Có nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia năm nay?

Có lẽ chưa năm nào học sinh lớp 12 lại lận đận như năm nay. Đã 2 lần thay đổi lịch thi THPT quốc gia do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng đến giờ, các em vẫn lo lắng bởi chưa biết kỳ thi có diễn ra hay không!

Đã gần giữa tháng 4 rồi, quỹ thời gian năm học 2019-2020 không còn nhiều, nhưng các em học sinh vẫn đang phải nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19. Học sinh khối 12 cùng các bậc phụ huynh nhiều người sốt ruột vì việc học tập năm nay bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã cho biết, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát và học sinh có thể đi học trở lại trước ngày 15/6/2020, chúng ta sẽ đủ thời gian chuẩn bị tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ ngày 8-11/8/2020. Tuy nhiên, phương án xấu nhất khi tình hình dịch bệnh chưa thể kiểm soát để học sinh được đi học trở lại trước ngày 15/6/2020, Bộ GD&ĐT sẽ trình Quốc hội cân nhắc phương án phù hợp hơn. Như vậy có nghĩa là, học sinh lớp 12 tiếp tục chờ đợi.

 
Có nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia năm nay? - 1

Kết quả khảo sát trên VCNET

Theo kết quả khảo sát trên VCNET, trước câu hỏi: Dịch COVID-19 khiến học sinh phải nghỉ học kéo dài, một số ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT cần tính đến phương án bỏ kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Bạn có ủng hộ ý kiến này? Theo đó, tính đến 18h ngày 12/4/2020, tổng có 3.692 phiếu tham gia khảo sát, trong đó 1.886 phiếu ủng hộ, chiếm 51,08%; 1.449 phiếu không ủng hộ, chiếm 39,25%; 357 phiếu ý kiến khác, chiếm 9,67%.

Một thực tế cho thấy, bỏ kỳ thi THPT quốc gia không hề đơn giản chút nào vì liên quan đến nhiều vấn đề. Trước hết là phải sửa luật. Theo quy định của Luật Giáo dục 2019, học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp Bằng tốt nghiệp THPT. Do đó, muốn bỏ kỳ thi THPT quốc gia năm nay phải sửa luật. Mà việc này lại do Quốc hội quyết.

Theo ý kiến Giám đốc các Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Hải Dương… đều cho rằng, năm 2020 vẫn nên tiến hành thi THPT quốc gia sẽ tốt hơn là bỏ thi. Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang Nguyễn Thế Bình cho rằng, việc tổ chức thi sẽ khiến học sinh và giáo viên có sự nỗ lực hơn trong việc trang bị kiến thức. Chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho đất nước từ lứa học sinh này theo đó cũng được đảm bảo. “Chúng ta phải nhìn dài hơn vào chất lượng nguồn nhân lực tương lai và vì chính quyền lợi của học sinh khi được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết cho việc học tập hoặc làm việc trong tương lai để đưa ra những quyết định liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia này”, Giám đốc Nguyễn Thế Bình nói.

Đồng tình với việc lấy mốc 15/6 để quyết định tiếp tục tổ chức thi THPT quốc gia hay bỏ thi để đảm bảo an toàn cho học sinh khi dịch còn diễn biến phức tạp, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn Ma Thế Quyên bày tỏ, tổ chức được kỳ thi sẽ tốt hơn. Lý do là từ những năm học trước, học sinh đã học tập, ôn luyện kiến thức để sẵn sàng tham dự kỳ thi lấy kết quả để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng này. Thời gian vừa qua dù phải nghỉ học ở trường vì phòng chống dịch nhưng học sinh lớp 12 vẫn rất ý thức trong việc học để tháng 8 tới đây sẽ dự thi.

