Vĩnh Phúc: Huyện Yên Lạc cam kết dỡ bỏ lò gạch “giải cứu” nông dân
(Dân trí) - Tiếp tục vụ gần 100 lò gạch khu giáp ranh Hà Nội và Vĩnh Phúc đe dọa sức khỏe, sản xuất nông nghiệp của hàng nghìn nông dân, UBND huyện Yên Lạc thừa nhận trên địa bàn vẫn còn một số lò thủ công và cam kết “xóa sổ” trong tháng 3/2014.
Để làm rõ thông tin đại diện UBND huyện Phúc Thọ đưa ra, ngày 26/2/2014, PV Dân trí tiếp tục có buổi làm việc với ông Nguyễn Chí Thiết - Trưởng phòng TN&MT huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo thống kê của ông Thiết, ở khu vực giáp ranh huyện Yên Lạc quản lý chỉ còn tồn tại 7 lò thủ công chưa tháo dỡ. Đến ngày 31/12/2013 hợp đồng ký kết với các hộ dân đã hết hạn, tuy nhiên sau đó rơi vào nghỉ Tết, một số lò chưa bán được hết gạch nên việc tháo dỡ chưa hoàn thành.
Ông Thiết cho biết: “Việc các lò gạch thủ công hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cùng hoạt động sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ gia đình. Để bảo vệ sức khỏe cho người dân, UBND huyện Yên Lạc sẽ yêu cầu các lò tháo dỡ xong trong tháng 3/2013. Sau khi công việc tháo dỡ hoàn thành, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát, gửi văn bản đề nghị các huyện giáp ranh xử lý những lò gạch thủ công còn hoạt động tránh ảnh hưởng cuộc sống của người dân trong khu vực…”.
Liên quan đến việc công dân “tố” Công ty Nguyễn Hưng (có trụ sở đặt tại thị xã Sơn Tây) hoạt động không đúng với quyết định giao đất, khai thác đất, cát không đúng quy định. Trong buổi làm việc ngày 17/2/2014, ông Khuất Duy Hùng - Phó phòng Quản lý đô thị huyện Phúc Thọ khẳng định Công ty Nguyễn Hưng ký hợp đồng thuê 40 ha đất để đầu tư hoạt động theo mô hình VAC, Công ty hoạt động có đầy đủ giấy phép.
Trước đó, người dân sinh sống trên địa bàn xã Cẩm Đình (Phúc Thọ, Hà Nội), xã Liên Châu và Đại Tự (Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) phán ánh trên địa bàn đang có hàng chục lò gạch thủ công ngày đêm hoạt động gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Việc nhiều lò gạch đốt lò cùng lúc đã và đang tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của nông dân trong vùng.
Tìm hiểu thực tế cho thấy, tại khu vực giáp ranh ven sông Hồng đang có khoảng hơn 40 lò gạch thủ công đốt lò.Xung quanh các lò gạch là hàng chục ha chuối, ngô, khoai bị chết khô do không chịu được khói, bụi bao phủ lên cả khu vực rộng lớn.
Ở khu vực dân cư, đặc biệt là các xã thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc người dân buộc phải học cách “sống chung” với khói bụi. Để chống chọi khói, bụi, các hộ gia đình phải chọn giải pháp mua bạt che chắn tất cả cửa sổ, hiên nhà từ sáng đến tối.
Cùng với sự xuất hiện của hàng chục lò gạch lớn, nhỏ là hoạt động khai thác đất, cát trái phép ở khu vực bãi bồi, ven 2 bờ sông Hồng khiến một vùng rộng lớn bị biến thành thùng, vũng nham nhở như “hố bom”. Theo phản ánh của người dân, trong quá trình hoạt động chủ lò gạch có hỗ trợ một khoản tiền giống nhưng không thấm vào đâu, bởi cây trồng xung quanh phần lớn không trụ được, số may mắn sống sót cũng còi cọc khiến năng suất sụt giảm từ vụ này sang vụ khác.
Phát hiện những dấu hiệu ô nhiễm môi trường do hoạt động của lò gạch, khai thác đất, cát tràn lan, người dân đã báo cáo lên chính quyền địa phương. Tuy nhiên, do đây là phần diện tích giáp ranh nên cho đến nay UBND huyện Phúc Thọ (Hà Nội) và huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) chưa có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Ngọc Cương