Vụ bác sĩ bị tấm kính rơi vào người: Quán cà phê phải bồi thường khi nào?
(Dân trí) - Theo luật sư, cần làm rõ vụ tai nạn là do sự kiện bất khả kháng hay có yếu tố lỗi dẫn tới sự việc đáng tiếc. Nếu có yếu tố lỗi, các bên liên quan phải bồi thường trong phạm vi lỗi của mình gây ra.
Như Dân trí thông tin, tối 20/4, bác sĩ Hoàng Minh Lý (29 tuổi, quê Nghệ An) bị tấm kính cường lực tại quán cà phê The Coffee House trên phố Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) rơi vào người dẫn tới đa chấn thương, liệt nửa người. Nữ bác sĩ hiện được điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Thông tin về sự việc, The Coffee House xác nhận sự cố xảy ra tối 20/4 khiến 7 người (4 nhân viên, 3 khách hàng) bị thương phải vào viện, trong đó 6 người đã ra viện và được quán chi trả toàn bộ viện phí đợt đầu. Với trường hợp của bác sĩ Lý, đại diện quán sẽ làm việc cùng gia đình cũng như Ban Quản lý tòa nhà Viet Tower để trao đổi về phương án giải quyết, bồi thường cho gia đình nạn nhân. Đồng thời, quán cũng đã yêu cầu công an vào cuộc để xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Từ sự việc trên, độc giả Dân trí đặt câu hỏi về việc những yếu tố nào cần làm rõ để xác định trách nhiệm pháp lý trong vụ việc? Và nếu xác định có yếu tố lỗi xảy ra, những tổ chức, cá nhân nào có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường?
Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) đánh giá đây là sự việc hết sức đáng tiếc, gây tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe của bác sĩ Lý và tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Mặc dù phần đông yêu cầu The Coffee House phải chịu trách nhiệm, song theo ông Hùng, để xác định trách nhiệm pháp lý trong vụ việc này là vấn đề không đơn giản, cần có sự phối hợp xác minh của nhiều bên để có thể xác định chính xác có hay không yếu tố lỗi trong vụ việc này, và nếu có, những tổ chức, cá nhân nào sẽ phải bồi thường cho nạn nhân.
Bình luận dưới góc độ pháp lý, ông Hùng cho rằng đối với vụ việc này, The Coffee House, đơn vị thi công kính cường lực và đơn vị quản lý tòa nhà Viet Tower sẽ là các bên cần được làm rõ trách nhiệm.
Trong đó, hàng loạt vấn đề được luật sư đặt ra như: Việc thi công được diễn ra như thế nào, có dấu hiệu của sự tắc trách, làm sai quy trình, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, nghiệm thu dẫn tới hậu quả như trên hay không? Chủ quán, đơn vị thi công và đơn vị quản lý vận hành có thường xuyên kiểm tra độ an toàn, chịu lực của tấm kính cũng như độ hao mòn, tróc lở của hạng mục này theo thời gian hay không?
Về mặt kỹ thuật, cần làm rõ tấm kính đã được thi công đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn chưa? Việc nghiệm thu diễn ra như thế nào? Các bên liên quan có sự tác động (trực tiếp hoặc gián tiếp) dẫn tới hậu quả nghiêm trọng hay không?...
Từ hàng loạt vấn đề trên, ông Hùng chỉ ra 2 tình huống có thể xảy ra như sau: Thứ nhất, nếu toàn bộ quá trình thi công, lắp dựng, nghiệm thu, quản lý, vận hành được thực hiện chuẩn chỉ, đảm bảo đầy đủ các quy tắc hành chính và quy tắc kỹ thuật, việc tấm kính rơi là sự kiện bất khả kháng do tình hình thời tiết cực đoan, chủ quán đã làm mọi cách để hạn chế nhưng thiệt hại đáng tiếc vẫn xảy ra, đây có thể coi là hoặc "sự kiện bất khả kháng".
Theo Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, "sự kiện bất khả kháng" là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Khoản 2, Điều 584 Bộ luật này quy định người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Như vậy, đối với trường hợp này, nếu việc tấm kính rơi xuống là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước, không thể khắc phục dù các bên liên quan đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, trách nhiệm bồi thường đối chiếu theo pháp luật của The Coffee House và các đơn vị liên quan có thể được loại trừ. Tuy nhiên, nếu gia đình và các bên liên quan có thỏa thuận khác về việc bồi thường, thỏa thuận này vẫn sẽ được pháp luật ghi nhận.
Thứ hai, nếu xác định có yếu tố lỗi dẫn tới việc tấm kính rơi xuống và làm bác sĩ Lý bị tổn thương nghiêm trọng, các bên có lỗi sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra cho nữ bác sĩ trong phạm vi lỗi của mình gây ra. Theo Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015, bác sĩ Lý sẽ được bồi thường thiệt hại các khoản tiền do sức khỏe bị xâm phạm như: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút; Thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc; Nếu nạn nhân bị mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc và các thiệt hại khác do pháp luật quy định.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra để xác định cụ thể lỗi thuộc về cá nhân, tổ chức nào để có thể đưa ra hình thức xử lý phù hợp. Ngoài việc bồi thường dân sự, nếu xét thấy có dấu hiệu hình sự, cần khởi tố vụ án để điều tra theo quy định của pháp luật.