“Mọi thay đổi thời điểm này sẽ làm xáo trộn tâm lý học trò. Các em sẽ băn khoăn, lo lắng không biết nếu xét tốt nghiệp và trường đại học, cao đẳng chủ động tuyển sinh thì phương án như thế nào, sẽ khó khăn ra sao, trong thời gian ngắn các em có đáp ứng được yêu cầu của trường đại học để được vào học tiếp… Nhóm học sinh khá-giỏi ước mơ vào giảng đường đại học đã phấn đấu rất nhiều và sẽ rất tâm tư nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia. Quyết định này, ở khía cạnh nào đó, có thể không công bằng với học sinh. Nên chỉ bất khả kháng khi dịch tiếp tục phức tạp ta mới nên không tổ chức kỳ thi này”, ông Ma Thế Quyên nói.

 
Có nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia năm nay? - 2

Ảnh minh hoạ. Nguồn: VA

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cũng cho hay, Bộ GD&ĐT cần có nhiều phương án đặt ra đối với kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 dựa trên tình hình thực tế. Nhưng vào thời điềm này, theo TS Khuyến, chưa nên vội nói chuyện bỏ thi, dẫn tới tâm lý học sinh buông không học.

TS Lê Viết Khuyến cho biết thêm, ở một số nước bỏ kỳ thi THPT quốc gia và giao cho địa phương công nhận tốt nghiệp, bởi họ có hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông rất tốt, còn ở ta bệnh thành tích nặng, để địa phương tự quyết định sợ không đảm bảo công bằng, dễ phát sinh tiêu cực.

Trong tình huống có thể ta vẫn nên giữ kỳ thi THPT quốc gia. Trong trường hợp bất khả kháng, dịch bệnh vẫn kéo dài, biện pháp cách ly xã hội còn chưa được dỡ bỏ nên thí sinh không thể đến điểm thi, thì mới nên thay thế thi bằng một phương án công nhận tốt nghiệp phù hợp.

“Vẫn có thể tổ chức thi THPT quốc gia nhưng năm nay đề thi nên giảm mạnh phần câu hỏi nâng cao, chỉ tập trung thi các nội dung cơ bản. Các nội dung học kỳ II không học thì không đưa vào đề thi. Học sinh học được đến đâu thi đến đó” - TS Khuyến gợi ý.

Nhận định, nếu không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thì việc tuyển sinh sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng do phần đa các trường lâu nay vẫn tham khảo kết quả của kỳ thi để xét tuyển. Tuy nhiên, TS. Lê Viết Khuyến cũng cho rằng, Luật Giáo dục đại học quy định việc tuyển sinh là quyền của các trường đại học. Các trường có thể tổ chức thi hoặc chỉ dựa vào xét tuyển, hoặc kết hợp thi và xét tuyển... Năm nay, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã tiên phong trong việc tổ chức thi riêng. Và các năm trước đây, nhiều trường đã áp dụng phương án xét tuyển để tuyển sinh.

Dành nhiều thời gian những năm THPT để học và chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, em Nguyễn Ngọc Anh, học sinh lớp 12 ở Hà Nội cho biết, mặc dù không đến trường học, nhưng em vẫn đang nỗ lực tự học và học trực tuyến với các thầy cô ở trường để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia tháng 8 tới. “Nếu bỏ kỳ thi này em sẽ rất thất vọng vì có thi mới đảm bảo công bằng. Nếu để địa phương xét công nhận tốt nghiệp em không thấy yên tâm vì bệnh thành tích sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả cuối cùng. Việc này chỉ thuận lợi cho những bạn không thi đại học. Còn những người có mong muốn thi đại học như em thì sẽ bất lợi”- Ngọc Anh bày tỏ.

Có lẽ lúc này, gia đình, nhà trường và xã hội cần quan tâm, động viên các em học sinh lớp 12 yên tâm học hành, chuẩn bị kiến thức và tâm thế vững vàng dù thi hay không, để khi kết thúc 12 năm đèn sách không phải hối tiếc. Và nên chăng chúng ta cũng không cần bàn nhiều, tranh luận quá nhiều việc nên hay không nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia nữa, tránh gây hoang mang, lo lắng không đáng có cho các em./.

Theo Mỹ Anh

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam