Vụ 3 người HAGL tử nạn: Lái xe tải ngược chiều có phải chịu trách nhiệm?
(Dân trí) - Theo luật sư, việc xe tải tông ô tô con rồi rê sang làn ngược chiều có thể coi là sự kiện bất ngờ. Do đó, khó có cơ sở để xác định trách nhiệm pháp lý của tài xế xe tải ngược chiều trong vụ tai nạn.
Như đã đưa tin, chiều 12/8, ô tô tải do tài xế Đinh Tiến Bình (36 tuổi, ở Gia Lai) điều khiển tông vào đuôi xe con chở các thành viên CLB Bóng đá HAGL lưu thông cùng chiều. Sau cú tông, chiếc xe con bị rê sang làn ngược chiều và tiếp tục va chạm với một xe tải khác đi ngược chiều.
Sự việc khiến 3 người thiệt mạng là trợ lý HLV Dương Minh Ninh, bác sĩ Đào Trọng Trí và tiền đạo Paollo Madeira. Công an tỉnh Gia Lai đã tống đạt quyết định khởi tố bị can Đinh Tiến Bình về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Theo dõi sự việc, nhiều người đặt câu hỏi rằng ngoài tài xế Bình, lái xe tải ở làn ngược chiều có phải liên đới chịu trách nhiệm hay không?
Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) đánh giá, trong vụ tai nạn này, có 3 phương tiện liên quan trực tiếp là xe tải do tài xế Bình điều khiển, ô tô con của CLB HAGL và xe tải ở làn ngược chiều. Trong đó, xe của ông Bình trực tiếp gây tai nạn và tông vào ô tô con, sau đó rê chiếc xe này sang làn đối diện và va chạm tiếp với xe tải ngược chiều.
Như vậy, có thể thấy trách nhiệm pháp lý của tài xế Bình là rõ ràng và trên thực tế, người này cũng đã bị khởi tố để điều tra theo quy định. Còn với lái xe tải đi ngược chiều, để xác định trách nhiệm pháp lý của người này, vấn đề mấu chốt cần làm rõ là việc người này đã tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc về an toàn giao thông, lựa chọn phương án xử lý tốt nhất chưa và có hay không yếu tố lỗi trong trường hợp này.
Về yếu tố lỗi, có thể chia thành 2 nhóm, gồm "lỗi cứng", tức lỗi của tài xế trước khi điều khiển phương tiện như không kiểm tra, đảm bảo chất lượng của xe, không có đầy đủ giấy phép để điều khiển phương tiện… và "lỗi mềm", tức lỗi trong quá trình điều khiển như vi phạm tốc độ, làn đường…
Theo luật sư Dũng, việc xác định yếu tố lỗi sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định trách nhiệm pháp lý của lái xe tải đi ngược chiều. Còn dựa trên những thông tin hiện có, chưa đủ cơ sở để xác định trách nhiệm của người này.
Còn luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích, dựa trên hình ảnh hiện trường, có thể thấy va chạm giữa 3 phương tiện là rất mạnh và ở tốc độ cao, dẫn tới việc chiếc xe con bẹp rúm còn 2 xe tải cũng bị thiệt hại đáng kể. Theo thông tin công an cung cấp, xe của tài xế Bình tông vào ô tô con và đẩy phương tiện này sang làn ngược chiều.
Như vậy, có thể nhìn nhận xe tải ở làn ngược chiều đang điều khiển xe theo đường thẳng, trên phần đường của mình. Việc tài xế Bình gây tai nạn, đẩy xe con sang phần đường ngược chiều là tình huống bất ngờ.
Do sự việc xảy ra ở khoảng cách gần, cộng với việc các phương tiện đều đang chạy tốc độ cao nên việc xử lý để tránh một vụ tai nạn giao thông đối với tài xế xe tải ở làn ngược chiều là điều gần như không thể.
Trích dẫn khoản 3, Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, luật sư Hùng cho biết, xe tải được xếp vào nhóm nguồn nguy hiểm cao độ. Người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại kể cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại hoàn toàn xảy ra do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết.
Trong khi đó, Điều 584 Bộ luật này quy định người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Căn cứ Điều 20 Bộ luật Hình sự 2015 về sự kiện bất ngờ và các Điều 584, 601 Bộ luật Dân sự 2015, dựa trên những thông tin hiện có, luật sư Hùng cũng cho rằng hiện chưa có căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự và dân sự đối với tài xế xe tải này trong vụ tai nạn giao thông.