Vụ bé gái 4 tuổi lái xe ô tô trên phố: Phụ huynh sẽ bị xử phạt thế nào?

Khả Vân

(Dân trí) - Theo luật sư, nếu cơ quan chức năng xác minh được người cha đã để cho con nhỏ cầm vô lăng lái xe trên đường thì người cha sẽ bị phạt với mức cao nhất là 6 triệu đồng.

Ngày 17/7, một tài khoản mạng xã hội đã chia sẻ clip ghi lại cảnh bé gái chừng 4 tuổi đang ngồi trong lòng người đàn ông ở vị trí ghế lái của chiếc xe ô tô 4 chỗ màu đen BKS 51F-23xxx. Đáng nói người đàn ông đã cho bé gái cầm vô lăng điều khiển xe đi giữa đường phố.

Người đăng tải clip cho biết sự việc xảy ra vào hơn 9h sáng cùng ngày, chiếc xe lúc đó đang lưu thông trên phố Rạch Gầm (TP Mỹ Tho). Ngày 18/7, Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang cho biết đang xác minh thông tin và sẽ xử lý theo quy định.

Vụ bé gái 4 tuổi lái xe ô tô trên phố: Phụ huynh sẽ bị xử phạt thế nào? - 1

Hình ảnh bé gái ngồi trong lòng người lớn, cầm vô lăng chiếc xe đang chạy trên phố khiến nhiều người sợ hãi (Ảnh cắt từ clip).

Clip nhanh chóng nhận được phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng, hầu hết các bình luận đều phản đối, lên án hành vi gây nguy hiểm cho chính những người trong xe và những người tham gia giao thông khác. Vậy, với hành vi coi thường mạng sống của người khác như thế, phụ huynh có phạm tội gì không?

Để con lái ô tô, phụ huynh có thể bị phạt

Hành vi để con nhỏ cầm vô lăng là mối hiểm họa vô lường đối với tính mạng của người điều khiển giao thông khác và với chính bản thân người đang ngồi trong ô tô. Theo luật sư Nguyễn Thị Xuyến (Đoàn Luật sư  TP Hà Nội), nếu cơ quan chức năng xác minh việc người cha trong clip để cho con nhỏ cầm vô lăng lái xe lưu thông trên đường là đúng, thì người này đã vi phạm quy định để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông theo quy định tại điểm h, khoản 8, Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức phạt từ 04 - 06 triệu đồng đối với cá nhân; 08 - 12 triệu đồng đối với tổ chức.

Ngoài ra, nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng, đủ để xử lý theo pháp luật hình sự thì có thể bị truy tố về Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015.

Lúc này, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Nặng hơn còn có thể bị phạt tù đến 07 năm.

Nguy hiểm từ việc để con nhỏ ngồi vào lòng hoặc ghế trước ô tô

Để trẻ nhỏ ngồi vào lòng khi đang lái ô tô, nhiều cha mẹ không lường trước được họ đang đặt con cháu mình trước những tình huống nguy hiểm chết người. Khi để trẻ ngồi phía trước, rủi ro có thể đến từ việc trẻ nghịch vô lăng khiến xe bị mất lái. Nguy hiểm hơn, nếu xảy ra tai nạn thì trẻ nhỏ sẽ chịu lực tác động lớn hơn nhiều so với tài xế.

Trung tâm an toàn đường bộ NSW (Australia) đã có bài thử nghiệm va chạm để thấy mức độ nguy hiểm của việc cho trẻ nhỏ ngồi vào lòng khi đang lái ô tô. Bài thử nghiệm cho thấy lực tác động của túi khí khi bung ra mạnh tới mức khiến hình nộm trẻ nhỏ ngồi trong lòng tài xế bị hất văng lên trần xe. Tai nạn này có thể khiến trẻ bị gãy cổ và chấn thương sọ não. Trong khi đó, hình nộm người lớn ngồi trên ghế lái chỉ có nguy cơ bị thương ở mặt.

Không chỉ với ghế lái và việc cho trẻ ngồi trong lòng khi lái xe, tất cả các chỉ dẫn, khuyến cáo về an toàn đều nhắc đến việc cha mẹ không để trẻ em dưới 12 tuổi ngồi ở hàng ghế trước, nhằm tránh nguy cơ chấn thương.

Lý do của khuyến cáo này là hiện nay hầu hết các xe đời mới đều được trang bị ít nhất là hai túi khí phía trước. Khi xảy ra va chạm, túi khí có thể bung với tốc độ 160-320 km/h, tương đương 10-25 phần nghìn giây, nhanh hơn một cái chớp mắt, với lực bung cực mạnh.