Vụ đồ ăn của học sinh bị bỏ thuốc độc: Có căn cứ chuyển tội danh không?

PV

(Dân trí) - Theo dõi sự việc xảy ra tại THPT Chu Văn Thịnh (tỉnh Sơn La), nhiều độc giả không giấu được sự phẫn nộ. Họ cho rằng đây là hành vi nguy hiểm, có khả năng tước đoạt mạng sống của các em học sinh.

Chiều 22/9, UBND xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (Sơn La), nhận báo cáo của trường THPT Chu Văn Thịnh về việc thức ăn của hơn 400 học sinh ăn bán trú có mùi thuốc sâu. Sự việc được phát hiện kịp thời nên chưa có hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Qua xác minh tin báo, công an xác định Hà Thị Thi (39 tuổi, ở xã Chiềng Ban) là nghi phạm và bắt khẩn cấp người này về hành vi Gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Bà Thi là vợ của nguyên Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn Thịnh, từng được giao phụ trách bếp ăn bán trú của nhà trường.

Sau khi chồng được điều chuyển công tác, việc phụ trách bếp ăn và nhập thực phẩm không còn thuộc thẩm quyền của bà Thi. Vì thế, người phụ nữ cho thuốc trừ sâu vào thức ăn cho học sinh.

Vụ đồ ăn của học sinh bị bỏ thuốc độc: Có căn cứ chuyển tội danh không? - 1

Trường THPT Chu Văn Thịnh, huyện Mai Sơn nơi xảy ra vụ việc (Ảnh VOV).

Hành động tàn ác, cần phải cách ly khỏi xã hội!

Theo dõi thông tin sự việc, độc giả Nguyễn Thanh Bình ngỡ ngàng: "Vì tiền người ta có thể làm những điều táng tận lương tâm. Thật ác độc!".

"Là bà mẹ có con nhỏ, đọc bài viết mà xót xa, rơi nước mắt. Mong rằng pháp luật nghiêm minh để những kẻ dã tâm như vậy nhận được bài học thích đáng", chị Nguyễn Vân chia sẻ.

Chung cảm nhận, tài khoản Quy Nguyen Van bình luận: "Sợ quá, lòng người ở đâu? Hàng nghìn cháu nhỏ nếu ăn vào thì hậu quả sau này thật là khôn lường. Xã hội sao lại có những người hành động tàn ác quá".

"Bà này là vợ của hiệu trưởng cũ? Chỉ cần ăn bớt của các cháu mỗi bữa 1.000 đồng thì 1.200 x 2 x 1.000 x 26 = 62.400.000 đồng. Mỗi tháng kiếm được mấy chục triệu, vị trí này ra tiền", anh Đinh Trọng Thế nhìn nhận sự việc dưới góc độ kinh tế.

"Đây là tội giết người, chứ sao lại gây tổn hại sức khỏe được", "Cần phải cách ly hoàn toàn khỏi đời sống xã hội. Tội danh phải là giết người, mục đích động cơ rõ ràng, và là người có đầy đủ năng lực nhận thức", "Cái này là tội giết người hàng loạt rồi, chỉ là chưa chết thôi. Ngộ độc thuốc trừ sâu khả năng tử vong cũng không thấp đâu"... hàng loạt độc giả tỏ rõ sự bất bình, đề nghị thay đổi tội danh đối với nghi phạm.

Có căn cứ chuyển tội danh đối với nghi phạm?

Theo dõi sự việc, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá, đây là sự việc có tính chất nghiêm trọng, gây hoang mang, lo lắng cho phụ huynh, học sinh nhà trường cũng như cộng đồng xã hội. Kết quả xác minh ban đầu của công an cho thấy hành vi của người phụ nữ là rất nguy hiểm, táng tận lương tâm, vì động cơ đê hèn và có thể làm chết nhiều người. Bởi vậy, việc cơ quan điều tra bước đầu tạm giữ khẩn cấp người này là động thái cần thiết, có cơ sở và đúng pháp luật.

"Việc cần làm sau khi tạm giữ bà Thi là giám định mẫu thức ăn để xác định độc tố trong loại thức ăn chính xác là gì, tính chất nguy hiểm tới đâu, trường hợp học sinh ăn phải có thể gây chết người hay không? Ngoài ra, cũng cần làm rõ nhận thức, động cơ, mục đích của người này và có hay không sự móc nối với những người khác để cùng thực hiện hành vi", luật sư chỉ ra những vấn đề cần làm rõ để xác định trách nhiệm pháp lý đối với bà Thi.

Từ đó, ông Cường đánh giá nếu lượng thuốc sâu trong thức ăn đủ để làm chết người, nghi phạm ý thức được mức độ nguy hiểm của hành vi nhưng vẫn cố tình thực hiện, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Còn dựa trên căn cứ hiện có, luật sư nhìn nhận việc Công an huyện Mai Sơn tạm giữ bà Thi về hành vi Gây tổn hại sức khỏe cho người khác theo Điều 134 Bộ luật Hình sự là hợp lý, đúng quy trình.

Nhìn nhận dưới góc độ của người từng tham gia nhiều vụ án với vai trò kiểm sát viên, luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, dưới góc độ tố tụng hình sự, việc Công an huyện Mai Sơn ra quyết định tạm giữ và bước đầu xác định hành vi của nghi phạm Thi là có cơ sở. Từ đó, các hoạt động điều tra sẽ tiếp tục được tiến hành nhằm củng cố hồ sơ, xác định chính xác trách nhiệm pháp lý của người phụ nữ này.

"Hiện tại, chưa thể khẳng định người phụ nữ này phạm tội Giết người. Tuy nhiên, nhìn vào tính chất hành vi, có thể thấy đây là hành động hết sức nguy hiểm. Với một người có đầy đủ nhận thức và năng lực hành vi, họ cần ý thức được rằng hành động này hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của người khác.

Do đó, dù bà Thi có chủ đích xâm phạm tính mạng các em học sinh hay không, việc xem xét trách nhiệm hình sự người này về tội Giết người là cần thiết và có cơ sở", ông Thắng phân tích.

Từ nhận định trên, luật sư cho rằng nếu bị cơ quan điều tra quy kết tội danh về tội Giết người, bà Thi có thể đối diện hàng loạt tình tiết định khung quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 như giết 2 người trở lên; phạm tội vì động cơ đê hèn hoặc bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người.

Tuy nhiên, do sự việc được phát hiện kịp thời, hậu quả đáng tiếc chưa xảy ra nên hành vi của nghi phạm sẽ thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Căn cứ các Điều 15 và 57 Bộ luật Hình sự 2015, đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.

Hoàng Diệu