Lâm Đồng:
Vụ áp thuế 5,7 tỷ đồng cho 253 m2 đất huyện: “Không được tính tiền sử dụng đất cho dân"
(Dân trí) - 610 m2 đất của gia đình bà Lích là đất thổ cư được nhà nước cấp từ năm 1986 và sau này được quyết định 419 của UBND huyện Đức Trọng công nhận là đất thổ cư thì cơ quan có thẩm quyền cũng phải công nhận và không được tính tiền sử dụng đất.
Đó là khẳng định của luật sư Hồ Nguyên Lễ, Trưởng Văn phòng Luật sư Luật Tín Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM.
Liên quan đến vụ bà Đàm Thị Lích (75 tuổi, ngụ số 93 Trần Hưng Đạo, tổ 13, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) nhận được thông báo nộp tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ nhà, đất số 464/CCT - TB của Chi Cục thuế huyện Đức Trọng với số tiền là 5.779.589.170 (hơn 5,7 tỷ đồng) cho 253,9m2 đất thổ cư, dù trước đó, bà Lích đã đưa ra nhiều tài liệu, quyết định nhằm chứng minh nguồn gốc lô đất 610m2 là đất thổ cư đã được UBND huyện Đức Trọng công nhận bằng các quyết định đã được ban hành.
Sau khi Báo điện tử Dân trí đăng tải bài viết “Làm sổ đỏ 253m2 đất ở huyện, công dân phải nộp tiền sử dụng đất hơn 5,7 tỷ đồng”,đông đảo bạn đọc cả nước hết sức quan tâm đến vụ việc này.
Để rộng đường dư luận, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Trưởng Văn phòng Luật sư Luật Tín Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM.
Luật sư Hồ Nguyên Lễ phân tích: Theo hồ sơ bà Lích cung cấp thì tại Quyết định số 3572/QĐ-UB ngày 28/11/2001 của UBND tỉnh Lâm Đồng đã xác minh nguồn gốc sử dụng của bà Lích là “Trước giải phóng năm 1975, gia đình bà Lích có sử dụng lô đất 3.925 m2 để sản xuất nông nghiệp. Sau giải phóng năm 1975, dịch tích đất trên đưa vào HTX Cao Bắc Lạng 1 quản lý. Đến năm 1986 chính quyền địa phương quy hoạch toàn bộ khu vực đất trên thành khu dân cư và đã giao đất cho các hộ cán bộ - CNV và nhân dân tại khu vực sử dụng cho đến nay, trong đó gia đình bà Lích cũng được cấp 610 m2”.
Đến năm 1993 khi giải quyết tranh chấp đất thì tại Quyết định số 419/QĐ-UB ngày 18/12/1993 của UBND huyện Đức Trọng đã “Công nhận lô đất 610 m2 của ông Lan bà Lích là đất thổ cư, có tứ cận rõ ràng. Giao cho Phòng Nông lâm thủy và UBND thị trấn Liên Nghĩa lập thủ tục cấp quyền sử dụng đất”. Như vậy có thể xác định được là bà Lích bị thu hồi 3.925 m2 sản xuất nông nghiệp để chính quyền địa phương quy hoạch toàn bộ khu vực đất trên thành khu dân cư và đã giao đất cho bà Lích sử dụng đất 610 m2 thổ cư từ năm 1986. Sau đó UBND huyện Đức Trọng công nhận lại vụ việc trên theo Quyết định số 419 rằng 610 m2 đã được bà Lích sử dụng là đất thổ cư. Theo đó trách nhiệm của UBND và Chủ tịch UBND thị trấn Liên Nghĩa phải tiến hành lập thủ tục cấp quyền sử dụng đất cho bà Lích từ thời điểm 18/12/1993 mới đúng.
Ngày 23/11/2012, bà Lích tiến hành làm đơn xác nhận diện tích đất đang sử dụng để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất. Đến ngày 20/02/2013 Chi Cục thuế Đức Trọng thông báo nộp tiền sử dụng đất là trong thời gian Luật Đất đai năm 2003 còn hiệu lực thi hành nên cần áp dụng Luật Đất đai năm 2003 để cấp GCNQSD đất cho bà Lích và xác định nghĩa vụ thuế bà Lích phải nộp.
