Vợ chồng doanh nhân "trùm" đường dây phân bón giả đối diện mức án nào?
(Dân trí) - Với việc lập ra các công ty để sản xuất, phân phối phân bón giả ra thị trường, vợ chồng doanh nhân đã bị khởi tố. Theo luật sư, với tội danh này mức án cao nhất lên đến 20 năm tù.
Ngày 24/1, Luật sư Cao Anh Sáng, thuộc Đoàn luật sư Đắk Lắk, đã trao đổi với phóng viên Dân trí về góc nhìn pháp lý xoay quanh vụ án sản xuất, buôn bán phân bón giả mà Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố 4 bị can để điều tra.
Các bị can bị khởi tố gồm Bùi Minh Chánh (42 tuổi, trú TPHCM), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn phân bón Quốc tế Hoa Kỳ - VINA, trụ sở tại tỉnh Long An; Nguyễn Thị Cẩm My (41 tuổi), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại phân bón Nam Dương, trụ sở tại tỉnh Bình Định và 2 kế toán của công ty do bị can My làm chủ.
Chánh và My được biết đến là vợ chồng doanh nhân thành đạt, sở hữu khối tài sản lớn. Cả 2 được cơ quan chức năng xác định ngoài làm chủ 2 công ty trên, còn lập thêm 7 công ty khác để sản xuất, buôn bán phân bón giả ra thị trường tại nhiều tỉnh, thành.
Sự việc gây bức xúc trong dư luận bởi hành vi của cặp doanh nhân này gây thiệt hại rất nặng nề cho nông dân khi sử dụng phải loại phân bón giả, làm giảm năng suất gây thất thu, ảnh hưởng chất lượng đất đai và hệ lụy đến an ninh lương thực nước nhà.
Theo luật sư Sáng, tội Sản xuất, buôn bán hàng giả có thể đối diện với khung cao nhất mức 15-20 năm tù giam, nếu gây thiệt hại về tài sản từ 3 tỷ đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 2 tỷ đồng trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền hàng tỷ đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Luật sư Sáng cho biết thêm, với tội danh này mức thấp nhất là phạt tiền 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù 1-5 năm đối với hàng hóa có giá trị 20 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng (trường hợp có hóa đơn); hàng hóa trị giá 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng (trường hợp không có hóa đơn); gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
"Việc sản xuất, buôn bán phân bón giả gây thiệt hại cho nông dân, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường nên cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ thiệt hại để chịu các mức án tương ứng", luật sư Sáng cho hay.
Ông Ya Toan Ênuôl, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk cho rằng, việc buôn bán phân bón giả là hành vi nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến cây trồng, năng suất, ảnh hưởng đến môi trường đất, gây thiệt hại cho bà con nông dân, do đó, đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng có liên quan theo quy định.
Như Dân trí phản ánh, Công an tỉnh Đắk Lắk đã làm rõ, tại Công ty Cổ phần thương mại phân bón Nam Dương và Công ty Cổ phần tập đoàn phân bón Quốc tế Hoa Kỳ - VINA do Bùi Minh Chánh và Nguyễn Thị Cẩm My làm chủ, đã sản xuất các loại phân bón NPK giả.
Ngoài ra, vợ chồng Chánh và My còn đứng ra thành lập 7 công ty thành viên để phân phối số phân bón này.
Tại cơ quan công an, cả 2 khai nhận, quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, do giá nguyên liệu kali tăng cao, khan hiếm nên để tăng thêm lợi nhuận, vợ chồng My ban hành công thức sản xuất phân NPK. Trong đó, có những loại phân bón NPK có hàm lượng Kali thấp và loại phân bón NPK không có hàm lượng Kali.
Vợ chồng My chỉ đạo thêm 2 kế toán của công ty hỗ trợ, thực hiện.
Khám xét các công ty, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk thu giữ hơn 10.000 bao phân bón ghi nhãn hiệu NPK, với trọng lượng hơn 500 tấn và hơn 4.000 tấn nguyên liệu cùng các giấy tờ, tài liệu khác.
Mở rộng điều tra, cơ quan công an làm việc với nhiều đại lý phân bón do công ty của vợ chồng My phân phối tại nhiều tỉnh, thành và tạm giữ hơn 800 tấn phân bón.
Nguyễn Thị Cẩm My từng tham gia cuộc thi "Tỏa sáng vẻ đẹp phụ nữ Bình Định: Duyên dáng - Bản lĩnh - Tài năng" do Hội Nữ doanh nhân tỉnh Bình Định phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Định tổ chức năm 2022 và đạt giải nhất cuộc thi này.