Chuyên đề: “Bất cập trong Luật Hôn nhân và gia đình”

Vợ mang thai với bồ, chồng không được quyền ly hôn: Bất cập ra sao?

(Dân trí) - Theo luật định, việc người chồng không có quyền ly hôn khi vợ mang thai trong mọi trường hợp thực tế đã bộc lộ nhiều bất cập về quyền hôn nhân và quyền tài sản. Những bất cập đó là gì?

Tiếp nội chuyên đề: “Bất cập trong Luật Hôn nhân và gia đình” với câu hỏi của bạn nguyenduycuong@gmail.com về việc Phát hiện vợ mang thai với người tình, chồng không có quyền ly hôn?,luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội đã phân tích những bất cập trong quy định pháp luật về hạn chế quyền ly hôn của người chồng.

Theo luật sư Hồng, những bất cập đó là:

Quyền nhân thân:

Thứ nhất, hạn chế quyền ly hôn: như đã phần tích tại phần thứ nhất: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”. Đây là một quy định còn bất cập, chỉ bảo vệ quyền lợi của người vợ khi mang thai, sinh con và nuôi con dưới 12 tháng tuổi, mà chưa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người chồng trong quan hệ hôn nhân bình đẳng, tự nguyện, tiến bộ.

Cụ thể trong trường hợp này, khi biết rõ người vợ ngoại tình, phản bội lại tình cảm của người chồng, đứa con trong bụng người vợ không phải con của người chồng thế nhưng quy định lại hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng. Quy định này đã thể hiện sự chưa toàn diện, chưa triệt trong việc điều chỉnh, bảo vệ các quan hệ xã hội, vô hình chung đã cổ vũ cho lối sống ngoại tình trái đạo đức xã hội, vi phạm quy định pháp luật. Mặt khác, khi cuộc sống hôn nhân đã trở nên căng thẳng, vợ chồng không còn yêu thương, tôn trọng nhau nữa sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, hành vi bạo hành trong gia đình, ảnh hưởng xấu đến đời sống vật chất, tinh thần của cả vợ chồng và thai nhi.

Như vậy, mặc dù lối sống của người vợ khiến cuộc sống hôn nhân không lành lặn, gây tổn thương sâu sắc tới tâm lý, tình cảm của bạn, tuy nhiên, bạn cần kiềm chế, điều tiết cảm xúc của mình, thậm chí lựa chọn giải pháp ly thân để tránh mâu thuẫn không cần thiết, một mặt cải thiện đời sống tinh thần của chính mình, mặt khác bạn có thể tránh được hành vi bạo hành trong gia đình, vi phạm pháp luật, thậm chí là cấu thành tội phạm.

Thứ hai, được quyền ly hôn khi con đã 12 tháng tuổi: như đã phân tích tại phần thứ hai, bạn được quyền yêu cầu ly hôn khi đứa trẻ được sinh ra và đã 12 tháng tuổi, tuy nhiên, bạn phải chứng minh được các căn cứ để Tòa án cho ly hôn. Cụ thể trong trường hợp này, bạn cần lưu ý thực hiện 02 thủ tục tố tụng độc lập tại Tòa án là:

- Thủ tục yêu cầu xác định cha cho con Thủ tục yêu cầu ly hôn

- Thủ tục yêu cầu ly hôn.

Theo quy định tại Điều 88, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014“Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng ...  Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định”. Do đó, việc yêu cầu Tòa án xác định cha cho con một mặt khẳng định đứa trẻ do vợ bạn sinh ra không phải con của bạn, mặt khác, đây là căn cứ chứng minh vợ bạn có quan hệ ngoại tình, vi phạm nghiêm trọng Luật Hôn nhân và gia đình, là một trong những căn cứ để Tòa cho ly hôn. Sau khi Tòa án ra bản án/quyết định về việc xác định mối quan hệ cha con thì bạn đã có đủ căn cứ để có thể tiến hành thủ tục tố tụng tiếp theo là yêu cầu ly hôn tại Tòa án. Bạn cần lưu ý: việc giám định ADN để xác định mối quan hệ cha con phải được Tòa án tiến hành theo trình tự, thủ tục luật định mới có hiệu lực, việc tự ý giám định ADN sẽ gây tốn kém và không đảm bảo giá trị pháp lý.

