Vốn điều lệ 195 tỷ, Công ty Nhựa Việt Nam kinh doanh lỗ 140 tỷ đồng

(Dân trí) - Bộ Công Thương vừa có kết luận xác minh nhiều nội dung đơn thư phản án, tố cáo tại Công ty CP Nhựa Việt Nam (Vinaplast). Bộ Công thương kết luận việc công ty này kinh doanh yếu kém, nhiều năm không chia cổ tức, thua lỗ 140 tỷ trong khi vốn điều lệ 195 tỷ là đúng thực tế.

Công ty Nhựa Việt Nam là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương). Ngày 1/1/2008, Công ty chính thức chuyển sang công ty cổ phần vốn điều lệ 198 tỷ, trong đó vốn nhà nước chiếm 64%.

Ngày 7/2/2013, Bộ Công thương ban hành quyết định về việc điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ của của Công ty CP Nhựa Việt Nam tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần. Vốn điều lệ đổi lại là 194,289 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ là 65,85%.

Công ty Nhựa Việt Nam hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con. Trong đó, công ty mẹ sở hữu 100% vốn tại 3 công ty con TNHH một thành viên; sở hữu trên 50% vốn tại 3 công ty con; sở hữu từ 20% đến dưới 50% vốn tại 5 công ty liên doanh, liên kết; sở hữu dưới 20% vốn tại 1 công ty con.

Theo kết luận của Bộ Công thương, từ năm 2009 đến năm 2012, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ chỉ đạt 1% đến 6%, trong đó với hoạt động sản xuất kinh doanh chính từ năm 2010 đến nay đều không hiệu quả trong khi các doanh nghiệp ngành nhựa tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ mức trung bình từ 10% đến 15%, có những đơn vị còn từ 30% đến 50%.

Tỷ lệ cổ tức hàng năm của công ty Nhựa Việt Nam là 5%, riêng năm 2011 không chia do lợi nhuận thấp. Năm 2012, cổ tức là 5%, năm 2013, 2014 kết quả sản xuất kinh doanh lỗ nên không chia cổ tức. Công ty đã không thực hiện được mức chia cổ tức theo nghị quyết đại hội cổ đông hàng năm.

Kết luận cùng cho biết công ty này không có lợi nhuận để đầu tư phát triển sản xuất, không trích lập được các quỹ và không bảo toàn được vốn nhà nước cũng như vốn đầu tư ban đầu của công ty cổ phần.

Kết luận của Bộ Công thương cho rằng việc kinh doanh thua lỗ của Công ty CP Nhựa Việt Nam do nhiều nguyên nhân. Bên bạnh những nguyên nhân như: Việc đầu tư dây chuyền, thiết bị sử dụng vốn ODA của Trung Quốc không hiệu quả và chênh lệch tỷ giá của đồng nhân dân tệ khi vay vốn so với lúc trả nợ cho tài sản vốn ODA tăng cao; mất cân đối tài chính; dùng vốn ngăn hạn để đầu tư dài hạn...thì việc quản lý tài chính, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh còn tồn tại những yếu kém.

Chính vì vậy, tại báo cáo kiểm toán ngày 28/8/2014 cho biết kết quả sản xuất kinh doanh năm 2013 của Công ty Nhựa Việt Nam có khoản lỗ đột biến lên đến trên 158 tỷ đồng tại công ty mẹ và hợp nhất toàn công ty lỗ khoảng 96,5 tỷ đồng.

Cùng với việc kinh doanh thua lỗ, nhiều nội dung khiếu nại, phản ánh tại công ty này như: Vay vốn ODA của Trung Quốc để mua máy móc, thiết bị chất lượng thấp, cho thuê thiết bị không đủ bù đắp chi phí lãi vay và chênh lệch tỷ giá; đầu tư tài chính thua lỗ không hiệu quả; tồn tại nhiều khoản nợ khó đòi gây thất thoát lớn được Bộ Công thương kết luận là đúng thức tế và có cơ sở.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế