Như thông tin báo Dân trí đã đưa, đại diện người dân sinh sống trên địa bàn xã Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ, Hà Nội), xã Liên Châu và Đại Tự (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) phản ánh: Trên địa bàn giáp ranh đang tồn tại hơn 50 lò gạch thủ công hoạt động ngày đêm gây ô nhiễm môi trường. Việc nhiều lò gạch đốt lò cùng lúc đang tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của nông dân trong vùng. Xung quanh lò gạch có hàng chục ha chuối, ngô, khoai bị chết khô do không chịu được khói. Ở khu dân cư, đặc biệt là các xã thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc người dân phải học cách “sống chung” với khói bụi bằng giải pháp dùng bạt che chắn tất cả cửa sổ, hiên nhà từ sáng đến tối.
Nhiều lò gạch thủ công vẫn công khai hoạt động ở khu vực giáp ranh Hà Nội - Vĩnh Phúc
Ngày 17/2/2014, PV Dân trí đã có buổi làm việc với ông Khuất Duy Hùng - Phó phòng Quản lý đô thị huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội về trình trạng hoạt động của các lò gạch thủ công trên địa bàn. Trao đổi với PV, ông Hùng cho biết: “Sau khi UBND TP Hà Nội và Sở Xây dựng có yêu cầu xóa bỏ lò gạch thủ công không đảm bảo quy định, UBND huyện Phúc Thọ đã tổ chức nhiều hội nghị thuyết phục các hộ dân chuyển đổi mô hình sản xuất hoặc áp dụng công nghệ xử lý khói lò thủ công Bách Khoa. Cho đến nay, huyện Phúc Thọ đã dỡ bỏ được 108 vỏ lò gạch thủ công.
Hiện trên địa bàn huyện vẫn tồn tại một số lò gạch thủ công, nhưng số này đã dừng hoạt động nhiều tháng và đang chờ dỡ bỏ. Việc chưa dỡ bỏ hết lò thù công có một số nguyên nhân như suy thoái kinh tế làm số gạch các lò sản xuất chưa tiêu thụ được, nhiều cơ sở chưa thu hồi vốn, UBND huyện chưa tìm ra nguồn kinh phí hỗ trợ việc dỡ bỏ lò (10 triệu đồng/lò), hỗ trợ cho 2500 lao động đang làm việc ở lò gạch thủ công (2,5 triệu đồng/người) với số tổng tiền gần 8 tỷ đồng...”.
Đại diện UBND huyện Phúc Thọ cho biết còn nhiều lò gạch chưa thể phá dỡ do thiếu kinh phí hỗ trợ
Những lò gạch thủ công UBND huyện khẳng định đã dừng hoạt động từ tháng 6/2013
Đưa PV Dân trí đi khảo sát thực tế tại khu bãi nổi nằm trên địa bàn xã Cẩm Đình nằm tiếp giáp huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc), ông Khuất Duy Hùng và lãnh đạo xã Cẩm Đình khẳng định những lò gạch thủ công đang còn hoạt động ở khu vực bãi bồi đều thuộc địa phận huyện Yên Lạc. Số lò gạch nằm trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã được chuyển đổi sang công nghệ xử lý khói thủ công đúng quy định của cơ quan chức năng.
Không chỉ phản ánh hàng chục lò gạch thủ công đang ngày đêm gây ô nhiễm, một số người dân còn “tố” Công ty Nguyễn Hưng (có trụ sở đặt tại thị xã Sơn Tây) hoạt động không đúng với quyết định giao đất, khai thác đất, cát không đúng quy định. Về việc này, ông Khuất Duy Hùng cho biết, Công ty Nguyễn Hưng ký hợp đồng thuê 40ha đất để đầu tư hoạt động theo mô hình VAC, Công ty hoạt động có đầy đủ giấy phép. Tuy nhiên, khi PV đề nghị UBND huyện Phúc Thọ cung cấp Quyết định giao đất, cùng các tài liệu liên quan đến hoạt động động sản xuất gạch, kết hợp chăn nuôi của đơn vị này thì ông Hùng “khất” sẽ cung cấp sau, bởi còn phải tập hợp hồ sơ.
Ông Khuất Duy Hùng (bên trái) khẳng định các lò gạch thủ công ở bãi bồi thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Để làm rõ những nhận định mà đại diện UBND huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) vừa đưa ra, trong những ngày tới PV Dân trí sẽ tiếp tục làm việc với UBND huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) về tình trạng hoạt động của hàng chục lò gạch thủ công trên khu vực bãi nổi giáp ranh mà người dân phản ánh.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Ngọc Cương