Bị cáo mắc bệnh nặng, số phận pháp lý ra sao?
(Dân trí) - Theo luật sư, nếu người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo, họ có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự, miễn chấp hành hình phạt hoặc giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Theo quy định của pháp luật, trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, nếu bị cáo mắc bệnh nặng, nguy hiểm tới tính mạng thì có được miễn hoặc xét giảm trách nhiệm hình sự hay không?

Hội đồng xét xử một vụ án tại TAND Cấp cao tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Hùng).
Trả lời
Luật sư Trần Hoàng Linh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết đối với người phạm tội, ngoài những chế tài xử lý nghiêm khắc nhằm tạo tính răn đe, giáo dục, cảnh tỉnh, pháp luật cũng thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo thông qua các quy định về việc xét miễn, giảm trách nhiệm hình sự đối với một số trường hợp đặc biệt, trong đó có nhóm đối tượng "mắc bệnh hiểm nghèo".
Cụ thể, theo khoản 2 Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự nếu tại thời điểm điều tra, truy tố, xét xử, họ mắc bệnh hiểm nghèo, dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.
Nếu không được miễn trách nhiệm hình sự và bị tuyên án, căn cứ khoản 2 Điều 62 Bộ luật này, trường hợp người phạm tội bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 3 năm, chưa chấp hành hình phạt mà thuộc trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thẩm quyền, họ có thể được xem xét miễn chấp hành hình phạt.
Đối với trường hợp bị tuyên phạt trên 3 năm tù, chưa chấp hành hình phạt và mắc bệnh hiểm nghèo, người phạm tội sẽ được xem xét miễn chấp hành toàn bộ hình phạt nếu thuộc trường hợp "không còn nguy hiểm cho xã hội nữa".
Nếu không được miễn trách nhiệm hình sự, không được miễn chấp hành hình phạt, căn cứ Điều 64 Bộ luật này, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo có thể được Tòa án xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt so với thời gian và mức quy định tại Bộ luật này.
Về khái niệm "mắc bệnh hiểm nghèo", căn cứ quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, "mắc bệnh hiểm nghèo" được hiểu là trường hợp người bị kết án đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị (VD: ung thư giai đoạn cuối; HIV đã chuyển giai đoạn lâm sàng IV; lao nặng độ 4 kháng thuốc, xơ gan cổ chướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên) hoặc mắc bệnh khác dẫn đến không có khả năng tự phục vụ bản thân, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.
Như vậy, đối với trường hợp người phạm tội trong quá trình vụ án được điều tra, thụ lý, xét xử mà mắc bệnh nặng, dẫn đến tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền sẽ xem xét miễn trách nhiệm hình sự, miễn chấp hành hình phạt hoặc giảm thời hạn chấp hành hình phạt đối với người thực hiện hành vi phạm tội.
Đối với trường hợp đã bị tuyên án với mức án trên 3 năm, nếu thuộc diện mắc bệnh hiểm nghèo và không còn nguy hiểm với xã hội, người phạm tội có thể được xem xét cho miễn chấp hành hình phạt theo bản án của Tòa án.