Vụ bỏ khối C00: Đừng để một quyết định ảnh hưởng đến hàng nghìn giấc mơ

PV

(Dân trí) - Giáo dục là lĩnh vực cần sự ổn định và lộ trình rõ ràng. Những thay đổi đột ngột, thiếu minh bạch không chỉ ảnh hưởng đến thí sinh mà còn làm giảm uy tín của các cơ sở đào tạo.

Những ngày qua, thông tin hàng loạt trường đại học bất ngờ bỏ tổ hợp C00 (Văn - Sử - Địa) trong xét tuyển đã khiến hàng nghìn học sinh, phụ huynh và giáo viên rơi vào tâm trạng hoang mang, thất vọng.

Khi kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn vài tuần, một quyết định thay đổi lớn như vậy không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh mà còn khiến công sức chuẩn bị suốt ba năm trời gần như trở thành… vô nghĩa. Quyết định này đã khiến hàng nghìn học sinh và phụ huynh rơi vào trạng thái hoang mang, hụt hẫng và đặt ra nhiều câu hỏi về tính hợp lý cũng như sự tuân thủ quy định tuyển sinh hiện hành.

Một số bạn bè của tôi có con đang là học sinh lớp 12, trong đó không ít em chọn khối C00 làm hướng đi chủ đạo. Một cháu gái thân quen của tôi vốn có năng khiếu Văn và rất đam mê ngành Quan hệ công chúng đã dành suốt ba năm cấp 3 để ôn khối C00. Khi nghe tin Trường ĐHKHXH&NV, ngôi trường em mơ ước, bỏ tổ hợp C00 ở ngành em dự định đăng ký, cháu rơi vào trạng thái khủng hoảng.

Cháu chán nản, bật khóc, thậm chí hoài nghi về nỗ lực học tập của bản thân. Cháu nói: “Cháu không giỏi khối A hay D, chỉ có C00 là điểm mạnh nhất. Giờ chẳng biết làm lại từ đâu…”.

Đây không phải trường hợp cá biệt. Trên mạng xã hội, hàng trăm học sinh cũng đang chia sẻ cảm xúc hụt hẫng vì quyết định thay đổi quá gấp gáp và không có lộ trình chuyển tiếp rõ ràng.

Vụ bỏ khối C00: Đừng để một quyết định ảnh hưởng đến hàng nghìn giấc mơ - 1

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: Nam Anh).

Tác động sâu rộng đến học sinh và xã hội

Khối C00 từ lâu đã là lựa chọn chủ đạo cho những học sinh yêu thích các ngành khoa học xã hội như Báo chí, Công tác xã hội, Quốc tế học, Tâm lý học, Quan hệ công chúng, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng, cùng nhiều ngành khác.… Nhiều em đã dành suốt ba năm cấp ba để ôn luyện chuyên sâu theo tổ hợp này.

Việc trường đột ngột loại bỏ C00 khỏi danh sách xét tuyển khiến công sức của các em trở nên vô nghĩa, đồng thời làm đảo lộn toàn bộ kế hoạch học tập và định hướng nghề nghiệp. Không chỉ Trường ĐHKHXH&NV, nhiều trường đại học khác như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã thông báo dừng xét tuyển khối C00 trong năm 2025. Điều này tạo ra làn sóng lo lắng trong cộng đồng học sinh và phụ huynh, khi cơ hội vào các ngành yêu thích bị thu hẹp đáng kể.

Việc bỏ tổ hợp C00, một tổ hợp truyền thống của khối ngành xã hội, là thay đổi lớn và có thể hiểu là sự điều chỉnh mang tính chiến lược của nhà trường để phù hợp với yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới. Nếu quyết định loại tổ hợp C00 được đưa ra và công bố chậm trễ, sát với kỳ thi, thì việc này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh, mà còn gây ra tâm lý tiêu cực, mất niềm tin vào sự ổn định và minh bạch trong tuyển sinh đại học.

Đừng để một quyết định ảnh hưởng đến hàng nghìn giấc mơ

Không thể phủ nhận những nỗ lực của Nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, hướng đến hội nhập quốc tế, yêu cầu năng lực ngoại ngữ, và cải tiến đầu vào theo chương trình mới. Tuy nhiên, những thay đổi đó cần được thực hiện có lộ trình, minh bạch và đặc biệt là đặt học sinh làm trung tâm đúng như tinh thần của đổi mới giáo dục.

Bỏ khối C00 đột ngột không chỉ là một cú sốc đối với các em học sinh, mà còn là hồi chuông cảnh báo về cách ra quyết định thiếu tham vấn, thiếu dự báo tác động xã hội.

Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh và duy trì niềm tin vào hệ thống giáo dục, các trường đại học cần công bố phương án tuyển sinh từ sớm (ít nhất trước 1 năm), tránh thay đổi vào năm cuối cấp - thời điểm học sinh đã chốt định hướng và tổ hợp ôn tập. Giúp học sinh có đủ thời gian chuẩn bị và điều chỉnh kế hoạch học tập.

Tuân thủ nghiêm túc các quy định của Bộ GD&ĐT, tránh những thay đổi đột ngột gây ảnh hưởng đến thí sinh.

Nếu có điều chỉnh tổ hợp, cần xem xét giữ lại một phần chỉ tiêu cho tổ hợp truyền thống (như C00), đặc biệt là với các ngành xã hội có đặc thù riêng.

Cân nhắc giữ lại tổ hợp C00 ở một số ngành phù hợp, đảm bảo sự đa dạng trong tuyển sinh và đáp ứng nhu cầu của học sinh yêu thích khối xã hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về tổ hợp tuyển sinh, đảm bảo sự ổn định, công bằng và quyền lợi của học sinh.

Nhà trường cần tăng cường truyền thông, đối thoại với phụ huynh - học sinh, tránh để xảy ra hiểu lầm hoặc thông tin nửa vời khiến cộng đồng hoang mang.

Mỗi kỳ thi, mỗi lựa chọn đại học là cả một hành trình nỗ lực, dồn tâm sức và kỳ vọng của học sinh và gia đình. Một thay đổi tuyển sinh dù có chủ đích tốt đẹp nhưng nếu thiếu cân nhắc, thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng, sẽ có thể để lại hậu quả ngoài mong muốn.

Hy vọng Trường ĐHKHXH&NV sẽ lắng nghe, rà soát và có điều chỉnh hợp lý để giảm thiểu tác động tiêu cực đến các thí sinh năm nay. Và cũng mong rằng, đây sẽ là bài học kinh nghiệm quý giá cho tất cả các trường đại học khác khi thực hiện đổi mới tuyển sinh trong tương lai.

Giáo dục là lĩnh vực cần sự ổn định và lộ trình rõ ràng. Những thay đổi đột ngột, thiếu minh bạch không chỉ ảnh hưởng đến thí sinh mà còn làm giảm uy tín của các cơ sở đào tạo. Rất mong các trường đại học xem xét lại quyết định của mình, đặt lợi ích của học sinh lên hàng đầu và thực hiện các điều chỉnh cần thiết để đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.

                                                            TS. Vũ Thị Minh Huyền