Tây Ninh - Bài 3:

Vụ án “ngâm” 4 năm, thay 4 thẩm phán vẫn chưa đưa ra xét xử: TAND huyện Trảng Bàng nói gì?

(Dân trí) - UBND huyện “câu giờ” trả lời văn bản của Toà, bị đơn đông con cháu, có người đang ở nước Nhật, nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện…là những nguyên nhân được TAND huyện Trảng Bàng lý giải cho vụ án “ngâm” 4 năm, thay 4 thẩm phán vẫn chưa được đưa ra xét xử.

toahuyen.jpg

TAND huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh vẫn đang thụ lý vụ án.

Theo thông tin trả lời báo chí từ TAND huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), ngày 29/2/2015, TAND huyện thụ lý vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn bà Huỳnh Thị Mẽ và bị đơn ông Trần Văn Nhân. Tài sản tranh chấp là quyền sử dụng1.962m2 đất. Ngày 23/8/2016, bà Mẽ bổ sung yêu cầu khởi kiện diện tích đất tranh chấp là 2.344m2.

Trong quá trình thụ lý vụ án, TNAD huyện Trảng Bàng có công văn yêu cầu UBND huyện Trảng Bàng cung cấp thông tin về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho bà Huỳnh Thị Mát, ông Trần Văn Nhân (bà Mát đã sang tên cho chồng là ông Nhân) và bà Huỳnh Thị Mẽ. Hết thời hạn giải quyết vụ án nhưng UBND huyện Trảng Bàng chưa trả lời nên nên Toà án đã đình chỉ giải quyết vụ án.

Toà án có văn bản nhắc nhở nhưng UBND huyện Trảng Bàng chậm trả lời. Khi có kết quả trả lời, ngày 17/7/2017, TAND quyết định tiếp tục giải quyết vụ án khi bị đơn là ông Trần Văn Nhân đã chết. Toà án phải đưa tất cả hàng thừa kế thứ nhất của ông Nhân vào tham gia tố tụng với tư các là người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bị đơn.

Tuy nhiên, ông Nhân có 9 người con (đã chết 3 người có vợ con, trong đó có một người mới chết ngày 27/1/2018). Các con và cháu ông Nhân ở nhiều địa phương khác nhau, về phía bị đơn không hợp tác. Do đó TAND huyện Trảng Bàng rất khó khăn và tốn nhiều thời gian để đưa tất cả những người tham gia tố tụng trong vụ án. Đến khi thu thập xong thì có 2 đương sự đang định cư, sinh sống và làm việc ở nước Nhật.

Ngày 16/6/2018, bà Huỳnh Thị Mẽ thay đổi yêu cầu khởi kiện là “Tranh chấp về thừa kế tài sản”. Tài sản tranh chấp gồm 19.772m2 quyền sử dụng đất do ông Nhân đứng tên và nhiều công đất do những người trong gia đình ông Nhân đang sử dụng. TAND yêu cầu nguyên đơn cung cấp tất cả những người đang quản lý sử dụng tài sản tranh chấp nhưng đến tháng 1/2019, nguyên đơn vẫn chưa cung cấp được.

a1.jpg

au nhiều năm, từ chỗ có hơn 7.000m2 đất được cấp GCNQSDĐ hợp pháp thì đến nay gia đình ông Gấm trở nên trắng tay.

TAND huyện tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ nhưng do nhiều tài sản và nhiều công trình xây dựng trên đất nên cán bộ Văn phòng Đăng kí quyền sử dụng đất giải thích cho nguyên đơn thuê Công ty đo đạc thì nguyên đơn đồng ý. Tuy nhiên, qua nhiều lần nhắc nhở nhưng nguyên đơn không thuê Công ty đo đạc. Đến ngày 3/1/2019, nguyên đơn có đề nghị TAND huyện Trảng Bàng thuê Công ty đo đạc.

Ngoài ra, có 2 trường hợp đang sinh sống ở nước Nhật nên TAND huyện Trảng Bàng có công văn đề nghị TAND tỉnh Tây Ninh tiến hành Uỷ thác tư pháp để thu thập chứng cứ và được TAND tỉnh Tây Ninh thực hiện và chưa có kết quả.

Hiện TAND huyện Trảng Bàng đang tiến hành các thủ tục tố dụng để đưa vụ án ra xét xử theo quy định.

Như Báo Dân trí phản ánh, TAND huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) vẫn đang thu lý vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa bà Huỳnh Thị Mẽ (84 tuổi, uỷ quyền cho ông Lê Văn Gấm, 47 tuổi, nguyên đơn) và bị đơn là ông Trần Văn Nhân (ông Nhân uỷ quyền cho bà Trần Thị Niệm, 67 tuổi, tất cả cùng ngụ xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng).

Tại biên bản hoà giải ngày 4/8/2015, ông Gấm trình bày, năm 1994, gia đình ông được UBND huyện Trảng Bàng cấp GCNQSDĐ diện tích 7.039m2 thuộc thửa đất số 6, tờ bản đồ số 929, toạ lạc tại ấp Suối Sâu (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), đến năm 2008, ông Nhân kê khai đăng ký GCNQSDĐ thì ông Gấm bất ngờ được cán bộ địa chính xã báo là đất của gia đình ông bị sai số thửa.

a2.jpg

Phần đất giữa gia đình ông Gấm và bà Niệm xảy ra tranh chấp.

Điểm “mấu chốt” của vụ việc có thể xác định từ thời điểm năm 2008, khi gia đình ông Gấm kê khai đăng ký GCNQSDĐ và được cán bộ địa chính xã báo là đất của gia đình ông bị sai số thửa. Tuy nhiên đến nay, gia đình ông Gấm vẫn chưa nhận được bất kì thông báo giải quyết nào từ Phòng TNMT huyện Trảng Bàng. Chính điều này khiến người dân phải rơi vào vòng kiện cáo, kéo dài.

GCNQSDĐ đất do UBND huyện Trảng Bàng cấp cho người dân nhưng khi xảy ra tranh chấp, cần xác minh người dân có sử dụng diện tích đất đó hay không thì UBND huyện lại cho rằng không thuộc trách nhiệm của huyện. Vậy đến nay hơn 7.000m2 đất từng được cấp sổ của người dân đã “bốc hơi” đi đâu?

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Trung Kiên

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm