyết trả lại phần đất cho bà Thấm, thì phía ông Lịnh cùng chính quyền địa phương huyện Thới Bình đã làm thủ tục cấp sổ đỏ, chuyển quyền sử dụng đất cho nhiều hộ khác”, giấy xác nhận của ông Thành nêu.

Vụ cấp “sổ đỏ” trái luật hơn 20 năm chưa được giải quyết: Sẽ xử vụ án trong tháng 11! - 7
Xác nhận của ông Nhu (trên) và của ông Thành về việc bà Thấm có sang nhượng đất của phía ông Sao.
Xác nhận của ông Nhu (trên) và của ông Thành về việc bà Thấm có sang nhượng đất của phía ông Sao.

Ngoài ra, ông Vương Văn Nhu cũng có giấy xác nhận những người có lại chính quyền khóm nộp thuế nhà đất trên phần đất đang tranh chấp.

Giấy xác nhận có nội dung: Năm 2011, ông Nhu là Trưởng Ban Nhân dân khóm 8. Thời điểm này, ông Nhu xác nhận có 4 người lại chính quyền khóm 8 nộp thuế nhà đất. Cụ thể: Ông Đặng Văn Tư (đóng thuế nhà đất 250 m2), bà Nguyễn Thị Kim (50 m2, miễn thuế do là hộ nghèo), ông Đỗ Minh Sơn (50 m2, thời điểm năm 2011 chưa đóng thuế nhà đất), ông Lê Minh Út (đóng thuế nhà đất dùm cho chị vợ với diện tích 90 m2).

Theo giấy xác nhận của ông Nhu, ông Lê Minh Út là một cán bộ lãnh đạo của Huyện ủy huyện Thới Bình. (Ông Lê Minh Út từng là Chánh Thanh tra huyện Thới Bình. Khi còn là Chánh Thanh tra huyện, ông Út đã chủ trì giải quyết vụ tranh chấp đất này vào năm 2011. Hiện nay ông Út là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Thới Bình).

“Việc tranh chấp đất giữa bà Thấm và ông Lịnh đã trên 20 năm. Nhưng không biết vì lý do gì các hộ dân nói trên được phép canh tác và sử dụng đất khi đang có tranh chấp...”, giấy xác nhận của ông Nhu nêu rõ.

Xác nhận của ông Nhu cho rằng, đất đang tranh chấp nhưng lại có người đóng thuế trên phần đất này; trong đó có người thân của cán bộ huyện Thới Bình.
Xác nhận của ông Nhu cho rằng, đất đang tranh chấp nhưng lại có người đóng thuế trên phần đất này; trong đó có người thân của cán bộ huyện Thới Bình.

Với những xác nhận nói trên từ ông Nguyễn Văn Sao (người đại diện bán đất cho phía bà Thấm) và một số nhân chứng có thể thấy rằng, việc bà Lê Hồng Thấm sang sượng đất hợp pháp từ phía gia đình ông Sao vào khoảng năm 1988 là có cơ sở.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Huỳnh Hải