Tây Ninh - Bài 2:
Uẩn khúc gì sau vụ án "ngâm" 4 năm, thay 4 thẩm phán vẫn chưa đưa ra xét xử?
(Dân trí) - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Trảng Bàng cấp cho người dân nhưng khi xảy ra tranh chấp, cần xác minh người dân có sử dụng diện tích đất đó hay không thì UBND huyện lại cho rằng không thuộc trách nhiệm của huyện. Vậy đến nay hơn 7.000m2 đất từng được cấp sổ của người dân đã “bốc hơi” đi đâu?
TAND huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) vẫn đang thu lý vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa bà Huỳnh Thị Mẽ (84 tuổi, uỷ quyền cho ông Lê Văn Gấm, 47 tuổi, nguyên đơn) và bị đơn là ông Trần Văn Nhân (ông Nhân uỷ quyền cho bà Trần Thị Niệm, 67 tuổi, tất cả cùng ngụ xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng). Tại biên bản hoà giải ngày 4/8/2015, ông Gấm trình bày, năm 1994, gia đình ông được UBND huyện Trảng Bàng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) diện tích 7.039m2 thuộc thửa đất số 6, tờ bản đồ số 929, toạ lạc tại ấp Suối Sâu (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), đến năm 2008, ông Nhân kê khai đăng ký GCNQSDĐ thì ông Gấm bất ngờ được cán bộ địa chính xã báo là đất của gia đình ông bị sai số thửa.
Sau đó, người nhà ông Gấm đã đến Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Trảng Bàng làm thủ tục chỉnh sửa và đã đóng chi phí đo đạc. Cán bộ Phòng TNMT xuống đo hiện trạng đất thì được người nhà ông Nhân thông báo là đất đang tranh chấp nên không đo mà nói với gia đình ông Gấm là sẽ báo lại với Phòng TNMT để giải quyết. Tuy nhiên đến nay, gia đình ông Gấm vẫn chưa nhận được bất kì thông báo giải quyết nào từ Phòng TNMT huyện Trảng Bàng.
Đến ngày 30/9/2014, mảnh đất của gia đình ông Gấm bị cắm biển “đất tranh chấp”. Phát hiện việc này, ông Gấm làm đơn nhờ UBND xã An Tịnh giải quyết thì được trả lời phần đất 1.962m2 mà ông Gấm phản ánh đã được giao cho gia đình ông Nhân. Đáng chú ý, phần đất 1.962m2 mà UBND xã An Tịnh và Phòng TNMT huyện Trảng Bàng xác định vị trí để cho ông Nhân phân ranh, cắm mốc lại nằm ngay chính giữa mảnh đất có diện tích 7.039m2 mà gia đình ông Gấm đã được cấp GCNQSDĐ vào năm 1994.
Cũng tại biên bản hoà giải, đại diện của ông Nhân là bà Trần Thị Niệm trình bày, phần đất xảy ra tranh chấp là do ông bà ngoại (mẹ bà Niệm và bà Mẽ là chị em ruột) để lại, khi bà ngoại ốm về ở với bà Mẽ thì phần đất này do mà Mẽ canh tác. Khi bà ngoại mất, bà Niệm đòi lại phần đất này thì hai gia đình xảy ra tranh chấp.
Phần đất giữa gia đình ông Gấm và bà Niệm xảy ra tranh chấp.
Quá trình giải quyết vụ án này, TAND huyện Trảng Bảng đã 2 lần có văn bản yêu cầu UBND huyện Trảng Bàng cung cấp thông tin liên quan đến việc tranh chấp QSDĐ giữa gia đình bà Mẽ và ông Nhân. Cả hai công văn của UBND huyện Trảng Bàng đều có số 129/UBND được ký vào ngày 12/8/2016 và 29/6/2017. Trong đó thể hiện việc UBND huyện Trảng Bàng khẳng định việc cấp GCNQSDĐ cho ông Nhân là đúng theo quy định.
Tuy nhiên, tại công văn số 129/UBND ngày 29/6/2017, UBND huyện Trảng Bàng xác định, việc bà Mẽ có sử dụng phần diện tích được cấp giấy hay người khác sử dụng thì không thuộc trách nhiệm kiểm tra, xác minh của UBND huyện. Điều này khiến gia đình bà Mẽ cho rằng UBND huyện Trảng Bàng đã thiếu trách nhiệm với người dân?.
Điểm “mấu chốt” của vụ việc có thể xác định từ thời điểm năm 2008, khi gia đình ông Gấm kê khai đăng ký GCNQSDĐ và được cán bộ địa chính xã báo là đất của gia đình ông bị sai số thửa. Tuy nhiên đến nay, gia đình ông Gấm vẫn chưa nhận được bất kì thông báo giải quyết nào từ Phòng TNMT huyện Trảng Bàng. Chính điều này khiến người dân phải rơi vào vòng kiện cáo, kéo dài.
Sau nhiều năm, từ chỗ có hơn 7.000m2 đất được cấp GCNQSDĐ hợp pháp thì đến nay gia đình ông Gấm trở nên trắng tay.
Sau nhiều năm, từ chỗ có hơn 7.000m2 đất được cấp GCNQSDĐ hợp pháp thì đến nay gia đình ông Gấm trở nên trắng tay. Vậy mảnh đất đó bây giờ là của ai? Hồ sơ cấp sổ phần diện tích đất gần 2.000m2 nằm ngay chính giữa lô đất mà gia đình ông Gấm đã được cấp GCNQSDĐ trước đây có hợp pháp, có đúng theo quy định pháp luật?
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, đến nay TAND huyện Trảng Bàng vẫn đang trong giai đoạn “xác minh”. Thậm chí thẩm phán đầu tiên được giao giải quyết vụ án này đã bị kiểm điểm vì “ngâm” quá lâu. Đến nay đã thay 4 lần Thẩm phán nhưng vụ án chưa được đưa ra xét xử.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Trung Kiên