Thứ ba, hạn chế quyền kết hôn với người khác. Mặc dù người vợ có lối sống ngoại tình, mang thai với người đàn ông khác. Tuy nhiên, do bạn chưa thể ly hôn với người vợ, bạn và vợ bạn đang trong quan hệ hôn nhân hợp pháp, vì vậy khi có tình cảm với người phụ nữ khác, bạn không thể tiến tới hôn nhân với người đó vì sẽ vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 2, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Quyền tài sản:

Khi vợ chồng bạn đã phát sinh mâu thuẫn và bạn đang chờ đứa trẻ được 12 tháng tuổi để tiến hành thủ tục ly hôn thì bạn nên lưu ý về tài sản chung giữa vợ chồng để tránh những tranh chấp về tài sản khi yêu cầu ly hôn tại Tòa án, phải nộp khoản án phí theo giá ngạch rất tốn kém, bạn và vợ bạn nên tới Văn phòng hoặc Phòng Công chứng để lập văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Nếu như không thỏa thuận được về phân chia tài sản chung thì bạn cần lưu ý những vấn đề sau:

Thứ nhất, về thu nhập do lao động, sản xuất, kinh doanh. Khi mối quan hệ đã trở nên căng thẳng, vợ chồng bạn có thể đã ly thân, tuy nhiên tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân vẫn được coi là tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Thứ hai, về tài sản chung được đưa vào kinh doanh. Nếu vợ chồng không thỏa thuận được về việc đưa tài sản chung vào kinh doanh, thì việc bạn tự ý dùng các thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh của bạn hoặc tài sản chung khác trong thời kỳ hôn nhân để đưa vào kinh doanh như góp vốn thành lập doanh nghiệp, góp vốn hợp tác đầu tư thì cổ phần/phần vốn góp và hoa lợi, lợi tức từ cổ phần/phần vốn góp đó là tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 33, Điều 36, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Thứ ba, về tài sản chung là quyền sử dụng đất. Theo quy định tại khoản 1, Điều 33, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.” Như vậy, trong giai đoạn này, bạn nên lưu ý khi dùng tài sản riêng của mình để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, dù quyền sử dụng đất đứng tên bạn nhưng nếu bạn không chứng minh được nguồn tiền để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đó (như nguồn tiền từ thừa kế riêng, được tặng cho riêng, hoặc thông qua giao dịch bằng tài sản riêng,...) thì quyền sử dụng đất này trở thành tài sản chung của vợ chồng bạn theo quy định tại khoản 3 Điều 33, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Các tài sản khác là động sản và bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đều áp dụng tương tự như chúng tôi đã phân tích ở phần này)

Từ những phân tích nêu trên, cho thấy pháp luật về Hôn nhân và gia đình chưa thực sự điều chỉnh một cách toàn diện các quan hệ xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cả người vợ và người chồng. Do đó, mặc dù lối sống ngoại tình đáng phê phán và lên án, gây tổn thương sâu sắc đến tâm lý, tình cảm của bạn. Tuy nhiên, bạn nên kiềm chế, điều tiết cảm xúc để tránh những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật. Khi đứa trẻ đã đủ 12 tháng tuổi, bạn có thể yêu cầu Tòa án xác định cha cho con để làm căn cứ tiến hành thủ tục ly hôn tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Xin cảm ơn luật sư!

Chuyên đề tư vấn pháp luật về “Bất cập trong Luật Hôn nhân và gia đình” trên báo Dân trí sẽ giải đáp những tình huống khúc mắc, những góc cạnh không phù hợp với thực tế của các điều luật thông qua sự phân tích pháp lý của các luật sư uy tín. Báo Dân trí rất mong nhận được câu hỏi, thắc mắc, chia sẻ của bạn đọc qua email: bandoc@dantri.com.vn

Anh Thế (thực hiện)