Từ vụ 4 người CLB HAGL gặp nạn: Có được can thiệp hiện trường để cứu người?

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, người dân có quyền can thiệp để cứu người, nhưng phải đảm bảo giữ được các dấu vết cơ bản của vụ tai nạn. Nếu không cứu người nguy kịch, người chứng kiến còn có thể bị xử lý hình sự.

Chiều 12/8, một vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại thị trấn Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, khiến 3 thành viên CLB Bóng đá HAGL thiệt mạng là trợ lý HLV Dương Minh Ninh, tiền đạo Paollo Madeira và bác sĩ Đào Trọng Trí. Ngoài ra, một nạn nhân khác là tài xế Nguyễn Tú Sinh bị thương nặng, phải cấp cứu tại bệnh viện.

Theo cơ quan chức năng, khoảng 14h40, một ô tô tải lưu thông theo hướng Đắk Lắk - Gia Lai, tới thị trấn Chư Pưh, thì bất ngờ húc vào đuôi ô tô con đi cùng chiều do tài xế Sinh điều khiển. Sau đó, một ô tô tải khác đi theo hướng ngược chiều tiếp tục tông vào xe con khiến chiếc xe bị kẹp giữa 2 xe tải.

Sau vụ va chạm, người dân đã phá cửa xe để đưa thi thể 3 nạn nhân tử vong ra ngoài, đồng thời đưa tài xế đi cấp cứu.

Trường hợp này, việc họ tự ý can thiệp vào hiện trường để cứu người bị nạn có vi phạm quy định của pháp luật về việc bảo đảm hiện trường sau tai nạn giao thông hay không?

Từ vụ 4 người CLB HAGL gặp nạn: Có được can thiệp hiện trường để cứu người? - 1

Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: Minh Tuấn).

Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP.HCM) nhìn nhận đây là sự việc vô cùng thương tâm, đau xót, gây thiệt hại lớn về con người. Theo dõi hình ảnh hiện trường, luật sư đánh giá vụ tai nạn có tính chất rất nghiêm trọng, các phương tiện đã va chạm với lực rất mạnh trước khi chiếc ô tô con bị bẹp rúm làm 4 người mắc kẹt trong xe.

Dưới góc độ pháp luật dân sự, ô tô nói chung được xếp vào nhóm nguồn nguy hiểm cao độ. Bởi vậy, việc 3 chiếc xe là 3 nguồn nguy hiểm cao độ va chạm mạnh với nhau là điều hết sức nguy hiểm, có thể gây thiệt hại lớn đối với tính mạng của những người trong xe.

Từ đó, có thể nhìn nhận những người liên quan trực tiếp trong vụ tai nạn có thể được xếp vào nhóm người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, việc cứu người là vô cùng cần thiết, cấp bách để giảm thiểu tối đa những thương vong có thể xảy ra.

Về căn cứ pháp lý, luật sư Hùng cho biết theo Luật Giao thông đường bộ 2008 và khoản 7, Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, người dân có nghĩa vụ cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu. Trường hợp cố tình không cứu giúp, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với cá nhân. Trong khi đó, mức phạt với tổ chức là 1-2 triệu đồng.

Ngoài ra, Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015 còn quy định người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì có thể bị xử lý hình sự về tội Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Từ những căn cứ trên, luật sư Hùng đánh giá bất chấp việc có phải can thiệp hiện trường để cứu người, đây vẫn là điều bắt buộc phải làm đối với những người xung quanh. Trường hợp có điều kiện mà cố tình không cứu giúp, họ có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí xử lý hình sự.

Trước những ý kiến lo sợ về việc cứu người có thể vi phạm quy định về giữ nguyên hiện trường tai nạn giao thông, ông Hùng phân tích, đối với những vụ tai nạn giao thông, hiện trường bản chất là tài sản, tức những chiếc xe va chạm.

Bảo vệ hiện trường có thể hiểu là việc không được phép di dời phương tiện cũng như các đồ vật khác liên quan vụ tai nạn. Còn việc cấp cứu, cứu mạng người luôn là công việc cần ưu tiên.

Từ vụ 4 người CLB HAGL gặp nạn: Có được can thiệp hiện trường để cứu người? - 2

Công an tỉnh Gia Lai đã ra Quyết định tạm giữ tài xế xe tải Đinh Tiến Bình (Ảnh: Minh Tuấn).

"Cần hiểu mục đích cơ bản mà công tác bảo vệ hiện trường cần đạt được là giữ nguyên trạng dấu vết, vật chứng có ở hiện trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều tra, khám nghiệm của cơ quan chức năng.

Người dân khi can thiệp hiện trường để cứu người cần tuân thủ một số vấn đề như cứu giúp người bị nạn; ngăn chặn những nguy hiểm, thiệt hại đang tiếp diễn, các ảnh hưởng xấu có thể xảy ra. Yêu cầu người vi phạm giữ nguyên hiện trường, không chạy trốn; xác định phạm vi cần bảo vệ; bảo vệ dấu vết, vật chứng quan trọng, không làm thay đổi bản chất hiện trường đồng thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền ngay lập tức", ông Hùng chia sẻ.

Ngoài ra, luật sư khuyến cáo để đảm bảo tối đa quyền lợi của bản thân, người dân có thể lấy điện thoại để chụp ảnh, quay phim, lưu lại dữ liệu hiện trường để làm chứng cứ trước khi can thiệp để cứu người.

Hoàng Diệu