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 50 Luật đất đai 2003 thì gia đình bà Lích thuộc diện hộ gia đình đang sử dụng đất ổn định và có giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai nên thuộc trường hợp được cấp GCNQSD đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
Việc cơ quan chức năng căn cứ vào ngày ban hành Quyết định 419 ngày 18/12/1993 để xác định gia đình bà Lích sử dụng đất từ ngày 18/12/1993 là chưa phù hợp. Trong trường hợp này, phải xác định thời điểm gia đình bà Lích được quyền sử dụng đất là từ năm 1986 đúng theo thực tế sử dụng đất và theo nội dung của văn bản do chính UBND huyện Đức Trọng đã xác minh trong quá trình giải quyết khiếu nại và đã công nhận chứ không thể dựa trên thời điểm ban hành Quyết định 419 là ngày 18/12/1993 để buộc gia đình bà Lích phải nộp tiền sử dụng đất.
Ngoài ra, trên phần đất 610 m2 của gia đình bà Lích có một phần đã xây nhà, phần còn lại (310 m2) bị cơ quan có thẩm quyền xác định là đất nông nghiệp là chưa đúng quy định. Bởi, từ năm 1986 bà Lích đã được cấp 610 m2 đất là thổ cư, nếu hạn mức chỉ được cấp 300 m2 đất ở thì phần đất còn lại không thể xác định là đất nông nghiệp được, mà cần phải xác định đó là đất vườn ao trong cùng một thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư thì mới phù hợp thực tế. Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 87 Luật đất đai năm 2003 qui định diện tích đất vườn, ao được xác định là đất ở trong cùng một thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư như sau: “Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2004) và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này mà trong giấy tờ đó ghi rõ diện tích đất ở thì diện tích đất có vườn, ao được xác định theo giấy tờ đó.”. Và hiện tại theo khoản 3 Điều 103 Luật đất đai năm 2013 cũng có quy định tương tự.
Như vậy, trong trường hợp này, toàn bộ diện tích 610 m2 của gia đình bà Lích là đất thổ cư được nhà nước cấp từ năm 1986 và sau này đã được Quyết định 419 của UBND huyện Đức Trọng công nhận là đất thổ cư thì cơ quan có thẩm quyền cấp GCNQSD đất phải công nhận và cấp GCNQSD đất đối với toàn bộ 610 m2 đất trên cho bà Lích là đất thổ cư (đất ở) và không được tính tiền sử dụng đất. Toàn bộ thửa đất thổ cư 610 m2 của gia đình bà Lích là đất đã được nhà nước giao quyền sử dụng từ năm 1986, không phải là đất ở mới được giao theo quy định của Luật đất đai 2003, cũng không phải đất nông nghiệp chuyển mục đích sử dụng lên đất thổ cư để ở.
Do đó, các cơ quan có thẩm quyền của huyện Đức Trọng dựa trên các quy định về hạn mức giao đất ở để tách diện tích đất của bà Lích thành 2 thửa, một thửa đất nông nghiệp (310 m2), một thửa buộc phải đóng tiền bằng với mức tiền sử dụng đất trong trường hợp nhà nước giao đất mới vượt hạn mức giao đất ở là chưa đúng quy định tại khoản 3 Điều 87 Luật Đất đai năm 2003 và khoản 3 Điều 103 Luật đất đai năm 2013 hiện đang có hiệu lực.
Cũng nói thêm rằng, thực tế là các quy định pháp luật về đất đai của nước ta từ sau 1975 đến nay có nhiều thay đổi, khối lượng văn bản rất lớn, nên các cán bộ làm công tác quản lý đất đai nếu không hiểu rõ và không nắm bắt kịp các thay đổi sẽ dễ có những sai sót không nhỏ và gây thiệt hại cho người sử dụng đất.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Trung Kiên