Vì sao người dân "ngại" đi xe khách liên tỉnh sau nhiều tháng mong chờ?

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Hiện nay có 25 tỉnh, thành phố với gần 50 tuyến cố định đã hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh, nhưng người dân sử dụng còn khiêm tốn. Lý do vì vận tải đường bộ còn nguy cơ nhất định về dịch bệnh.

Thông tin trên được bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - đề cập tại cuộc tọa đàm Mở cửa hàng không, "khơi thông" đường bộ  do Dân trí tổ chức ngày 18/10.

Ngành đường bộ đã thí điểm từ triển khai từ ngày 13-20/10, đến nay có 25 tỉnh, thành phố đã hoạt động vận tải hành khách, gần 50 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nhưng số lượng người dân sử dụng thì còn khiêm tốn.

Theo bà Hiền, hoạt động vận tải đường bộ có đặc thù, khác với đường hàng không, hơn nữa có tính phân tán của tổ chức vận tải. Người đi phương tiện vận tải đường bộ nhiều khi không tập trung tại điểm đón và điểm trả. Vì vậy, trong vận tải đường bộ có sự thận trọng và phức tạp hơn các loại hình vận tải hành khách khác.

"Trên thực tế, người dân và doanh nghiệp mong mỏi được đi lại bình thường, nhưng với tình hình dịch bệnh vừa qua, số lượng người mắc bệnh, tử vong do Covid-19 là lời cảnh báo cho xã hội để thận trọng hơn trong việc đi lại. "Chúng ta mong mỏi nhưng phải an toàn, việc người dân tiếp cận lại hoạt động vận tải đường bộ còn nguy cơ nhất định. Người dân đang từng bước tiếp cận theo hình thức bình thường mới" - bà Hiền thông tin.

Vì sao người dân ngại đi xe khách liên tỉnh sau nhiều tháng mong chờ? - 1

Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc khôi phục vận tải hành khách đang dựa vào tỷ lệ tiêm chủng ở các địa phương, nhưng việc này hiện chưa đồng đều nên đi lại giữa địa phương này và địa phương khác có sự thận trọng. Các địa phương đang nỗ lực triển khai thống nhất điều kiện đi lại, vì thế cần thiết phải chia sẻ, đồng hành với các địa phương làm sao cho hoạt động vận tải được tổ chức đồng bộ.

Những ngày đầu thí điểm hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ, Dân trí đã ghi nhận, phản ánh nhiều trường hợp rất trớ trêu xảy ra. Đơn cử như ở Đà Nẵng, một hành khách lớn tuổi đi bộ 2 km từ bệnh viện ra bến xe mua vé nhưng phải thất vọng quay về vì chưa xe nào chạy. Ở TPHCM, nhiều khách đến bến xe Miền Đông từ sáng sớm mua vé về Quảng Bình nhưng các quầy đều đóng cửa, phải đến tối khách mới gọi điện được cho nhà xe và được biết các nhà xe ở miền Trung chưa hoạt động trở lại… 

Trao đổi về những bất cập nói trên, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho hay: Trong thực tế, việc triển khai thí điểm quy định 1117 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), giao thông vận tải đường bộ khác rất nhiều so với hoạt động vận tải đường hàng không.

"Đường bộ đòi hỏi sự đồng bộ toàn tuyến trên một hành trình. Vậy nên để triển khai được quy định này thì cần thống nhất được việc vận chuyển từ các đầu khác nhau. Hiện chúng ta có đến 5.000 đường vận tải đường bộ khác nhau nên không dễ để vận hành đồng bộ ngay.

Như Hà Nội, khi mở lại 8 tuyến vận chuyển hành khách liên tỉnh, thực tế chỉ một chuyến xe chạy được. TPHCM triển khai được 15 tuyến với 28 xe, số lượng 217 hành khách đi từ bến" - bà Hiền lý giải và cho rằng việc cần lúc này là phải tuyên truyền, thông tin tới người dân về những tuyến vận chuyển đã được mở.

Vì sao người dân ngại đi xe khách liên tỉnh sau nhiều tháng mong chờ? - 2

Hoạt động vận tải xe khách liên tỉnh được thí điểm từ ngày 13-20/10 (Ảnh: Nguyễn Dương).

Trong ngày 18-19/10, Tổng cục Đường bộ sẽ tiếp nhận thông tin để tổng kết thời gian thí điểm để có căn cứ triển khai cho thời gian tiếp theo, tinh thần là làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất về đi lại cho người dân và đảm bảo an toàn.

Cũng theo nữ lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, cái khó là đánh giá về mức độ nguy cơ dịch bệnh của các tỉnh thành khác nhau. Ví dụ, tuyến xe khách Hà Nội - TPHCM, giờ Hà Nội đang xác định là vùng xanh mà TPHCM vẫn là vùng đỏ thì việc đi lại, vận chuyển hành khách phải do sự trao đổi, thỏa thuận của 2 địa phương. Vấn đề khác nữa là trên đường từ TPHCM ra Hà Nội hay ngược lại còn qua rất nhiều tỉnh thành khác, phải có những điểm dừng nghỉ/luân chuyển hành khách.

"Phương tiện thì không phải là nguồn lây lan dịch bệnh mà là con người. Vậy nên việc kiểm soát an toàn với người vận hành phương tiện, hành khách thế nào là việc cần tính. Phương án sau thí điểm, chúng tôi dự kiến, sẽ tập trung vào vấn đề vùng dịch công bố tại các địa phương lân cận" - bà Hiền nhấn mạnh.